Trong phân tích tình hình kinh tế Trung Quốc có nhiều luồng ý kiến. Hiện nay khi lạm phát toàn cầu cao thì dữ liệu lạm phát của Trung Quốc lại thấp hoặc thậm chí giảm, vì vậy có phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát (deflation). Nhưng truyền thông và cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cực lực phủ nhận, phải chăng vì che đậy điều gì?

shutterstock 578889736
Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: A. Aleksandravicius/ Shutterstock)

Khi muốn che đậy vấn đề xấu xa hoặc sự thật không hay nào đó, ĐCSTQ thường dùng trò chuyển hướng sự chú ý của dư luận. Vậy việc chính quyền Trung Quốc tập trung bác bỏ tình hình kinh tế Trung Quốc giảm phát này là đang cố che đậy điều gì?

Ngày 24/4, Trung Quốc Tân Văn xã (CNS) của ĐCSTQ đã có bài chỉ ra rằng lạm phát không đồng nghĩa với giảm phát, không nên đơn giản xem lạm phát thấp hoặc các vấn đề chống lạm phát trước đây của Trung Quốc là giảm phát, ở Trung Quốc không có chuyện áp lực giảm phát mang tính hệ thống.

Ngày 20/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức họp báo về số liệu thống kê tài chính quý đầu tiên của năm 2023, Vụ trưởng Zou Lan Vụ Chính sách Tiền tệ của ĐCSTQ cho biết tại cuộc họp, rằng giá cả hiện tại của Trung Quốc vẫn tăng vừa phải và nền kinh tế vẫn tiếp tục cải thiện tốt, như vậy khác biệt rõ ràng với giảm phát. Về trung và dài hạn, nền kinh tế Trung Quốc không có cơ sở gây vấn đề giảm phát hoặc lạm phát kéo dài.

Ngày 18/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế quý đầu tiên. Người phát ngôn Fu Linghui cho biết, nhìn chung nền kinh tế Trung Quốc hiện nay không giảm phát (deflation), và sẽ không xảy ra giảm phát trong giai đoạn tiếp theo.

Trước tiên chúng ta hãy xem xét các đặc điểm của lạm phát và giảm phát:

Lạm phát là một hiện tượng kinh tế, trong đó sự gia tăng cung tiền dẫn đến sự gia tăng chung về giá cả. Các đặc điểm chính của nó bao gồm: thứ nhất, tốc độ lưu thông tiền tệ được đẩy nhanh, dẫn đến tăng cầu tiền; thứ hai, chi phí sản xuất tăng, dẫn đến giá hàng hóa tăng; hiện tượng lạm phát ảnh hưởng đến các nhóm người và ngành khác nhau ở các mức độ khác nhau, có thể gây ra xung đột xã hội. Do đó, lạm phát có tác động sâu rộng đến nền kinh tế và xã hội.

Giảm phát đề cập đến hiện tượng kinh tế ngược lại là nguồn cung tiền không đủ, dẫn đến sự gia tăng giá trị của đồng tiền và giá cả hàng hóa phổ biến sụt giảm. Các đặc điểm chính bao gồm: thứ nhất, giá trị của tiền tệ tăng lên khiến mọi người giảm chi tiêu và đầu tư, dẫn đến hoạt động kinh tế trì trệ; thứ hai, gánh nặng nợ nần tăng lên và gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp và cá nhân tăng lên; thứ ba, chi phí sản xuất giảm và lợi nhuận doanh nghiệp giảm, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế; thứ tư, việc giảm giá do giảm phát sẽ có những tác động khác nhau đối với các ngành và nhóm người khác nhau trong nền kinh tế. Do đó, tác động của giảm phát đối với nền kinh tế và xã hội cũng rất sâu rộng.

Trung Quốc không phải là nước có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, mà là một hệ thống kinh tế méo mó dưới kiểm soát của nhà nước, do đó rất khó sử dụng các đặc điểm giảm phát và lạm phát của các lý thuyết kinh tế phương Tây để đánh giá tình trạng Trung Quốc. 3 trong số 4 đặc điểm của giảm phát ở trên đã xuất hiện tại Trung Quốc, về mặt tiền tệ thì giảm phát cũng có thể được phản ánh ở vấn đề là mọi người có xu hướng nắm giữ tiền tệ hơn là đầu tư hoặc tiêu dùng. Vì vậy, có thể hiểu đây là “giảm phát không điển hình” của nền kinh tế Trung Quốc.

Nhưng trên thực tế, ĐCSTQ kịch liệt phủ nhận vấn đề giảm phát kinh tế là nhằm muốn che đậy thực tế suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.

Nói chung, suy thoái kinh tế của Trung Quốc là xu hướng chung, trong đó cũng bao gồm sự suy yếu và tách rời nhu cầu từ nước ngoài, cùng nhiều vấn đề nội bộ Trung Quốc. Đặc biệt, hiện tượng tài chính nhàn rỗi rất đáng cảnh giác, chính sách tiền tệ của ĐCSTQ hiện nay đã rất lỏng lẻo nên không còn nhiều khoảng trống để hạ (giảm) tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi. Trước đây, thị trường chứng khoán và bất động sản là hai bể chứa, hiện nay thị trường chứng khoán hoạt động không tốt, chỉ số chứng khoán quanh quẩn trên 3000 điểm đã hơn chục năm, bất động sản cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc, điều này có thể khẳng định qua tình hình đấu giá đất của chính quyền địa phương trong những quý gần đây.

Lượng lớn nhu cầu thanh khoản không có nơi nào để đi gây “hồ rào cản” tài chính, đó là kênh làm nền kinh tế thực Trung Quốc ách tắc và gây rào cản thanh khoản đối với hệ thống tài chính nước này. Trong tình hình như vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ làm dày thêm tường rào cản, không những không thúc đẩy cải thiện nền kinh tế thực mà còn đẩy rủi ro tài chính lên cao. Cuối cùng, những thanh khoản này có thể được sử dụng cho các dự án đầu tư kém hiệu quả và lợi nhuận thấp, dẫn đến dữ liệu kinh tế đẹp, nhưng nền kinh tế ngày càng lạnh hơn.

Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước hàng loạt dấu hiệu suy thoái, thể hiện ở các mặt sau:

Đầu tiên, nhu cầu tại thị trường nội địa của Trung Quốc đã giảm. Nhu cầu thị trường trong nước của Trung Quốc là rất lớn, nhưng với xu thế lợi thế nhân khẩu không còn thì động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phải dựa vào tiêu dùng và đổi mới, nhưng tình hình ở Trung Quốc hiện nay thì ngược lại.

Thứ hai, tình hình ngoại thương của Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Các yếu tố như chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đều đã tác động đến ngoại thương của Trung Quốc và làm giảm xuất khẩu nước này. Ngày 23/4 tại một cuộc họp thường kỳ do Văn phòng Thông tin Chính phủ Trung Quốc tổ chức, nhà đàm phán thương mại quốc tế kiêm Thứ trưởng Bộ Thương mại ĐCSTQ là Wang Shouwen cho biết: “Tình hình ngoại thương của Trung Quốc vẫn còn phức tạp đến nghiêm trọng, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Từ góc độ của môi trường bên ngoài, tính bấp bênh về nhu cầu bên ngoài vẫn là hạn chế lớn nhất”.

Thứ ba, lợi nhuận của doanh giới Trung Quốc đã sụt giảm. Suy thoái kinh tế có tác động nghiêm trọng đến vấn đề này. Nhiều công ty Trung Quốc hiện đang chịu quá nhiều áp lực nợ nần, dẫn đến hiệu quả kinh doanh kém hoặc phá sản.

Cuối cùng, tăng trưởng đầu tư tại Trung Quốc đã chậm lại nhiều. Nền kinh tế Trung Quốc trước đây luôn dựa vào đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc đã chậm hơn nhiều và dòng vốn không thông suốt cũng đã cản trở tăng trưởng kinh tế.

Tổng hợp lại những vấn đề cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều so với giảm phát.

Đường Tân Nguyên
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)