Ngày 31/7, vòng đàm phán thương mại thứ 12 giữa đại diện hai nước Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải đã kết thúc, và không đạt được tiến triển gì, tuy nhiên phía Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản của Mỹ. Hai bên sẽ tiếp tục tiến hành vòng đàm phán thương mại tiếp theo vào tháng 9 tại Mỹ, các vấn đề trọng tâm của chiến tranh thương mại có thể sẽ được đưa ra tại vòng đàm phán tiếp theo này. 

Embed from Getty Images

Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ 12 kết thúc tại Thượng Hải hôm 31/07/2019, nhưng không đạt được kết quả gì. (Ảnh từ Getty Images)

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đã làm rối loạn tình hình thương mại toàn cầu, làm thay đổi chuỗi cung ứng sản phẩm và lay động đến thị trường tài chính toàn cầu.

Ngày 31/7, vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung thứ 12 đã kết thúc, đại diện hai nước chỉ tiến hành đàm phán khoảng 4 tiếng đồng hồ. 

Theo Reuters đưa tin, khoảng 1:45 chiều, sau khi cùng chụp ảnh chung với phía Trung Quốc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cùng các quan chức chính phủ Mỹ khác đã lên xe và rời khỏi Thượng Hải ra thẳng sân bay để trở về Mỹ.

Thông cáo của Tân Hoa Xã cho biết, ngày 30 – 31/7, đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu cùng đoàn đàm phán Mỹ do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tiến hành cuộc đàm phán cấp cao lần thứ 12 về thương mại Trung – Mỹ. Hai bên chiểu theo nhận thức chung của nguyên thủ hai nước trong cuộc gặp tại Osaka Nhật Bản, để tiến hành trao đổi các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Hai bên còn thảo luận về việc phía Trung Quốc căn cứ vào nhu cầu trong nước để tăng mua hàng hoá Mỹ và phía Mỹ sẽ tạo điều kiện cho việc mua bán này. 

Vòng đàm phán lần thứ 12 này đã kết thúc sớm hơn dự kiến. Mặc dù khiến cho nhiều người cảm thấy thất vọng nhưng kết quả này cũng là điều nằm trong dự báo trước đó. 

Hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán cấp cao tiếp theo vào tháng 9 tại Mỹ. 

Ngày 26/7, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết, ông dự đoán đàm phán thương mại với Trung Quốc lần này sẽ không đạt được thoả thuận quan trọng nào; tuy nhiên đại diện đàm phán thương mại của Mỹ cho rằng vòng đàm phán lần này sẽ là bước trải thảm cho tương lai. 

Phía Trung Quốc cho biết, đây là cuộc đàm phán mang tính xây dựng.

Chuyên gia và những người liên quan đến cuộc đàm phán này cho biết, mặc dù Bắc Kinh thể hiện mong muốn đàm phán, nhưng lại cho rằng có thể không vội vã đưa ra nhượng bộ để có thể giành được điều khoản tốt hơn. Họ nói rằng các tranh chấp dài hạn có thể khiến ông Trump đau đầu vì thuế quan làm tổn thương nông dân và người tiêu dùng Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.

Hôm 30/7, Tổng thống Trump phát biểu bình luận tại Washington rằng, kinh tế Trung Quốc “đang biểu hiện rất tệ”, và cho biết Bắc Kinh có thể đang muốn kéo dài đàm phán đến cuộc bầu cử sang năm nhằm xác định xem ông có thua hay không. 

Theo nguồn tin tiết lộ, mấy tháng gần đây, do yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, các nhà kinh tế học và các chuyên gia phân tích của Trung Quốc, vẫn luôn tiến hành thị sát các tỉnh và nghiên cứu chi tiết số liệu để đánh giá tình hình kinh tế trong nước liệu có chống đỡ được ảnh hưởng lâu dài bởi thuế quan mang tính trừng phạt của Mỹ hay không; một vấn đề đang được nghiên cứu là ảnh hưởng ngầm khi công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. 

Các quan chức Trung Quốc công khai cho biết rằng, họ có đủ công cụ chính sách để giữ cho tăng trưởng ổn định, và thực hiện mục tiêu của chính phủ năm nay là tăng trưởng ở mức 6% – 6,5%. Hôm thứ Ba, tại một hội nghị quan trọng về chính sách kinh tế, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, chính quyền sẽ có biện pháp ứng phó với “thách thức mới” trong lĩnh vực kinh tế.

Giới lãnh đạo cấp cao của chính quyền Trung Quốc còn đôn đốc các cơ quan tài chính cung cấp nguồn vốn dài hạn cho các nhà sản xuất để giúp ổn định đầu tư. 

Một số nhà kinh tế cho rằng, suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ xấu đi trong những tháng tới, bởi vì nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu từ doanh nghiệp tư nhân vẫn đang chững lại. Một số người khác dự đoán, trước ngày quốc khánh của ĐCSTQ 1/10, Bắc Kinh sẽ tăng chi và dùng các biện pháp khác để hỗ trợ tăng trưởng và cải thiện tình hình việc làm. 

Nhưng cũng có nhà kinh tế học cho biết, tình hình của Trung Quốc sẽ càng tồi tệ hơn. Larry Hu, nhà kinh tế học thuộc Tập đoàn Macquarie cho biết, “Mặc dù tình hình tăng trưởng trong tháng 7 có cải thiện, nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn thuộc thời kỳ ảm đạm. Những việc gay go nhất vẫn chưa thực sự đến.”

Việc làm là một vấn đề quan trọng, các công ty đã phải đóng của và cắt giảm nhân viên để ứng phó với kinh tế trong nước chững lại và nhu cầu trên thế giới giảm. Theo dự báo của công ty China International Capital, từ tháng 7 đến nay, khoảng 5 triệu công nhân Trung Quốc mất việc làm, trong đó có 1,9 triệu người thất nghiệp. Báo cáo này còn bao gồm cả dữ liệu trước khi Mỹ nâng thuế quan hồi tháng 5. Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với hàng hoá Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Huệ Anh

Xem thêm: