Tên tôi là Triệu Hân (Zhao Xin), khi tôi tham gia phong trào sinh viên năm 1989 tôi chỉ là sinh viên năm thứ ba của Khoa Trung văn. Tuy nhiên, một sinh viên đại học bình thường không có chút kiến thức cơ bản nào về quân sự như tôi lại bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quy kết là “nhà lãnh đạo bạo động”, và phát lệnh truy nã cấp cao nhất trên toàn quốc.

thảm sát thiên an môn
Năm 1989, sinh viên Bắc Kinh tập trung tại Thiên An Môn để đòi dân chủ (Ảnh từ internet).

Vào thời điểm đó ĐCSTQ đã tuyên truyền dối trá và phát lệnh truy nã toàn quốc đối với ba nhóm nổi dậy: đội Phi Hổ, quân Nghĩa Dũng, đội Cảm Tử, trong đó người sáng lập quân Nghĩa Dũng là tôi.

Vào năm 1989, sau buổi chiều 23/5, quảng trường Thiên An Môn bất ngờ nổi cơn giông dữ dội, trong khi tôi cùng một nhóm sinh viên thuộc nhiều trường đại học khác nhau ở Vân Nam cùng trú mưa tại khu Đài tưởng niệm Anh hùng nhân dân, bất ngờ tôi buông giọng cảm khái: nếu xuất hiện một vị tướng như Thái Ngạc (1882 – 1916) xưa kia đứng lên khởi nghĩa dẹp loạn Viên Thế Khải phục hồi chế độ quân chủ, hòng có thể dẹp được loạn vi hiến của Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng bây giờ thì tuyệt vời biết bao nhiêu.

Ý tưởng đột nhiên lan rộng như một ngọn lửa, dù đang trong cơn giông tố, trên đầu các sinh viên chỉ có một tấm vải mưa mỏng manh.

Sau cơn giông chúng tôi lập tức thực hiện ý tưởng, bắt đầu là đi mua các miếng vải màu và viết lên những biểu ngữ giăng tại Quảng trường Thiên An Môn, hàng trăm người cùng nhau tuần hành dưới ngọn cờ “quân Nghĩa Dũng bảo vệ quốc gia và pháp luật”, trên đầu mỗi người đều có băng vải “quân Nghĩa Dũng bảo vệ quốc gia và pháp luật”, hy vọng thức tỉnh quân dân, hy vọng thêm lần nữa phát động quân Nghĩa Dũng đứng lên bảo vệ đất nước và luật pháp.

Tại thời điểm đó, thậm chí nhiều người còn hy vọng Ủy viên trưởng Nhân đại Vạn Lý (Wan Li) trở về nước triệu tập khẩn cấp Đại hội Nhân đại toàn quốc để chống lại thiết quân luật và cách chức ông Lý Bằng (Li Peng). Vì vậy sau thiết quân luật ngày 19/5, mọi người kỳ vọng nội bộ ĐCSTQ chia rẽ và xuất hiện một vị tướng bảo vệ đất nước giống như Thái Ngạc là hoàn toàn dễ hiểu. Thật bất ngờ, khi Vạn Lý trở về Thượng Hải lại không có động tĩnh gì?!

Chúng tôi chỉ tổ chức một đợt diễu hành biểu tình xung quanh Quảng trường Thiên An Môn trong khoảng hai tiếng, như thế cũng bị gọi là tổ chức bạo động! Hơn nữa, còn xếp vị trí thứ hai trong ba tổ chức bạo động lớn!

Tôi được các sinh viên đeo một dải ruy băng trên ngực, phong tước là “Quân trưởng Quân thứ nhất Quân Nghĩa Dũng bảo vệ đất nước và pháp luật”, được gán danh nghĩa lãnh đạo mọi người bảo vệ đất nước và pháp luật, trong khi diễu hành thị uy xung quanh Thiên An Môn mọi người còn hô vang rằng “Thái Ngạc hiện đại xuất hiện”, đánh trúng tâm lý sợ hãi của ĐCSTQ. Sau vụ thảm sát ngày 4/6, ngay lập tức tôi bị Cộng sản Trung Quốc quy tội tôi lãnh đạo tổ chức bạo loạn, đứng hàng đầu trong danh sách đen. Tại quê hương Vân Nam của tôi, cứ nơi nào bị nghi có người thân và bạn bè của tôi là nơi đó bị theo dõi nghiêm ngặt. Tất nhiên, những chuyện này tôi chỉ được biết về sau này.

Thêm nữa, tại thời điểm đó tôi lại là Ủy viên Ban Chấp hành khu Đông Bắc thuộc Trung tâm Chỉ huy lâm thời Sinh viên vùng ngoài đến Bắc Kinh, nhiệm vụ là chỉ huy chung giữ trật tự, tôi đã cử nhiều đội giữ trật tự đến các khu vực khác nhau tại Bắc Kinh để chặn xe quân đội, ngày 1/6 sau khi đích thân vào Trạm Phát thanh Tiếng nói sinh viên lên tiếng động viên các sinh viên tại Thiên An Môn, tôi đã dẫn đầu hơn hai ngàn sinh viên tuần hành đến Bộ Công an tại Bắc Kinh và cùng Đội Trật tự công nhân của Hàn Đông Phương (Han Dongfang) đi cứu trợ ba vị thủ lĩnh (Thẩm Ngân Hán, Tiền Ích Dân, Tự Đông Bình) của Hội Liên hiệp tự trị Công nhân Bắc Kinh, đã cùng với Hàn Đông Phương và Trình Thần Đẳng (Cheng Chendeng) đàm phán thành công với Bộ Công an cứu được ba người. Vậy là tôi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ bản để quy kết là người tổ chức bạo loạn (đứng đầu tổ chức, chặn xe quân đội và bao vây Bộ Công an).

Trong thực tế, khi tôi dẫn đoàn sinh viên tuần hành biểu tình bảo vệ đất nước và pháp luật, tôi không có ý đồ gì liên quan đến gây bạo động vũ trang, chỉ hy vọng nội bộ ĐCSTQ có chia rẽ và các quân nhân thức tỉnh để giống như tướng quân Thái Ngạc xưa kia đứng lên cứu nước cứu dân trong lúc nguy cấp.

Quân Nghĩa Dũng của tôi và đội hạt nhân (còn gọi đội Sắt Máu) giữ trật tự của Trung tâm Chỉ huy lâm thời Sinh viên vùng ngoài vào Bắc Kinh đa số là bạn học, mọi người đều đồng ý với đề xuất của tôi rằng khi cần thiết sẽ dùng máu viết 7 chữ lớn trên một tấm vải trắng lớn, viết rằng “Tôi dùng máu tôi dâng Hiên Viên” (Ngã dĩ ngã huyết tiến Hiên Viên, Hiên Viên được xem là thủy tổ của người Trung Quốc), cùng tuyệt thực đến chết tại đài tưởng niệm anh hùng của nhân dân để thức tỉnh mọi người.

Nhớ khi diễu hành thị uy tôi đã đi đầu và hô vang khẩu hiệu đòi cách chức Lý Bằng, tôi hô theo giọng Vân Nam của tôi. Những bạn đồng hành với tôi đã cười vì cái giọng Vân Nam của tôi, vì thế bầu không khí dù hừng hực khí thế nhưng cũng đầy hài hước và thoải mái, vì thế không có một chút ý chí phấn khích bạo lực nào. Thậm chí nếu có, đó chỉ là ý chí tự hy sinh chính mình, dùng cái chết ngay dưới Đài tưởng niệm anh hùng nhân dân dâng lên Hiên Viên.

Như vậy, sau khi bị quy tội “lãnh đạo bạo loạn có tổ chức”, tôi bị tống vào Nhà tù Tần Thành, đầu tiên tôi bị biệt giam trong một phòng giữa tầng hai tòa nhà 204K của nhà tù Tần Thành, sau đó vào một ngày tháng Tám có ba người nữa bị đưa vào chỉ độ tuổi ngoài ba mươi. Ngay khi tôi đang vui mừng thì tôi lại bị đưa xuống tầng một, bị biệt giam ba tháng trong căn phòng số 12. Trong một lần chán nản vì chịu cảnh cô đơn tĩnh mịch, tôi hét to: “Gửi một tên côn đồ đến sống với tôi!” Vậy là sau đó nữ thần tượng dân chủ Triệu Thiếu Nhược (Zhao Shaore) được đưa đến giam cùng tôi.

Vấn đề này, Vương Đan (Wang Dan), người bị giam ở phòng số 6 đã viết trong hồi ký của ông. Vương Đan cũng phải phản kháng cuối cùng mới thoát cảnh bị giam một mình.

Sau đó, chế độ Cộng sản Trung Quốc không còn bịa đặt biên soạn những câu chuyện bạo loạn nữa, khi điều tra lại về tôi không phát hiện thấy có gì bạo loạn, sau nhiều lần thay đổi tội danh “bạo loạn phản cách mạng →  gây bất ổn chính trị → gây sóng gió chính trị”, tôi mới vô cùng may mắn thoát khỏi số phận bi thảm của cái gọi là “đứng đầu quân Nghĩa Dũng tổ chức bạo loạn phản cách mạng”.

Trước đây mỗi khi nghĩ về những điều này, vì quá đau đớn nên tôi không muốn nhớ lại, không muốn viết lại. Hôm nay, một bản sao Viên Thế Khải (ám chỉ Tập Cận Bình) nữa đã phục hồi chế độ quân chủ, không biết khi nào thì tướng Thái Ngạc sẽ tái sinh lãnh đạo quân Nghĩa Dũng bảo vệ đất nước, giải cứu kiếp nạn cho dân tộc Trung Hoa? !

Triệu Hân (Zhao Xin) xin viết lại để kỷ niệm 29 năm sự kiện thảm sát ngày 4/6/1989 tại Thiên An Môn – Bắc Kinh.

(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm ​​cá nhân tác giả).

Blog Triệu Hân

Xem thêm: