Minghui.org đưa tin rằng vào khoảng Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, các học viên Pháp Luân Công từ 36 quốc gia, gồm Hoa Kỳ, Anh, Úc và Canada đã đệ trình danh sách những người bức hại mới lên chính phủ của họ. Đồng thời yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt những người này theo “Đạo luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu.”

id13094535 2021 07 16 183924 600x425 1
Người tập Pháp Luân Công ở Thẩm Dương, cô Hà Hân, tay bê di ảnh chồng bị ĐCSTQ bức hại đến chết, tham gia tuần hành phản bức hại ngày 16/7/2021 tại Washington DC. (Ảnh: Shi Ping / Epoch Times).

Danh sách những kẻ bức hại ở cấp phó lãnh đạo quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh được đệ trình lần này gồm:

Trương Quân (Zhang Jun): Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao;

Trần Tư Nguyên: Ủy viên đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an, kiêm Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục An ninh chính trị (Cục số 1);

Vương Tiến Nghĩa: Cục trưởng Cục Thanh tra Nhà nước pháp quyền, Bộ Tư pháp;

Kha Lương Đống: Cựu Phó giám đốc Văn phòng 610 của Ủy ban Trung ương (Phòng 610 là một tổ chức bất hợp pháp do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập nhằm đàn áp Pháp Luân Công.);

Trương Diên Côn: Cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Bắc Kinh;

Lỗ Vi: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Bắc Kinh, kiêm cựu Giám đốc Phòng 610 Bắc Kinh;

Lưu Khải: Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc, Ủy viên Ban Chính trị và Pháp luật tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, kiêm Bí thư Tỉnh ủy;

Cao Kế Minh: Bí thư Đảng đoàn, kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Hắc Long Giang;

Trần Dũng: Bí thư Đảng đoàn, kiêm Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Sơn Đông;

Hồ Đạo Tài: Bí thư Đảng đoàn kiêm Chánh án Tòa án cấp cao tỉnh Hà Nam;

Hồ Gia Phúc: Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cát Lâm, kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật;

Lý Quang Huy: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cát Lâm, kiêm Phó Giám đốc “Phòng 610”;

Trương Chấn Đạc: Nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Liêu Ninh, hiện là Giám đốc Sở Công an thành phố Đại Liên;

Các quan chức cấp trung và cấp thấp khác của ĐCSTQ không được liệt kê tại đây.

Ngay từ năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiết lộ với các học viên Pháp Luân Công, rằng họ đã kiểm tra nghiêm ngặt thị thực và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người bức hại nhân quyền và gia đình những người này.

Trước đó, học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ đã nhiều lần đệ trình danh sách những kẻ bức hại lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Các quan chức của Bộ Ngoại giao thông báo với họ rằng danh sách đã được tiếp nhận. Tất cả thông tin cá nhân của những người bức hại sẽ được xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật.

Năm 2019, học viên Pháp Luân Công tại một thành phố ở tỉnh Hắc Long Giang đã phân phát chính sách của Hoa Kỳ về việc trừng phạt những kẻ bức hại nhân quyền dưới hình thức truyền đơn. Truyền đơn trải khắp thành phố, khiến những kẻ bức hại hoảng sợ.

Một cán bộ “Phòng 610” nói: “Tôi không đánh các bạn phải không? Tôi không mắng các bạn phải không? Đừng tố cáo tôi, đừng ngăn cản con tôi ra nước ngoài.”

Một cảnh sát trưởng tham gia cuộc đàn áp đã hỏi: Tại sao không cho con cái chúng tôi ra nước ngoài?

Tính đến ngày 18/12/2021, danh sách những người tham gia bức hại Pháp Luân Công do Minghui.org thu thập, gồm 113.622 người. Thông tin cá nhân và những việc làm xấu xa của họ cũng đều được ghi lại.

Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công

Ngày 12/5/2021, một ngày trước “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố trừng phạt một quan chức ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công là Vu Huy, cựu Giám đốc Phòng 610 ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.

Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ chỉ đích danh và trừng phạt các quan chức bức hại Pháp Luân Công.

Ngày 10/12/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Hoàng Nguyên Hùng, Giám sát Đồn Cảnh sát Ngô Thôn, Chi nhánh Tư Minh, Sở Công an Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, người đã tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Theo quy định của Hoa Kỳ, Hoàng Nguyên Hùng và vợ của ông ta không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Về các biện pháp trừng phạt công khai của Hoa Kỳ đối với Hoàng Nguyên Hùng, cảnh sát ĐCSTQ, vào ngày 13/1/2021, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với phóng viên của thời báo Epoch Times rằng: “Theo tình hình cụ thể, một số biện pháp trừng phạt được áp dụng công khai, và một số được áp đặt một cách riêng tư.”

Năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho các học viên Pháp Luân Công rằng trong những năm gần đây, nhiều người đã bị từ chối cấp thị thực do đàn áp nhân quyền, đều là vì tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Đầu tháng 11/2019, một tổ chức nhân quyền nổi tiếng ở Washington, Hoa Kỳ tiết lộ rằng các bộ phận liên quan của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mở rộng biên chế. Đồng thời tăng cường nỗ lực trừng phạt những kẻ bức hại nhân quyền ở các quốc gia khác, bằng cách cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản.

Theo Minghui.org, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thực hiện một điều chỉnh mới đối với danh sách những người bức hại. Nghĩa là, với những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng (như tra tấn và đánh đập), một quan chức có thể bị đưa vào danh sách bị phạt, miễn họ là người phụ trách đơn vị hành ác. Đồng thời cũng không cần phải chứng minh quan chức này đã ra lệnh hay chỉ đạo một hành vi xấu xa cụ thể như trước kia.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh, họ không coi trọng số lượng các trường hợp bức hại, mà là những sự kiện cụ thể.

Chỉ cần kẻ hành ác có một trường hợp được mô tả đầy đủ các tình tiết cụ thể, thì họ đã bị đưa vào danh sách đặc biệt.

Các tội ác những kẻ bức hại đã gây ra đối với các học viên Pháp Luân Công được Minghui.org ghi lại gồm: Quấy rối, giám sát, theo dõi, đe dọa, liên đới, khấu trừ lương quá mức, trục xuất khỏi văn phòng công quyền, tống tiền, cải tạo lao động cưỡng bức, bắt cóc, giam giữ, hãm hại, vu khống. Đồng thời còn có nhiều hình thức tra tấn khác nhau, phê duyệt lệnh bắt giữ, xét xử phi pháp, kết án, bức hại đến chết, v.v.

Trong thời gian bị giam giữ, các học viên Pháp Luân Công thường bị tra tấn và bức hại.

Ngày 21/4/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2017. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John J. Sullivan đã chỉ đích danh ĐCSTQ và 8 quốc gia khác vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Đồng thời đề cập rằng ĐCSTQ đã tra tấn và bức hại các học viên Pháp Luân Công một cách có hệ thống và nghiêm trọng hơn các nhóm khác.

ĐCSTQ đã sử dụng hàng trăm thủ đoạn tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Chẳng hạn như: Tra tấn bằng điện, bằng lửa, bằng nước, đóng băng, còng chân tay, tra tấn ngồi, bỏ đói, kéo căng, đánh đập, lạm dụng tình dục, bức hại bằng thuốc, bằng động vật, phá thai và mổ sống cướp nội tạng.

Một số sự thật về hành vi bức hại của Trương Quân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao của ĐCSTQ

Trương Quân, người bị đưa vào danh sách trừng phạt lần này, từng là Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Tòa án Tối cao, kiêm Trưởng phòng Hình sự I, Trưởng Phòng Hình sự II, Phó chủ tịch Tòa án Tối cao và Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Từ năm 2017, Trương Quân giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Đảng đoàn kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, Trưởng công tố viên, v.v.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Minghui.org, trong năm 2017, 974 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục đã bị kết án phi pháp, 40 người bị tra tấn đến chết.

Năm 2018, 4.848 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp, 933 người bị kết án bất hợp pháp, 68 người bị tra tấn đến chết.

Năm 2019, 789 học viên Pháp Luân Công bị kết án oan, gần 10.000 người bị bắt cóc và quấy rối.

Năm 2020, 615 học viên Pháp Luân Công bị kết án phi pháp, 84 người chết vì bị bức hại.

Ngoài ra, từ tháng 1-10/2021, được biết 101 học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại và chết oan. Tháng 11 có tin rằng ít nhất 63 học viên Pháp Luân Công mới đã bị ĐCSTQ kết án phi pháp.

Trương Quân, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, phải chịu trách nhiệm về các bản án bất hợp pháp nêu trên và một số trường hợp chết vì bị bức hại.

Ví dụ về những trường hợp gần nhất:

  1. Ngày 25/7/2021, học viên Pháp Luân Công Phó Quý Hoa đột ngột qua đời trong khu nhà giam số 8 của Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm. Hai tháng trước, ngày 27/5/2021, học viên này đã bị kết án 7,5 năm tù phi pháp;
  1. Vào ngày 9/11/2021, ngày thứ 13 sau khi bà Hồ Hán Giảo, một học viên Pháp Luân Công 53 tuổi, đến từ thành phố Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, bị đưa vào Nhà tù nữ Vũ Hán, chồng bà đã nhận được cuộc gọi từ nhà tù, cho biết bà đã chết tại bệnh viện do bị ốm.

Người nhà bà Hồ Hán Giảo yêu cầu được xem hồ sơ bệnh án và di thể của bà, nhưng bị nhà tù từ chối. Cuối tháng 6/2021, bà Hồ Hán Giảo đã bị kết án 4 năm tù phi pháp.

  1. Ông Lý Chấn Đông, một học viên Pháp Luân Công 68 tuổi ở Liêu Ninh, đã bị tra tấn đến chết lúc 5 giờ sáng ngày 13/11/2021, khi đang thụ án tại nhà tù Đông Lăng ở Thẩm Dương.

Ông Lý Chấn Đông bị bắt cóc vào ngày 10/7/2019. Sau đó ông bị kết án phi pháp 3 năm tù, bị giam tại nhà tù Đông Lăng, thành phố Thẩm Dương.

Trương Quân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, phải chịu trách nhiệm lãnh đạo không thể chối bỏ đối với cái chết của các học viên Pháp Luân Công nói trên.

Minghui.org tuyên bố rằng việc bức hại các học viên Pháp Luân Công lương thiện, dưới bất kỳ hình thức nào, đều là một hành vi phi pháp. Họ chắc chắn sẽ bị truy tố, trừng phạt nghiêm khắc và chịu sự phán xét của lịch sử.

Những kẻ bức hại phải đối mặt với các biện pháp chế tài đa quốc gia

Hiện tại, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và Liên minh Châu Âu (gồm 27 nước thành viên) đều đã thông qua “Đạo luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu.”

Đạo luật này cho phép chính phủ có thẩm quyền xét xử những tội phạm, quan chức tham nhũng và các phần tử xấu vi phạm nhân quyền. Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản của các quan chức, tổ chức hoặc nhóm có liên quan ở quốc gia tương ứng và cấm những người có liên quan được nhập cảnh.

Tháng 4 năm nay, Na Uy, quốc gia nằm ngoài Liên minh Châu Âu, cũng thông qua “Đạo luật Thực hiện Các lệnh trừng phạt Quốc tế”, xét xử những kẻ bức hại nhân quyền.

Tại Nhật Bản, mặc dù một đạo luật tương tự như “Đạo luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu” chưa được thông qua, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn có thể viện dẫn các luật hiện hành về ngoại hối và thương mại, để áp đặt việc đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với những kẻ bức hại nhân quyền.

Ngoài ra, Liên minh Ngũ Nhãn và các nước phương Tây khác cũng trao đổi thông tin về những người bức hại nhân quyền. Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh đã hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này. 

Theo Lý Thần / Epoch Times

Xem thêm: