Đầu tháng tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời thông qua “Nghị quyết về các vấn đề lịch sử” lần thứ 3. Giới truyền thông hải ngoại liên tiếp đưa ra các bình luận. Họ coi cuộc họp và nghị quyết lần này là bước mở đường cho việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào năm sau.

Mao Trạch Dông Dặng Tiểu Bình Tập Cận Bình
Từ trái qua: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình (Ảnh ghép)

Về cơ bản, việc tái đắc cử của ông tập Cận Bình đã được xác định ngay vào năm 2018, khi ông sửa đổi hiến pháp và bãi bỏ chế độ hạn chế nhiệm kỳ tái cử của chủ tịch nước. Nếu không có ý định cho bản thân được đặc biệt hưởng chế độ vô thời hạn, thì vì sao ông Tập lại phải động thủ sửa đổi hiến pháp?

Mặc dù ĐCSTQ sửa đổi hiến pháp như trở bàn tay, nhưng việc bãi bỏ chế độ chủ tịch suốt đời, là do ông Đặng Tiểu Bình quyết định năm 1982. Ông Tập Cận Bình xóa bỏ điều mà ông Đặng Tiểu Bình bãi bỏ. Đây không phải là chuyện có thể làm trong một cái búng tay. Ít nhất những cán bộ lãnh đạo cao nhất đã nghỉ hưu và đương chức lúc đó phải có ý kiến ​​thống nhất.

Vì sao ông Đặng Tiểu Bình bãi bỏ chế độ chủ tịch suốt đời? Vì để ngăn chặn sự độc tài cá nhân. Vì sao ông Tập Cận Bình bãi bỏ chế độ hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch? Vì muốn làm chủ tịch suốt đời. Vì sao ông Tập Cận Bình có thể bãi bỏ chế độ này? Vì thể chế này có vấn đề.

Ông Đặng Tiểu Bình đã phát minh ra thể chế “chỉ định giữa các thế hệ”. Nghĩa là các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ phải được chỉ định trước một thế hệ. Thế hệ ông Đặng Tiểu Bình đã chỉ định Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Thế hệ Giang Trạch Dân, Chu Ân Lai chỉ định ông Tập Cận Bình. Thế hệ ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lại chỉ định người kế nhiệm ông Tập Cận Bình.

Người ta nói rằng thế hệ của ông Hồ và ông Ôn đã bổ nhiệm ông Tôn Chính Tài và ông Hồ Xuân Hoa lên kế vị. Không ngờ ông Tôn Chính Tài lại bị ông Tập Cận Bình loại bỏ. Theo báo cáo, ông Hồ Xuân Hoa sợ hãi đến mức từ chức người kế nhiệm và không chịu ngồi trên miệng núi lửa.

Theo cách này, người kế nhiệm được chỉ định của thế hệ ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thất bại. Vậy ai có quyền xác định lại người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình?

Không ai có đủ thẩm quyền để thiết lập một quy tắc mới. Điều đó có nghĩa là ông Tập Cận Bình không có người kế nhiệm hợp pháp. Vậy thì phải làm thế nào? Không ai có thể đưa ra giải pháp, thì cách duy nhất là xóa bỏ chế độ nhiệm kỳ của chủ tịch nước.

Phải chăng ông Tập Cận Bình gạt bỏ ông Tôn Chính Tài, nhằm cố ý phá hoại chế độ “chỉ định giữa các thế hệ”? Mục đích cuối cùng là đạt được việc xóa bỏ chế độ hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước? Điều này chỉ có bản thân ông Tập mới rõ.

Thực tế khách quan là ông Tôn Chính Tài thất thế. Việc bổ nhiệm của ông Hồ và ông Ôn không thành. Người kế nhiệm của ông Tập bị bỏ ngỏ, và không ai đủ can đảm tiếp tục bổ nhiệm người kế nhiệm. Vậy nên, ông Tập chỉ có thể làm chủ tịch mãi mãi.

Ông Tập Cận Bình càng tăng tốc về phía cực tả, thì tình hình quốc tế và trong nước của Trung Quốc ngày càng tồi tệ. Tình hình Trung Quốc càng tồi tệ, càng không ai dám tiếp quản, thì vị thế của ông Tập lại càng vững chắc.

Cùng với thực tế suốt nhiều năm qua, ông Tập đã sử dụng các cuộc tấn công mang danh nghĩa chống tham nhũng nhằm chống lại phe đối lập trong đảng. Đồng thời, ông ấy cũng nắm vững tài liệu đen của các nhóm lợi ích chính trị khác nhau. Nên muốn thanh trừng ai, ông ấy cũng đều có thể động thủ bất cứ lúc nào. Kết quả là không ai trong đảng có khả năng đe dọa vị trí của ông Tập.

Việc ông Tập tái đắc cử là điều chắc chắn. Phiên họp toàn thể lần thứ 6 và “Nghị quyết về các vấn đề lịch sử” lần thứ 3 không phải là sự chuẩn bị cho việc tái đắc cử của ông Tập.

Điều ông ấy muốn là lãnh đạo ĐCSTQ như thế nào trong tương lai khi đối mặt với những khó khăn trước mắt. Làm thế nào để tìm ra cơ sở lý luận và chính trị giúp ông ấy lãnh đạo ĐCSTQ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trong tương lai.

Sau khi ĐCSTQ tạo dựng được chỗ đứng vững chắc ở phía bắc Thiểm Tây, Mao Trạch Đông đã đưa ra quyết định lịch sử đầu tiên. Mao đưa ra nhận định về những sự kiện lớn trong lịch sử của ĐCSTQ, nhằm thống nhất nhận thức của toàn đảng, và xác lập quyền lãnh đạo tối cao của mình.

Đặng Tiểu Bình đã xây dựng nghị quyết lịch sử thứ 2, khi đưa ra kết luận về các phong trào chính trị của ĐCSTQ sau năm 1949. Ông Đặng phủ nhận đường lối cực tả của Mao, đưa ra nhận định về Mao sau khi Mao qua đời, đồng thời xác nhận quốc sách lớn là cải cách và mở cửa.

Ông Tập Cận Bình sẽ đưa ra nghị quyết lịch sử thứ 3, với mục đích chấm dứt đường lối mở cửa của Đặng Tiểu Bình, từ bỏ chiến thuật “ẩn mình”. Ông Tập khẳng định chính sách “quốc tiến dân lui”, đàn áp doanh nghiệp tư nhân, thắt chặt chính trị và văn hóa, thụt lùi một cách toàn diện, và đóng cửa đất nước.

Những quốc sách mới này đã đi ngược lại di ngôn của Đặng Tiểu Bình, quay trở lại đường lối của Mao Trạch Đông. Do đó, cần phải đưa ra cách giải thích mới về xu hướng cực tả trong thời đại Mao và xu thế cực hữu trong thời đại Đặng.

Khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã đưa ra một logic ngớ ngẩn rằng: “30 năm đầu không thể phủ nhận 30 năm tới, cũng không thể phủ nhận 30 năm tiếp theo trong 30 năm tới”, nhằm giữ gìn sự “vĩ đại, quang minh, chính xác” nhất quán của ĐCSTQ.

Kể từ khi quan hệ Mỹ – Trung xấu đi, các nền dân chủ trên toàn thế giới đều đồng lòng đứng về phía đối lập với ĐCSTQ. ĐCSTQ đang ở trong tình thế bị cô lập và khó khăn chưa từng có. Từ nay về sau, họ chỉ có thể đóng cửa đất nước, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài và sự sụp đổ bên trong. Đồng thời thống nhất tư tưởng của toàn đảng và toàn dân, mới có thể giữ vững chính quyền.

Vì vậy, “Nghị quyết về các vấn đề lịch sử” lần thứ 3 phải đánh giá lại thời đại Mao và thời đại Đặng, nhằm tìm chỗ đứng vững chắc cho đường lối chính trị của thời đại Tập. Đây chính là việc ĐCSTQ không được quên ý định ban đầu, đi theo con đường cũ của chủ nghĩa xã hội, chống lại phe phản động trong và ngoài nước đến cùng.

Đặng Tiểu Bình phủ nhận đường lối thời Mao và thiết lập chính sách quốc gia mở cửa với phương Tây. Nếu ông Tập Cận Bình không phủ nhận đường lối của Đặng, thì đường lối của ông ấy sẽ không có tính chính danh.

Đối với ông Tập mà nói, đường lối cải cách và mở cửa phải chấm dứt, một lần nữa cần “giải quyết sự hỗn loạn, khôi phục trật tự” và quay trở lại đường lối của Mao Trạch Đông.

Lộ trình của Mao là gì? Là tự lực cánh sinh, đấu tranh chống phe phản động trong và ngoài nước, là áp lực chính trị cao độ, là việc đảng lãnh đạo mọi việc, thực hiện kinh tế kế hoạch, đàn áp tư bản phong kiến, thiếu chính trị hóa đời sống xã hội.

Trước những áp lực to lớn trong và ngoài nước, chỉ có thể đứng vững, không được mềm lòng. Để đối phó với những khó khăn trong tương lai, phải thống nhất hệ tư tưởng của đảng và quay trở lại chế độ độc tài, mới có thể có không gian cho ĐCSTQ tồn tại.

Đây không chỉ là ý tưởng của một mình ông Tập Cận Bình, mà còn là sự đồng thuận của toàn đảng bộ ĐCSTQ. “Nghị quyết về các vấn đề lịch sử” lần thứ 3 sẽ biện minh cho ông Tập Cận Bình như thế nào? Làm sao mới có thể hợp lý hóa tội ác ĐCSTQ đã gây ra cho người dân Trung Quốc suốt 30 năm qua, chúng ta hãy cùng đón đợi.

Nhan Thuần Câu

(Bài viết được Vision Times đăng lại từ trang Facebook của Nhan Thuần Câu với sự cho phép của tác giả, chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: