Kể từ sau khi Trung Quốc bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (COVID-19), lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã không xuất hiện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, đến ngày 10/3 vừa qua, ông Tập bất ngờ đến thăm Vũ Hán. Nhiều nhà quan sát đã có những nhận định và phân tích về diễn biến bất ngờ này.

Tập Cận Bình thị sát Vũ Hán
Hành trình này của ông Tập Cận Bình là “hoạt động công khai”, nhưng cư dân mạng đã rò rỉ không ít chi tiết giống “diễn kịch”. (Ảnh cắt từ video)

Đài Á Châu Tự do (RFA) trích dẫn hai luồng quan điểm, theo đó có quan điểm cho rằng đây là bước ngoặt cho thấy Trung Quốc đang dần khôi phục lại hoàn toàn hoạt động công việc, trong khi có quan điểm khác tiêu biểu như nhà bình luận Tần Bằng (Qin Peng) tại Mỹ cho rằng nguyên nhân hàng đầu sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Vũ Hán không phải là vấn đề nối lại công việc mà là ứng phó với “nguy cơ chính trị”, bao gồm của cả cá nhân ông Tập và của ĐCSTQ.

Trong trả lời phỏng vấn của RFA, ông Tần Bằng cho biết rằng nguyên nhân gây thảm họa dịch COVID-19 đối với Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung là vì quá trình ứng phó với dịch bệnh chậm chạm của cơ quan chức năng Trung Quốc làm cho dịch bệnh lây lan đến mức ngoài khả năng kiểm soát, điều này ông Tập phải có trách nhiệm; việc ông Tập không buồn đến Vũ Hán khảo sát tình hình sau khi dịch bệnh bùng phát cũng là vấn đề khiến người dân khó mà hài lòng.

Ông phân tích, tất nhiên nhìn từ góc độ kinh tế, ông Tập cũng muốn cố gắng có tác động nhất định đến tình hình khôi phục hoạt động sản xuất. Bởi vì nền kinh tế Trung Quốc bị chính trị thao túng nặng nề, tính độc lập quá hạn chế, vì vậy rất mong manh trước những biến động lớn. Tình trạng này tệ hại hơn khi mô hình phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào kinh tế bất động sản và tình trạng nợ nần cao… Điều này lý giải việc ĐCSTQ đang rất nóng ruột muốn phải gấp rút khôi phục lại hoạt động công việc.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn ý kiến của giáo sư Trương Đăng Cập (Zhang Dengji) thuộc khoa chính trị tại Đại học Quốc lập Đài Loan, chỉ ra hai khía cạnh trong lựa chọn của Tập Cận Bình đến thăm Vũ Hán vào thời điểm này: có thể là nắm chắc chắn về tình hình dịch bệnh, cũng có thể là một canh bạc. Ông cho biết theo dữ liệu công khai của ĐCSTQ xác nhận số ca bị nhiễm đang ngày càng giảm nhanh, nhưng tình hình di chuyển của dòng người do việc nối lại công việc có thể khiến tình hình dịch bệnh lại có những thách thức mới, hoặc có thể gây “biến số” bất cứ lúc nào.

Hãng tin Reuters thì dẫn lời giáo sư Trương Minh (Zhang Ming) tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, lý do ban đầu ông Tập không đến Vũ Hán vì thời gian đầu xảy ra dịch bệnh nguy cơ lây nhiễm ở đó quá cao. Có lẽ chuyến đi này hàm ý ĐCSTQ sẽ sớm tuyên bố chiến thắng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy cũng có những nghi ngờ rằng, không loại trừ khả năng về cái gọi là “chiến thắng” này không có nghĩa là sự an toàn thực sự của cuộc sống của người dân được đảm bảo, mà đó là nhờ che giấu tình hình dịch bệnh và phong tỏa thông tin.

Tờ New York Times dẫn ý kiến của ông Michael T.Osterholm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota chỉ ra, về mặt giảm thiểu tình trạng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 thì Trung Quốc đã thực hiện xuất sắc, nhưng ông cũng đặt câu hỏi về số liệu thống kê dịch bệnh của Trung Quốc: “Tôi không biết liệu điều này có giữ được lâu dài không. Có thực sự Trung Quốc đã thành công? Họ có thực sự kiểm soát được virus không hay chỉ là hạ thấp con số xuống?”

Nhà bình luận độc lập Hà Ngạn Tuyền (He Anquan) nhận định trên Đài Tiếng nói nước Mỹ (VOA) cho biết, chuyến thị sát Vũ Hán của ông Tập Cận Bình có hai mục đích: trước hết là khẳng định lại phát biểu trước đây về việc chống dịch bệnh là đích thân Tập Cận Bình chỉ đạo bố trí, thứ nữa là đáp lại ý dân đang ngày càng mạnh mẽ yêu cầu ông Tập phải đích thân đến Vũ Hán.

Ngoài ra ông cũng chỉ ra một mục đích khác trong động thái ông Tập đến Vũ Hán có thể là để trấn áp một số chỉ trích hoặc áp lực trong Đảng đang gây khó khăn cho ông.

Ông kết luận rằng tất cả do vấn đề thể chế. Thể chế muốn tạo hình ảnh năm mới 2020 may mắn vui vẻ, vì vậy đã trì hoãn việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Thể chế đã gây ra vùng lây nhiễm lớn ở Vũ Hán. Thể chế này quyết định phớt lờ tiếng nói của người dân, kiên quyết phong tỏa thành phố, gây thảm họa nhân đạo. Bệnh nhân không được điều trị, thậm chí một số người không được tiếp cận với nhu yếu phẩm hoặc thực phẩm hàng ngày. Thể chế muốn phải giảm thiểu số lượng người bị nhiễm virus và số người tử vong, thể chế ra lệnh phải hoạt động trở lại vào tháng Ba, muốn chuyển hướng nguồn virus không phải ở Trung Quốc.

Bây giờ thể chế ĐCSTQ muốn người dân cảm ơn Đảng, Nhà nước, và cảm ơn Tập Cận Bình. Việc ông Tập thị sát Vũ Hán ngày nay cũng là một điều tất yếu của thể chế. Giả sử Tổng Bí thư không phải ông Tập mà là người khác thì cũng phải đi biểu diễn theo kịch bản của thể chế này. Thể chế này là linh hồn của đất nước này, còn ông Tập là một trong những con rối của thể chế.

Tờ Vision Times tiếng Trung (Mỹ) dẫn nhận định của nhà bình luận độc lập Hằng Hà (Heng He) cho biết, có lẽ khả năng lớn hơn là nhằm chuẩn bị cho việc dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán, như vậy chuyến đi có hàm nghĩa nhấn mạnh công trạng của Tập Cận Bình trước người dân Vũ Hán, ít nhất là có thể gợi ý về điều này. Nhưng tình hình Vũ Hán vẫn chưa đạt đến khả năng có thể hủy phong tỏa, còn phải phụ thuộc vào sự phát triển của dịch bệnh chứ không phải theo kế hoạch thực hiện. Hủy bỏ phong tỏa có thể chỉ là một mệnh lệnh hành chính, không nhất thiết cho thấy thực tế dịch bệnh được cải thiện. Ông cáo buộc để dịch bệnh bùng phát đến mức độ như ngày nay là do vấn đề của thể chế chính trị, ban đầu ông Tập Cận Bình muốn che giấu tình hình để giữ hình ảnh bản thân và chế độ, ĐCSTQ lại đi vào vết xe đổ như dịch SARS trước đây mà không học được bài học nào.

Tuyết Mai

Xem thêm: