7 ngày sau vụ tai nạn của hãng hàng không China Eastern Airlines, danh tính của tất cả 132 nạn nhân trên máy bay đã được xác định. Vào ngày 28/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dẫn đầu một nhóm quan chức cấp cao mặc niệm những người bị nạn.

Embed from Getty Images

Chuyến bay MU5735 của China Eastern Airlines không may bị rơi tại thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây khi đang bay từ Côn Minh đến Quảng Châu vào ngày 21/3. (Nguồn: CNS/AFP/ Getty Images)

132 nạn nhân đã được xác định danh tính đầy đủ

Chuyến bay MU5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines bị rơi ở Ngô Châu thuộc tỉnh Quảng Tây vào ngày 21/3. Hai hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn này đã được tìm thấy và được gửi đến Bắc Kinh để giải mã. Tuy nhiên, theo ông Chu Đào, Chủ nhiệm Văn phòng An toàn Hàng không của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trong quá trình điều tra các vụ tai nạn hàng không quy mô lớn, chỉ dựa vào dữ liệu hộp đen thì thường không đủ để khôi phục toàn bộ sự thật của vụ việc. Do đó cùng với việc xúc tiến giải mã dữ liệu hộp đen, thì cơ quan chức năng cũng đồng thời tìm kiếm nhiều bằng chứng khác.

Theo ông Chu Đào, tính đến 12h ngày 28/3, có khoảng 36.001 mảnh xác máy bay và mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy, với diện tích tìm kiếm tích lũy khoảng 9,546 triệu mét vuông.

Ông Lưu Khai Hội (Liu Kaihui), Giám đốc Phòng Công nghệ Vật chứng Pháp y thuộc Trung tâm Nhận dạng Vật chứng – Bộ Công an Trung Quốc, cho biết vào lúc 9h ngày 28/3, kết quả so sánh ADN của 132 nạn nhân trên máy bay chở khách MU5735 của Hãng hàng không China Eastern Airlines đã được hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay chính quyền vẫn chưa công bố danh sách các nạn nhân.

Chiều chiều cùng ngày 28/3, khi Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức một cuộc họp, ngay từ đầu cuộc họp, ông Tập Cận Bình đã đề xuất rằng các thành viên của Bộ Chính trị đứng lên mặc niệm cho 132 nạn nhân của vụ rơi máy bay. Theo thông tin được công khai, đây là lần đầu tiên kể từ sau vụ tai nạn hàng không ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cùng nhau mặc niệm cho các nạn nhân của vụ tai nạn hàng không. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên trong những năm gần đây, người ta quan sát thấy tầng lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ “mặc niệm tập thể”.

Ví dụ, sau trận động đất Lô Sơn ở Tứ Xuyên năm 2013, 7 Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ trong đó có ông Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường cùng mặc niệm nạn nhân của trận động đất; năm 2014, ông Tập Cận Bình và 2.172 thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cùng nhau mặc niệm cho 31 nạn nhân của vụ khủng bố ngày 1/3/2014 ở Côn Minh; vào năm 2020, sau khi bùng phát bệnh viêm phổi Vũ Hán, trong dịp tiết Thanh Minh, tại Trung Nam Hải ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã dẫn đầu các lãnh đạo cấp cao mặc niệm những nạn nhân của đại dịch.

Về vấn đề này, có phương tiện truyền thông bên ngoài Trung Quốc cho rằng trong việc “mặc niệm” có chọn lọc của tầng lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ cho thấy, điều họ quan tâm hơn đó là duy trì sự ổn định và che đậy sự thật.

Vì sao không công bố danh sách? Kiểm soát dư luận? Cấm phỏng vấn?

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), các bản tin chính thức trên truyền thông của ĐCSTQ về vụ tai nạn của Hãng hàng không China Eastern Airlines, đã liên tiếp nhấn mạnh những quán triệt và chỉ thị cấp cao, cũng như việc huy động nhanh chóng hàng trăm nhân viên cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn và lực lượng bán quân sự, tuy nhiên truyền thông của ĐCSTQ lại không nhắc đến việc tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt hiện trường. Về vấn đề này, người dân Trung Quốc Đại Lục cũng đã liên tiếp đặt nghi vấn.

Một phóng viên bị chặn phỏng vấn tiết lộ với RFA rằng sau vụ rơi máy bay của China Eastern Airlines, anh đã đến hiện trường để đưa tin. Nhưng lần này chính quyền kiểm soát chặt chẽ, nên cũng là lần phỏng vấn khó khăn nhất trong gần 20 năm làm việc của anh. “Chưa bao giờ gặp một hiện trường tai nạn mà bị phong tỏa nghiêm ngặt như thế này, chưa nói đến việc đến hiện trường, chúng tôi cũng đã gặp trở ngại khi đến làng Chu và làng Mạc Lãng xung quanh để phỏng vấn.”

Một phóng viên khác có tên Đỗ Cường (Du Qiang) cũng đăng một bài viết có tựa đề “Xin hãy để chúng tôi phỏng vấn” trên tài khoản WeChat công khai. Anh cho biết, vào buổi chiều ngày thứ hai sau vụ tai nạn máy bay, sau khi đến Ngô Châu, anh và các đồng nghiệp đã không thể vào hiện trường. Có phóng viên đã mất hơn 4 giờ leo núi để đến khu vực lân cận nơi xảy ra vụ tai nạn, sau khi chụp vài bức ảnh từ rất xa thì bị nhân viên công tác đưa ra ngoài.

Về vấn đề này, bà Hà Thanh Liên (He Qinglian), một người từng làm truyền thông ở Trung Quốc và là một học giả kinh tế và xã hội học Trung Quốc hiện đang sống tại Mỹ, nói thẳng rằng: “Hiện trường vụ rơi máy bay không được phép đưa tin, đây là quán tính của ĐCSTQ trong việc kiểm soát các phương tiện truyền thông. Ít nhất là họ muốn vụ tai nạn hàng không phải được đưa tin theo chính quyền.”

Ngoại giới phát hiện rằng sau vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không China Eastern Airlines, chính quyền khẩn cấp triển khai kiểm soát dư luận. Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc ngày 26/3 thông báo, đã truy tìm và xử lý thông tin liên quan đến chuyến bay MU5735 được lan truyền trên mạng. Tổng cộng hơn 279.000 thông tin đã được xóa, bao gồm hơn 167.000 tin đồn; 2.713 tài khoản đã bị xử lý và 1.295 chủ đề đã bị gỡ bỏ.

Ngoài ra, đến nay các đơn vị liên quan vẫn chưa công bố danh sách những hành khách thiệt mạng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các nhà phân tích cho rằng điều này nhằm giảm áp lực cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post tại Hồng Kông, chính quyền và hãng hàng không đã hỗ trợ tích cực cho gia đình của các hành khách mất tích, đồng thời cũng giám sát chặt chẽ mọi động thái của họ, đảm bảo họ không phát động phản đối hoặc phàn nàn về cách xử lý hoặc bồi thường.

Tờ “Báo Thương mại Bắc Kinh” đưa tin, công tác xử lý bồi thường vụ tai nạn của hãng hàng không China Eastern Airlines đã chính thức được khởi động. Lý Văn Trung (Li Wenzhong), Phó chủ nhiệm Khoa Bảo hiểm của Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô (Trung Quốc) ước tính, tiêu chuẩn bồi thường của công ty hàng không cho vụ tai nạn hàng không này có thể vượt quá 2 triệu nhân dân tệ / người. Tổng số tiền bồi thường của bảo hiểm máy bay và bảo hiểm tai nạn cá nhân (bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ) sẽ lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ, thậm chí hơn 1 tỷ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo “Quy định về giới hạn trách nhiệm của các hãng vận tải hàng không nội địa” được công bố trên trang web chính thức của Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2006, mức bồi thường tối đa cho thương vong của hành khách trong vận tải hàng không dân dụng nội địa là 400.000 nhân dân tệ, và mức bồi thường tối đa cho hành lý xách tay của mỗi hành khách là được giới hạn là 3.000 nhân dân tệ, giới hạn bồi thường tối đa cho hành lý ký gửi là 2.000 nhân dân tệ, tổng cộng là 405.000 nhân dân tệ.

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: