Trước thực tế gần đây “anh cả” bất động sản Evergrande của Trung Quốc lâm nguy, nhiều bình luận chỉ ra thực trạng bi đát của nền kinh tế Trung Quốc đang đến gần. Liệu thực tế này có xảy ra, ít nhất trong ngắn hạn hay không?

(Bài viết của chuyên gia kinh tế Hà Thanh Liên, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

shutterstock 511208572
Một nhà máy sản xuất thiết bị hệ thống mạch ô tô ở Giang Tây Trung Quốc vào năm 2011 (Ảnh: Shutterstock)

So với vài năm trước, các vấn đề cố hữu của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nguyên, nhưng môi trường quốc tế mà Trung Quốc vẫn được hưởng đã có những thay đổi lớn sau cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Điều thú vị là chỉ cách đây 3 năm, nhận thức phổ biến về kinh tế Trung Quốc là “lạnh trong nóng ngoài”, truyền thông nước ngoài thường chỉ rõ rằng kinh tế Trung Quốc đủ cả “tê giác xám” và “thiên nga đen”. Hiện nay do chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ ngôn luận nên thật khó còn cuộc thảo luận chất lượng nào tại nước này, truyền thông nước ngoài thường cho rằng triển vọng không tốt, xu thế dư luận thì phổ biến quan điểm về chia tách Mỹ – Trung, nhưng đại diện thương mại Katherine Tai của Mỹ – người quyết định vấn đề chia tách – lại nói với đại diện thương mại Lưu Hạc của Trung Quốc rằng muốn kết nối.

Thay vì thảo luận về các yếu tố khủng hoảng đã luôn tồn tại từ vài năm trước, chẳng hạn như sự sụp đổ bất động sản, tốt hơn là đi sâu vào tìm hiểu lý do tại sao Trung Quốc có thể duy trì phát triển cho đến nay, và liệu những yếu tố lâu nay vẫn hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục phát huy tác dụng hay không.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc không nói lên nhiều điều

Tôi sẽ không bàn thêm về các phát ngôn khủng hoảng của các phương tiện truyền thông. Vào ngày 18/10, tờ Wall Street Journal (WSJ) rất chuyên nghiệp đã công bố bài của biên tập viên và tác gia chuyên mục kinh tế Trung Quốc là Nathaniel Taplin, tuyên bố 3 trụ cột của kinh tế Trung Quốc là đầu tư bất động sản, tiêu dùng và xuất khẩu đều bất ổn. Nếu trong tương lai gần, Chính phủ Trung Quốc không thể đưa ra các chính sách nới lỏng mạnh mẽ hơn thì các yếu tố tiêu cực hỗ trợ 3 trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc sẽ chồng chất và có thể gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế vào giữa năm sau.

Taplin đã dẫn một số sự kiện chứng minh nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào khốn khó trên nhiều mặt: thiếu điện, khủng hoảng nợ bất động sản, khó khăn trong tuyến đường vận tải biển, và sự xuất hiện của chủng đột biến Delta nguy hiểm của viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khiến đại dịch trở lại. Ông cho rằng không có gì ngạc nhiên khi những yếu tố này khiến mức tăng trưởng GDP 4,9% trong quý 3 năm nay của Trung Quốc giảm xuống dưới mức kỳ vọng và giảm xuống dưới 5%.

Tôi không bao giờ coi tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là một chỉ số quan trọng, chủ yếu là do tính chi phối kiểm soát quá mạnh của Trung Quốc trong vấn đề tăng trưởng GDP. Vậy thì, dữ liệu dự báo của Ngân hàng Thế giới và IMF về nền kinh tế Trung Quốc có đủ tin cậy không? Thực tế tôi luôn nghi ngờ, vì dữ liệu cơ bản do chính Trung Quốc cung cấp, chưa kể gần đây có việc bị phanh phui: Chủ tịch IMF đương nhiệm Georgieva vào năm 2017 khi là Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng Thế giới đã gây áp lực không đúng đắn với nhân viên Ngân hàng Thế giới nhằm buộc sửa nội dung báo cáo môi trường kinh tế để có lợi cho Trung Quốc. Sau đây thảo luận về các yếu tố khủng hoảng được Taplin trích dẫn.

4 yếu tố bất lợi chính của nền kinh tế Trung Quốc đều có lý do riêng

Trong 4 yếu tố bất lợi chính của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, thì khủng hoảng nợ bất động sản thực ra đã xuất hiện từ lâu. Cuộc khủng hoảng của “anh cả” bất động sản Evergrande đã được dự đoán từ năm ngoái. Tôi đã viết một bài nêu cụ thể nhưng nhà chức trách cố ấn nút “cứu”, các chủ nợ bên ngoài thật may mắn. Thực tế dù có nhấn nút “cứu” thì chẳng qua cũng chỉ chuyển điểm nhảy tự sát bất động sản từ tầng 80 qua tầng 90 hay 100, bong bóng thổi mãi cuối cùng phải vỡ.

Tác động của virus Delta (viêm phổi Vũ Hán) trên thế giới không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà nhiều nước khác cũng đang lo lắng.

Tình trạng thiếu điện liên quan đến cuộc điện đàm của Biden với Tập Cận Bình vào ngày 10/9, cần Trung Quốc phối hợp trong chính sách của Mỹ coi biến đổi khí hậu là quốc sách hàng đầu và thậm chí là vấn đề quốc tế quan trọng nhất. Không lâu sau cuộc điện đàm đó, Trung Quốc đã tuyên bố cắt điện (không phải là thiếu điện), và đại diện thương mại của Mỹ sau đó chính thức tuyên bố thực hiện “miễn trừ duy trì” thuế quan đối với Trung Quốc, có thể dự đoán khi vấn đề thuế quan đã giải quyết thì chuyện cung cấp điện của Trung Quốc sẽ dần dần được khôi phục.

Vấn đề vận tải biển kém không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn đến Mỹ. Mỹ hiện đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiếm thấy, các cảng bị tắc nghẽn nghiêm trọng, hàng trăm ngàn container bị tồn đọng trên biển, nhiều cửa hàng thậm chí đang gặp phải tình trạng khan hiếm hàng hóa khiến các kệ hàng ngày càng trống rỗng. Một số chuyên gia Mỹ và những người đối mặt với thực tế cuối cùng đã phát hiện ra rằng Trung Quốc và Mỹ có chung một chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, bên cung là Trung Quốc và bên cầu là Mỹ, hai bên đã phụ thuộc nhau từ lâu.

Phân tích trên cho thấy, ngoài việc bất động sản không còn có thể lại trở thành đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc, thì nguồn lực bảo đảm phát triển cho nền kinh tế Trung Quốc chính là nhu cầu của Mỹ. Vì Trung Quốc và Mỹ có chung chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, mỗi bên ở một đầu. Dù phân tích thế nào cũng phải thừa nhận một thực tế là nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ là nguồn lực phát triển của hàng “Made in China”.

Nguồn phát triển kinh tế Trung Quốc: Nhu cầu của Mỹ

Dữ liệu xuất nhập khẩu của Hải quan Trung Quốc cho thấy:

Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 24,78 nghìn tỷ RMB tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu là 58,34 tỷ USD tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn đối tác thương mại lớn nhất theo thứ tự là ASEAN, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc xuất siêu với 3 đối tác thương mại hàng đầu: xuất siêu với ASEAN là 366,02 tỷ RMB, tăng 8%; xuất siêu với EU là 751,96 tỷ RMB, tăng 21,2%; xuất siêu với Nhật Bản là 182,25 tỷ RMB, tăng 47,8%.

Ở đây, tôi cũng nêu chi tiết dữ liệu của Mỹ: tổng giá trị thương mại Trung-Mỹ là 3,05 nghìn tỷ RMB, tăng 25,8%, chiếm 12,3%. Trong đó xuất khẩu sang Mỹ là 2,29 nghìn tỷ RMB, tăng 22,7%; nhập khẩu từ Mỹ là 752,42 tỷ RMB, tăng 36,5%. Số liệu đáng chú ý là: xuất siêu của Trung Quốc với Mỹ là 1,54 nghìn tỷ RMB, tăng 16,9% – con số này cao hơn mức 366,02 tỷ của ASEAN và cũng cao hơn mức 751,9 tỷ của EU. Dựa trên tỷ giá hối đoái, trong 8 tháng đầu năm nay, Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc là đứng đầu vào khoảng 117 tỷ USD.

Dữ liệu của Mỹ về vấn đề này có chút khác biệt, nhưng không quá lớn, vẫn tương tự dữ liệu của hải quan Trung Quốc, cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung: Quyết định ở tư bản hay ở chính trị?

Vấn đề là trong quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc hiện nay là tư bản hay chính trị nắm vai trò chi phối?

Nhìn từ lịch sử và tình hình thực tế thì các nước phương Tây đều là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Trong quan hệ giữa các nước thì quan hệ thương mại là yếu tố quyết định. Ví như nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh nha phiến giữa Trung Quốc và Anh là do Anh đã bán thuốc phiện để giải quyết việc thâm hụt thương mại với Trung Quốc thời nhà Thanh.

Trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ từ những năm 1990 thì tư bản thực sự đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nhưng dù sao Mỹ cũng là một cường quốc thế giới [nên thường có ngoại lệ], ví như chính sách ngoại giao nhân quyền để hoàn thành trách nhiệm tư cách của một cường quốc. Trung Quốc và Mỹ dù có những xung đột chính trị, nhưng quan hệ kinh tế vẫn ngày càng khăng khít. [Trong xu thế tự nhiên] do “so sánh lợi ích” chi phối, lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã phải chịu nhường sân, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ qua 30 năm đã sớm định hình chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ổn định.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay ở Mỹ bắt nguồn từ việc chuỗi công nghiệp này phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Hiện nay Mỹ đã thấu đáo vấn đề dù có muộn màng. Vào tháng 6/2018, giáo sư Sridhar Kota tại Đại học Michigan và chuyên gia Thomas C. Mahoney từ tổ chức tư vấn công nghiệp MForesight đã xuất bản một nghiên cứu chung “nơi đây phát minh, nơi kia chế tạo”, kết luận là sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc không chỉ giới hạn ở hàng hóa giá rẻ mà mở rộng qua chuỗi giá trị, và chìa khóa của hầu hết vấn đề là Trung Quốc. Hoạt động sản xuất dành cho nước ngoài trong lĩnh vực tiên tiến đã đạt đến điểm giới hạn, và chiến lược “nơi đây phát minh, nơi kia chế tạo” đã trở thành “nơi nào phát minh, nơi đó chế tạo”.

Mỹ phải thực hiện các biện pháp táo bạo để ngăn chặn sự phát triển này và sử dụng công nghệ chuyển đổi để xây dựng lại sức mạnh của ngành sản xuất trong nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của cải quốc gia và đảm bảo an ninh kinh tế. Họ đề xuất rằng những bước đi táo bạo này đòi hỏi một cơ quan trung ương có chiến lược toàn diện, cũng như đầu tư công cùng tư lớn và liên tục để tập trung các khoản đầu tư này vào nghiên cứu chuyển dịch và đổi mới sản xuất, khuyến khích sản xuất thử nghiệm trong nước và sản xuất quy mô lớn, đồng thời trao quyền cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong vấn đề công nghệ tiên tiến. Quan trọng là Mỹ phải bồi dưỡng nhân tài khoa học công nghệ trong nước. Báo cáo cho biết, nếu Mỹ không đưa ra lựa chọn như vậy thì sẽ phải đối mặt với “sự suy thoái liên tục về khả năng đổi mới và sản xuất, dẫn đến việc Mỹ trở thành nền kinh tế hạng hai không thể hỗ trợ được cho bộ máy quân đội hàng đầu”.

Nghiên cứu trên dựa trên thực tế và tầm nhìn dài hạn. Thế nhưng cách nhìn của giới kinh doanh và chính trị ở Mỹ dễ theo xu thế ngắn hạn, [ngay cả cân nhắc] bố cục chiến lược từ ba năm trở lên cũng hiếm hoi. Cơ bản là Hạ viện Mỹ dưới lãnh đạo của bà Nancy Porosi không cân nhắc như vậy. Hiện tại, cái gọi là “cử tri” của chính quyền Biden hầu như đều là động thái chia bánh, không xem xét nguyên liệu làm bánh đến từ đâu và tiếp tục như thế nào.

Trong những năm qua, tôi đã xem nhiều bài báo bàn về khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ thịnh vượng hay sụp đổ. Như tôi từng nói, nền kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ thịnh vượng như dự đoán của các ngân hàng đầu tư phương Tây, vì tầm nhìn chỉ biết trước mắt trong việc lựa chọn phương thức và con đường phát triển. Cho nên vấn đề thúc đẩy sự thịnh vượng trong ngắn hạn chắc chắn sẽ gieo rắc nhiều nguy cơ tiềm ẩn, chẳng hạn như vấn đề bất động sản. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ sụp đổ nhanh như nhiều trường hợp khác mà thế giới bên ngoài hay dự đoán, vì ít nhất tình trạng thương mại Trung-Mỹ hiện nay cho thấy ngành sản xuất Trung Quốc cần thị trường Mỹ, còn nhất thời Mỹ cũng không thể tìm được bên thay thế Trung Quốc. Nhu cầu mạnh mẽ này đã thành nguồn sống cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tư bản quan tâm nhất đến lợi nhuận, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chưa bao giờ có ý định từ bỏ thị trường Trung Quốc. Đây là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Trung Quốc có thể tồn tại đến nay (kể cả một khoảng thời gian nữa trong tương lai) bất chấp các cuộc khủng hoảng nền kinh tế Trung Quốc xảy ra.

Nếu bạn vẫn chưa tin điều này, hãy xem thông tin gây sốc được đăng trên WSJ ngày 22/10: Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy các nhà cung cấp của Huawei đã xin được 113 giấy phép xuất khẩu với tổng giá trị xấp xỉ 61 tỷ USD; các nhà cung cấp của SMIC đã nhận được 188 giấy phép xuất khẩu với tổng trị giá 42 tỷ USD. Cần lưu ý rằng Huawei và SMIC đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại và cái gọi là “danh sách thực thể” lần lượt vào tháng 5/2019 và tháng 12/2020. Các giấy phép xuất khẩu này được cấp trong khoảng thời gian từ ngày 9/1/2020 đến ngày 20/4/2021.

Hà Thanh Liên / Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)

Xem thêm: