Những người như Miles Yu – cố vấn cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Mung Chiang – cố vấn về chính sách ngoại giao đã bị phương tiện truyền thông Đại lục công kích vì lập trường “chống Trung” của họ. Theo SCMP, việc bổ nhiệm một số cố vấn gốc Hoa có quan điểm cứng rắn với ĐCSTQ cho thấy chiến lược đối đầu rõ ràng của Washington với Bắc Kinh.

B07A00 P 02 02
Ông Miles Yu và Mike Pompeo (Ảnh: Twitter)

Sinh năm 1962, ông Miles Yu lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa và được coi là chuyên gia về các chiêu bài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoại trưởng Pompeo đã mô tả ông Yu là “một phần trung tâm trong nhóm của tôi”, trong khi David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, thì gọi ông là “kho báu của quốc gia”.

Ông Yu được cho là đã chấp bút phần lớn cho bài phát biểu của ông Pompeo hồi tháng 7, tố cáo “âm mưu bá quyền” của ĐCSTQ và gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “người tin tưởng thực sự vào một hệ tư tưởng độc tài toàn trị đã phá sản”.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Washington Times vào tháng 6 năm nay, ông Yu đã sử dụng ngôn ngữ tương tự khi gọi ông Tập là “một người Cộng sản kiên cường tin vào hệ tư tưởng đã lỗi thời.”

Lớn lên ở một huyện ngoại ô thành phố Trùng Khánh, ông Yu học lịch sử tại Đại học Nam Đài danh tiếng ở Thiên Tân trước khi chuyển đến Hoa Kỳ vào những năm 1980 và nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Berkeley, California.

Trong khi ở đó, ông đã giúp những người bất đồng chính kiến Trung Quốc trốn khỏi đất nước sau vụ thảm sát quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đến định cư ở vùng vịnh San Francisco, theo tờ Washington Times.

Trong một đánh giá năm 1995 tại trung tâm Wilson về lịch sử Chiến tranh Lạnh quốc tế, ông nói: “Trí thức Trung Quốc thường tự nguyện phụng sự đất nước, là tai mắt của quốc gia, nhưng cuối cùng nhà nước lại quay lại chống những người trí thức không chút thương tiếc.”

Từ năm 1994, ông Yu là giáo sư lịch sử tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ chuyên về Trung Quốc, Đông Á, lịch sử quân sự và ngoại giao. Ông hiện đang giữ vai trò cố vấn hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhưng khi đã trở nên nổi tiếng, ông Yu đã trở thành mục tiêu chỉ trích từ đất nước nơi ông sinh ra.

Sau khi tờ Washington Times mô tả ông Yu là kiến ​​trúc sư trong chính sách Trung Quốc của ông Pompeo, Thời báo Hoàn Cầu đã miêu tả ông Yu như một kẻ “cuồng tín” thù địch, muốn chứng kiến sự sụp đổ của ĐCSTQ.

Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập tờ báo của ĐCSTQ, gọi ông Yu là “trí thức giả”, người “bị đánh lừa bởi một số tiếng nói cực đoan trên internet.” Ông Hồ nói rằng ông Yu rời Trung Quốc quá sớm, khi đất nước còn “yếu” và giới trẻ và trí thức “tôn sùng phương Tây”.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc kể từ đó đã đổ dồn về ông Yu, sử dụng các lập luận tương tự để cố gắng làm mất uy tín của ông. Những bài báo như vậy tương phản hoàn toàn với giọng điệu trước đây của truyền thông Trung Quốc khi hết lời tôn vinh những người gốc Hoa đạt được đến các vị trí quyền lực tại Mỹ, như cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke và Bộ trưởng Giao thông Mỹ đương nhiệm Elaine Chao.

Tại quận Vĩnh Xuyên, quê hương thời thơ ấu của ông Yu, cách trung tâm Trùng Khánh 70km về phía tây, một tấm bia có tên của những học sinh đạt thành tích cao nhất trong các kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm được che phủ với một tấm bìa màu xanh ghi rằng “đang được sửa chữa”. Nhìn qua, có thể thấy tên của ông Yu đã bị xoá, ngay dưới đó là nguệch ngoạc dòng chữ bằng tiếng Trung ghi “kẻ phản bội.”

Mung Chiang Speaking at the NSF Waterman Award Ceremony in 2013
Ông Mung Chiang (Ảnh: Wikipedia)

Ngoài ông Yu, Bộ Ngoại giao Mỹ còn tuyển dụng ông Mung Chiang làm cố vấn về khoa học và công nghệ vào năm ngoái, theo SCMP.

Ông Chiang là một doanh nhân về công nghệ và là trưởng khoa cơ khí tại Đại học Purdue. Ông sinh năm 1977 tại Thiên Tân và đã chuyển tới Hồng Kông năm 1988. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1996, ông tới Mỹ học tại Đại học Stanford.

Trong một diễn đàn trực tuyến do Đại học Stanford tổ chức hồi tháng Năm, ông Chiang đã chỉ ra sự tương phản rõ rệt giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan về cách xử lý vấn đề COVID-19.

“Sự minh bạch bảo vệ con người khỏi loại virus độc tài chết người,” ông nói, “khiến các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến không bị bắt dưới vỏ bọc cách ly.”

Tháng Tám năm ngoái, Nhà Trắng cũng đã bổ nhiệm Eligar IItebir, một học giả Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ xuất sắc làm giám đốc về các vấn đề Trung Quốc tại Uỷ ban An ninh Quốc gia Mỹ. 

Cô IItebir là viện sĩ tốt nghiệp Harvard và là con gái của một trí thức Duy Ngô Nhĩ lỗi lạc. Cô sinh năm 1984 tại Urumqi – thủ phủ của Tân Cương và tới Mỹ qua đường Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng đối ngoại, một viện nghiên cứu tại New York, nói việc bổ nhiệm đã nhấn mạnh những giá trị của chính phủ Mỹ.

“Họ không được chọn vì họ có những mối liên hệ với cộng đồng những người bất đồng chính kiến hoặc vì những vấn đề nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Họ được chọn vì họ có kiến thức chuyên môn mà chính quyền coi trong liên quan tới chiến lược họ muốn phát triển đối với Trung Quốc,” bà nói.

Ông Shi Yinhong, chuyên gia về các vấn đề về Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói nhóm cố vấn hiện tại đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đối đầu của TT Trump với Trung Quốc.

“Họ hiểu Trung Quốc và có nhận thức khá sâu sắc về Trung Quốc, và họ được chọn tại thời điểm Mỹ quyết định trở nên cứng rắn với Trung Quốc,” ông nói.

 Ông Shi cũng chỉ ra một số cái tên khác đóng những vai trò quan trọng trong chính sách diều hâu đối với Trung Quốc của Trump, gồm có Matt Pottinger, cố vấn an ninh quốc gia có thể nói tiếng Hán phổ thông trôi chảy; và David Stillwell, thư ký phụ tá Bộ Ngoại giao về Đông Á, một sĩ quan không quân đã nghỉ hưu và từng là tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.

Xuân Lan (theo SCMP, Nikkei)

Xem thêm: