Gần đây, ông Tập Cận Bình đã đến khảo sát đập Tam Hiệp, nhấn mạnh cần phải đặt việc khôi phục lại hệ sinh thái sông Trường Giang lên hàng đầu. Thái độ chân thực của ông Lý Khắc Cường đối với việc tu sửa đập Tam Hiệp cũng khiến dư luận phải chú ý. Truyền thông nước Anh từng đưa tin, do đập Tam Hiệp ngăn cản tiềm lực vận tải thủy trên sông Trường Giang, nên ông Lý Khắc Cường liên tục than đáng tiếc.

GettyImages 465251200
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và ông Tập Cận Bình (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Ngày 24-25/4/2018, ông Tập Cận Bình đã đến khu đập Tam Hiệp và ven sông Trường Giang để khảo sát thực tế công tác khôi phục hệ sinh thái sông Trường Giang. Ông Tập nhấn mạnh, “cần đặt việc khôi phục sinh thái sông Trường Giang lên vị trí hàng đầu”, đồng thời cũng nhấn mạnh “không thể phát triển mang tính phá hoại”.

Kể từ năm 1997, khi người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Bằng có mặt tại lễ ngăn dòng chảy sông Trường Giang, đến nay đã 21 năm trôi qua mới lại có lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc(ĐCSTQ) tới khảo sát đập Tam Hiệp.

Lần này, lãnh đạo cao nhất tại Trung Nam Hải đã phát biểu về công trình đập Tam Hiệp, chỉ ra “không thể phát triển mang tính phá hoại”, khiến công trình bị nhiều chuyên gia cho rằng đã cắt đứt long mạch của Trung Quốc trong thời gian dài một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

>>  Đập Tam Hiệp: Điểm yếu của Trung Quốc?

Sông Trường Giang là một con sông lớn có sẵn các điều kiện tốt nhất cho vận tải đường thủy trên thế giới, được ví von là con đường vàng của vận tải thủy. Tuy nhiên, gần 60 năm qua, chính quyền ĐCSTQ đã xây dựng hơn 50 nghìn đập trữ nước trên dòng chính và dòng nhánh của sông Trường Giang, đã làm thay đổi cơ bản hệ sinh thái tự nhiên của sông Trường Giang. Đặc biệt là công trình đập Tam Hiệp, chém ngang lưng Trường Giang, thực tế là bóp chết tiềm lực phát triển vận tải thủy trong tương lai của sông Trường Giang.

Nhiều hãng truyền thông ngoài Trung Quốc gần đây đã lục lại bản tin trong quá khứ của truyền thông nước Anh, một lần nữa vạch trần thái độ thực sự đối với đập Tam Hiệp của đương nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ngày 27/4/2018, trang tin Duowei News dẫn bản tin ngày 12/5/2014 trên trang tin tiếng Trung của Đài BBC, theo đó, sau khi ông Lý Khắc Cường lên làm Thủ tướng, cùng với việc chú ý đến đô thị hóa, ông cũng chú ý tới vận tải đường thủy trên sông Trường Giang. Ngày 27-29/4/2014, tại khu đập trữ nước Tam Hiệp, ông Lý Khắc Cường đã khảo sát việc xây dựng tuyến đường thủy trên sông Trường Giang, đối với việc chặt ngang lưng sông Trường Giang, bóp chết tiềm lực phát triển vận tải thủy trên sông Trường Giang trong tương lai, ông có nhiều cảm xúc, liên tục than “đáng tiếc”.

Công trình đập Tam Hiệp từ khi bắt đầu đợi xây dựng cho đến thời điểm đó, vẫn luôn có rất nhiều tranh cãi bởi nó được cho là sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về di dân, môi trường, ngập lụt, động đất.

đập tam hiệp
Rác thải tại khu vực đập Tam Hiệp (Ảnh từ internet)

Năm 1992, tại Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Nhân đại toàn Quốc khóa 7 đã thông qua “Quyết định về khởi công công trình đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang”, với 1767 phiếu tán thành, 177 phiếu phản đối, 664 phiếu trắng, 25 người không ấn nút biểu quyết thông qua. Phiếu tán thành chỉ chiếm khoảng 2/3 tổng số phiếu, đây là tỉ lệ bỏ phiếu thông qua nghị quyết có mức thấp nhất cho đến nay của Đại hội Nhân đại toàn quốc Trung Quốc.

Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng sống tại Đức từng nhận xét, tỷ lệ đại biểu tán thành dự án đập Tam Hiệp vừa đúng hơn 2/3, tương đồng với tỷ lệ đại biểu đảng viên trong Quốc hội Trung Quốc. Nếu ông Giang Trạch Dân không dùng hình thức kỷ luật Đảng để yêu cầu các đại biểu là Đảng viên phải ủng hộ những quyết sách của Trung ương Đảng, cứ để cho các đại biểu tự quyết định thì tỷ lệ ủng hộ có lẽ không thể quá bán.

Từ lâu, các ý kiến bất đồng thường chú trọng đến nhân tố kinh tế và kỹ thuật, phổ biến cho rằng về mặt kinh tế không cách nào chèo chống, về mặt kỹ thuật cũng khó có thể thực hiện được mục tiêu dự định, bên cạnh đó, việc di dân cũng là vấn đề đầy khó khăn. Các tranh luận còn nhấn mạnh ảnh hưởng địa chất, và ảnh hưởng đến khí hậu của công trình đập Tam Hiệp.

Được biết, 4 nhân vật tiêu biểu cực lực phản đối công trình Tam Hiệp gồm có: ông Lý Duệ, cựu Thư ký của ông Mao Trạch Đông; ông Hoàng Vạn Lý, Chuyên gia thủy lợi Trung Quốc; ông Hoàng Thuận Hưng, Ủy viên Thường trực Nhân đại toàn quốc khóa 7; ông Bành Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Trung Quốc.

Ông Lý Duệ cho rằng, công trình Tam Hiệp quá phức tạp, ngoài việc khó khăn về kỹ thuật, công trình lớn như thế này sẽ còn nảy sinh ra các kế hoạch khác vì vấn đề bùn lắng phù sa, xây dựng con đập khổng lồ cũng không nhất định “làm một mẻ, khỏe suốt đời” được. Ngoài ra, còn có vấn đề di dân, mực nước dâng cao, do đó cần suy xét đến biện pháp thay thế khác.

Từ phương diện địa chất, môi trường, sinh thái, quân sự, ông Hoàng Vạn Lý đã chỉ ra những nguy hại của công trình Tam Hiệp, dự đoán hậu quả tai hại sẽ xảy ra sau khi hoàn thành đập Tam Hiệp: ảnh hưởng bờ đê vùng hạ du sông Trường Giang; cản trở vận tải đường thủy; vấn đề di dân; vấn đề bùn tích lũy; suy giảm chất lượng nước; không đủ công suất phát điện; thời tiết bất thường; những trận động đất thường xuyên; tình trạng lây lan bệnh sán lá máu; ảnh hưởng xấu cho sinh thái; lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn; cuối cùng là sức ép gây vỡ đập.

Ông chỉ ra, từ góc độ quốc phòng mà xét, sau khi đập Tam Hiệp được xây dựng xong, sẽ không thể đảm bảo không bị công phá khi quân địch tấn công, cũng rất không an toàn.

Năm 1985, đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi đó là ông Bành Đức đã chỉ ra, theo tính toán, năng lực vận tải thủy của Trường Giang có thể sánh ngang 14 tuyến đường sắt, do đó việc nghiên cứu và sử dụng sông Trường Giang cần lấy vận tải thủy làm chủ, chứ không phải là lấy phát điện làm chủ. Ông Bành Đức hỏi: cắt đứt con đường thủy bằng vàng, ông còn có thể đào một con sông nào dài như thế nữa không?

Năm 1992, Hội nghị lần thứ 5 Đại hội đại biểu Nhân đại toàn quốc khóa 7, ông Hoàng Thuận Hưng yêu cầu tuyên bố công khai biểu đạt những ý kiến bất đồng đối với công trình Tam Hiệp nhưng đã bị ngăn cản. Ông Hoàng Thuận Hưng và 25 đại biểu Nhân đại toàn quốc vì vấn đề này mà tức giận nên đã ra về. Năm 1993, ông từ chức Ủy viên thường trực Nhân đại toàn quốc.

Điều đáng chú ý là, tháng 6/2003, khi tiến hành hợp long, hoàn thành các tiết điểm đập Tam Hiệp, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có xuất thân từ chuyên ngành công trình như ông Hồ Cẩm Đào và đương nhiệm Thủ tướng khi đó là ông Ôn Gia Bảo đều vắng mặt tại buổi lễ. Việc này khiến giới quan sát cho rằng ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo biểu đạt thái độ không muốn gánh vác trách nhiệm lịch sử.

Trí Đạt

Xem thêm: