Một lá thư cầu cứu được phát hiện trên thiệp Giáng sinh của một bé gái người Anh đã vô tình vạch trần tệ nạn lao động cưỡng bức tù nhân tại nhà tù Thanh Phố Thượng Hải, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ‎ý. Dưới áp lực dư luận, Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)  nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thông tin.

canh sang
Phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ (Ảnh: CNA)

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ phản hồi về thư cầu cứu trên thiệp Giáng sinh

Một bé gái 6 tuổi ở London đã cùng cha mẹ đi mua một hộp thiệp Giáng sinh từ thiện, nhưng khi chuẩn bị thiệp cho người bạn thì cô bé phát hiện thông tin cầu cứu trong thiệp Giáng sinh như sau: “Chúng tôi là các tù nhân nước ngoài tại Nhà tù Thanh Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc. Chúng tôi bị cưỡng bức lao động. Xin hãy giúp chúng tôi và thông báo cho các tổ chức nhân quyền, yêu cầu hỗ trợ liên hệ với cựu nhà báo người Anh và thám tử tư Peter Humphrey – người đã bị cầm tù ở Trung Quốc.

Sau khi biết sự việc, Peter Humphrey đã viết thành bài báo công bố trên tờ The Sunday Times (Thời báo Chủ Nhật) của Anh vào ngày 22/12.

Thông tin được công bố đã nhanh chóng trở thành tâm điểm quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tại buổi họp của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vào ngày 23/12 đã có phóng viên nêu ra vấn đề liên quan, nhưng phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã hoàn toàn bác bỏ chuyện lao động cưỡng bức tù nhân trong nhà tù Thanh Phố, cho rằng đó là một trò hề mà Peter Humphrey nghĩ ra, tự ngụy tạo để được chú ‎ý. Tuy nhiên ông Cảnh Sảng không đề cập cụ thể liệu phía Trung Quốc có cho mở cuộc điều tra toàn diện đối với nhà tù Thanh Phố hay không, chỉ nói rằng “Theo hiểu biết từ các cơ quan hữu quan, không có lao động cưỡng bức đối với tù nhân người nước ngoài tại nhà tù Thanh Phố Thượng Hải.”

Đáp lại phản ứng của ĐCSTQ, Peter Humphrey chia sẻ với hãng tin AP (Pháp) rằng, “Đối với các vi phạm nhân quyền bị quốc tế cáo buộc, họ (ĐCSTQ) luôn phản ứng như vậy.” “Điều này thực sự luôn nằm trong dự liệu, vì bất kỳ vấn đề nào như vậy bị phanh phui, họ lại phản hồi bằng những lời dối trá.”

Môi trường khắc nghiệt ở nhà tù Thanh Phố Thượng Hải

Nhà tù Thanh Phố Thượng Hải thường tự hào là một nơi “giao lưu văn hóa”, họ quảng bá rằng tại nhà tù này, các tù nhân có thể học được nghề chạm khắc ngọc bích và được điều trị bệnh. Nhưng hãng tin AP phản bác rằng mô tả này trái ngược hoàn toàn với hệ thống quản lý mờ ám của hệ thống nhà tù Trung Quốc mà các tù nhân từng chịu án đã mô tả.

Vào tháng Hai năm ngoái, Peter Humphrey đã đăng một bài báo trên tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) cho biết các nhà tù là một phần nguồn sống cho một số doanh nghiệp sản xuất. Khi ở nhà tù Thanh Phố Thượng Hải, ông đã chứng kiến ​​các tù nhân ở khu vực người Trung Quốc tham gia sản xuất hàng dệt may và phụ kiện cho nhiều thương hiệu. Ông đã nhận ra những nhãn hiệu phổ biến như 3M, C&A, H&M.

Ngoài ra, môi trường sống của nhà tù Thanh Phố Thượng Hải cũng rất khắc nghiệt. BBC ngày 22/12 dẫn lời Peter Humphrey cho biết, có khoảng 250 tù nhân nước ngoài tại nhà tù Thanh Phố Thượng Hải, trong mỗi phòng giam có đến 12 người, môi trường rất tồi tệ. Ông nói: “Ngủ trên chiếc giường sắt đôi rất thô với chiếc nệm có độ dày không quá một phân, vào mùa đông thời tiết lạnh lẽo cũng không có sưởi ấm, còn mùa hè nóng bức cũng không có máy điều hòa. Mỗi sáng thức dậy từ khoảng 5:30 đến 6 giờ, còn tối đi ngủ vào 9:30.”

Peter Humphrey cho biết khi ông còn thụ án thì công việc lao động khi đó là tự nguyện, có thể kiếm được tiền để mua xà phòng hoặc bàn chải đánh răng, nhưng giờ đã thay đổi thành không tự nguyện. Peter Humphrey cũng cáo buộc về nguyên nhân vào tù hầu như đều có vấn đề, “Tôi đã gặp nhiều nạn nhân mà tôi nghĩ là bị tù oan, hoặc tội nhẹ nhưng lại bị kết án nặng.”

Trong dịp ĐCSTQ tổ chức Đại hội lần thứ 19, các dân oan Đại Lục từng bị giam giữ tại nhà tù Thanh Phố như Tôn Hồng Trân (Sun Hongzhen), Phí Ái Chúng (Fei Aizhong) và Trương Triệu Lâm (Zhang Zhaolin) cũng đã lên tiếng về những cực hình mà họ đã phải chịu khi bị giam giữ: mùa thu lạnh nhưng họ chỉ được cho mặc quần đùi, quản ngục thu điện thoại di động của họ, tát tai họ, giấy vệ sinh cũng bị hạn chế dùng, chỉ trong vài ngày đã có dân oan bị nhồi máu não vì môi trường sống khắc nghiệt.

Tuyết Mai