Đặng Tiểu Bình là người sớm được Mao Trạch Đông xem trọng, được khen là nhân tài hiếm có và được Mao bồi dưỡng. Về sau Đặng theo Lưu Thiếu Kỳ khiến Mao tức giận nên trách đứng nhầm đội và đánh đổ ông. Mao Trạch Đông qua đời, một sự ngẫu nhiên trong lịch sử đã giúp Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền.

(Từ trái sang): Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh và Mao Trạch Đông
(Từ trái sang): Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh và Mao Trạch Đông

Mao Trạch Đông qua đời, Hoa Quốc Phong nắm quyền. Đặng Tiểu Bình muốn tái nhậm chức nên viết thư cho Hoa Quốc Phong, giả vờ thành khẩn nói: chúng tôi đều đã già rồi, anh vẫn còn trẻ, chúng tôi muốn phò tá anh đến thế kỷ 21. Hoa Quốc Phong không chịu được sự thúc giục của Diệp Kiếm Anh, nên đã lơ là phòng bị đối với Đặng Tiểu Bình, cuối cùng đã thả hổ về rừng. Vậy là giữa Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình tại Trung Nam Hải cùng diễn vở kịch “Đông Quách tiên sinh và chó sói”.

Mới đầu tái nhậm chức, Đặng Tiểu Bình giả vờ thấp giọng, ông lần lượt giữ các chức vụ như Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Đảng, nhưng chức vụ quan trọng vẫn do Hoa Quốc Phong đảm đương. Tuy nhiên Đặng Tiểu Bình không cam chịu ở dưới người khác, ông lui để tiến, kéo bè kết phái, tái cơ cấu nhân sự, khéo léo đoạt quân quyền. Đặng Tiểu Bình mất 4 năm, cuối cùng cũng đẩy được Hoa Quốc Phong lui về. Sau đó Đặng Tiểu Bình lấy chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương thao túng thực quyền, buông rèm chấp chính, những lãnh đạo tối cao đều do ông bí mật bổ nhiệm, những ai không nghe theo đều bị thanh trừng không nương tay.

Những năm cuối đời, Đặng Tiểu Bình liên tục trừ khử “lãnh đạo tối cao của Đảng và nhà nước”, lần lượt là: Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương. Đặng Tiểu Bình từng phê bình “sinh hoạt chính trị trong nội bộ Đảng không bình thường” trong thời Mao Trạch Đông, nhưng bản thân ông cũng “lươn ngắn lại chê trạch dài”. Từ mặt này đã chứng minh, Đặng Tiểu Bình kế thừa tính cách hống hách ngang ngược của Mao Trạch Đông.

Sau Đại Cách mạng Văn hóa, nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xuất hiện nhiều ý kiến bất đồng, bởi Mao Trạch Đông là kẻ khởi xướng Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa, nên có rất nhiều tiếng nói phản diện trong nội bộ Đảng. Nhưng Đặng Tiểu Bình lại bảo vệ ý kiến của mình, dốc toàn lực để bênh vực Mao, nói Mao có 3 phần sai nhưng có 7 phần thành tích. Thực ra, Đặng Tiểu Bình có cơ hội nổi dậy trong nội bộ Đảng, toàn là dựa vào sự bồi dưỡng của Mao Trạch Đông. Dù trong Đại Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình bị Mao Trạch Đông đánh đổ, nhưng Mao vẫn lưu lại đường sống cho Đặng.

Giai đoạn cuối Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông lại bắt đầu sử dụng Đặng Tiểu Bình, Đặng biết ơn đến rơi nước mắt. Đến lúc gần chết, Mao lại đánh đổ Đặng, nhưng không đuổi cùng giết tận. Mao Trạch Đông đối với Đặng Tiểu Bình có ơn nhiều hơn oán, Đặng lật đổ Mao bằng thủ đoạn quét sạch bọn gian thần, hoàng đế vô tội, thần có tội. Đặng đem tội của Mao đổ hết lên đầu của bè lũ bốn tên Lâm Bưu, làm cho Giang Thanh không phục nên đã kêu oan: “Tôi chỉ là một con chó của Mao chủ tịch, bảo tôi cắn ai thì tôi cắn người đó”.

Năm 1980, ĐCSTQ xử lại vụ chống vận động cánh hữu, bởi khi đó, “chống lại vận động cánh hữu” là kế sách của Mao Trạch Đông, còn Đặng Tiểu Bình là người chủ trì. Lúc đó, lại một lần nữa, Đặng xuất phát từ tư tâm, kiên quyết không xét lại vụ “cánh hữu” mà chỉ “cải chính”. Ông tuyên bố “chống lại phe cánh hữu” năm xưa là cần thiết, chỉ phạm sai lầm vì “mở rộng” thôi. Thế là Đặng Tiểu Bình tự quyết định, vẫn bảo lưu “phe cánh hữu”, không cải chính với gần 100 người nổi tiếng như Chương Bá Quân, La Long Cơ, Bành Văn Hưng, Gia An Bình, Trần Nhan Bỉnh, v.v, và hơn 10.000 phần tử trí thức.

Tội ác của Mao Trạch Đông vượt xa cả Stalin. Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov dám phê phán Stalin, đã để lại trước khúc nhạc dạo đầu cho sự biến đổi dân chủ to lớn của Liên Xô. Còn Đặng Tiểu Bình lại bảo vệ Mao Trạch Đông, đặt định cho sự tiếp tục chuyên chế của Trung Quốc và các vụ thảm sát. Quả nhiên, Đặng Tiểu Bình là kẻ chủ đạo trong vụ “thảm sát Lục Tứ”. Cũng cùng trong thời kỳ đó, Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov dẫn dắt Liên Xô tiến hành dân chủ, so với Trung Quốc hình thành hai thái cực thụt lùi và tiến bộ, mù mịt và sáng sủa. Có người nói Đặng Tiểu Bình đã làm thay đổi Trung Quốc, thực ra Đặng Tiểu Bình thay đổi chỉ là đường lối Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông theo đuổi đấu tranh giai cấp với cương lĩnh đàn áp dân chúng, bức hại những kẻ đối lập, ngay bản thân Đặng Tiểu Bình cũng trở thành người bị hại. Ngay khi nắm được quyền lớn trong tay, Đặng thay đổi đường lối cực đoan của Mao Trạch Đông, điều này không làm người khác thấy bất ngờ lắm. Ngay cả người được Mao Trạch Đông nhận định là thật thà như Hoa Quốc Phong, khi nắm quyền cũng còn thay đổi đường lối của Mao. Đặng Tiểu Bình đã sử dụng chiêu rất linh nghiệm, đó là lấy việc xét lại các vụ án của cán bộ cao cấp trong nội bộ Đảng bị Mao đánh đổ, nhằm củng cố tiếng nói trong nội bộ Đảng, lấy lòng những người trong nội bộ Đảng.

Từ khách quan mà xét, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, một người đóng vai phản diện một người đóng vai chính diện, Mao làm tất cả các chuyện xấu, còn Đặng thì nói hết những lời tốt đẹp; một kẻ tạo ra cực đoan, một kẻ xoay chuyển cực đoan. Từ đó không có gì khó để thu phục lòng người. Trong chính trị, Đặng và Mao thực chất là dạng cha truyền con nối, Mao khen ngợi Đặng, bên ngoài xuề xòa, bên trong thì rất giữ nguyên tắc, là túi gấm giấu kim. Thời đầu Mao lãnh đạo ĐCSTQ, đã lạm sát Hồng Quân ở Giang Tây, Đặng chính là người đại diện trung thực của đường lối Mao. Khi Mao bị Trung ương Đảng ở Thượng Hải xét xử, Đặng lại trở thành con dê thế tội, đứng mũi chịu sào để bị giam giữ và điều tra.

Đặng Tiểu Bình đồng ý xét xử lại đại đa số lão cán bộ bị Mao đánh đổ, duy nhất chỉ có Lâm Bưu là không. Đặng Tiểu Bình và Lâm Bưu đều thuộc hàng ngũ khai quốc công thần tương đối trẻ của ĐCSTQ, Lâm Bưu nhỏ hơn Đặng 3 tuổi. Về quân sự, Lâm Bưu có tài; về chính trị, Đặng Tiểu Bình có thành tích, cả hai đều được Mao đánh giá cao, và ngầm chọn làm người kế nhiệm. Lân Bưu và Đặng Tiểu Bình vì thế mà trở thành đối thủ cạnh tranh trên chính trường, đúng hơn Đặng Tiểu Bình coi Lâm Bưu là đối thủ. Thời gian đầu xây dựng chính quyền, do Lâm Bưu ít giao du với bên ngoài, còn Đặng Tiểu Bình thì nhảy múa trên vũ đài chính trị, nên được Mao coi trọng trong một thời gian. Thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình bị Mao đánh đổ, Lâm Bưu mới được Mao coi trọng. Từ đó Đặng Tiểu Bình ôm hận Lâm Bưu, khi máy bay của Lâm Bưu bị rơi, Đặng liền tái nhậm chức và hình thế lại có sự chuyển biến.

Sau khi Mao chết, Đặng nắm quyền, theo lý thì kẻ thủ ác trong Cách mạng Văn hóa là Mao, còn Chu Ân Lai và Lâm Bưu hoặc là chủ động hoặc là bị động tham gia và trong đó. Lâm Bưu tham gia Cách mạng Văn hóa vào thời đầu, còn Chu Ân Lai lại tham gia suốt quá trình, do đó so sánh thì tội của Chu Ân Lai lớn hơn tội của Lâm Bưu, nhưng do Chu Ân Lai chưa tới số, nên Đặng Tiểu Bình không tiện xử Chu Ân Lai để duy trì cục diện ĐCSTQ sau Cách mạng Văn hóa. Âm mưu của Đặng là bảo vệ Mao, tâng bốc Chu, cố hất hết “bát nước bẩn” của Cách mạng Văn hóa lên người Lâm Bưu. Dương Thượng Côn và Hồ Diệu Bang đã từng đề xuất lật lại án cho Lâm Bưu. Dương Thượng Côn từng đích thân nói với Lâm Lập Hoành rằng, hy vọng trong những năm còn sống của mình ông có thể nhìn thấy được cha của Lâm Lập Hoành được minh oan. Nhưng Đặng Tiểu Bình không thèm để ý ý kiến trong nội bộ Đảng, một tay che trời, và cho vụ án này chìm vào quá khứ mà không xét xử lại. Việc này đã làm cho án oan trong nội bộ Đảng bị treo mấy chục năm liền.

Nhân vật cấp cao trong nội bộ ĐCSTQ có 3 người trầm mặc ít nói, đó là Lưu Bá Thừa, Lâm Bưu và Đặng Tiểu Bình. Khác biệt với bản tính trầm mặc vốn có và sự bình tĩnh của nhà quân sự Lưu Bá Thừa và Lâm Bưu, tính trầm mặc của Đặng Tiểu Bình là sau này mới có. Bởi vì đã chứng kiến nhiều mưa gió, cảm thấy con người hiểm ác, xuất phát từ việc tự bảo vệ bản thân, nên Đặng cho rằng im lặng là vàng là đạo lý cao nhất. Lưu Bá Thừa và Lâm Bưu trầm mặc ít nói, cũng còn biết tiết chế không có dục vọng, còn Đặng Tiểu Bình thì ngược lại, phía sau vẻ trầm mặc ít nói đó là sự rối loạn giống như những cơn sóng không ngừng cuộn.

Hội nghị Lư Sơn năm 1959 của ĐCSTQ, nội bộ đấu đá kịch liệt, kết quả Bành Đức Hoài bị thanh trừng, một cuộc đấu đá không khoan nhượng trong các nhân vật cấp cao của ĐCSTQ. Duy nhất chỉ có Đặng Tiểu Bình không xuất hiện, nguyên nhân là trước đó Đặng Tiểu Bình đi đánh bida bị ngã gẫy chân phải nằm viện, may mà tránh được sóng gió tại Lư Sơn. Ẩn thân trong phòng bệnh rồi nhưng Đặng Tiểu Bình vẫn không an phận, lại còn gian díu với nữ y tá, hành vi bị bại lộ, nữ y tá này bị vợ của Đặng Tiểu Binh đuổi đi, còn bắt cô ta phá thai. Chuyện xấu từ thời Cách mạng Văn hóa này từng bị Hồng Vệ Binh vạch trần. Trong “Hồi ký bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông” của Lý Chí Thỏa bản tiếng Anh cũng có ghi chép, nhưng bản tiếng Trung lại bị lược bỏ. Bởi vì khi đó Đặng Tiểu Bình vẫn còn sống, Lý Chí Thỏa bị Trung Nam Hải gây áp lực nên không dám tiết lộ việc xấu này trong bản tiếng Trung.

Trí Đạt

Xem thêm: