Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ngày 18/8 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố xóa bỏ 23 khoản nợ cho vay không tính lãi đối với 17 nước châu Phi đáo hạn từ cuối năm 2021. Ngoài ra trong năm nay, Trung Quốc sẽ cung cấp đợt viện trợ lương thực mới cho 17 nước châu Phi có nhu cầu. Thông tin đã này đã làm dấy lên làn sóng tranh luận trong nước.

W020200429722854830501
Ngày 18/8, Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị thông báo Trung Quốc xóa bỏ 23 khoản nợ cho vay không tính lãi đối với 17 nước châu Phi đáo hạn từ cuối năm 2021. (Ảnh: BNG Trung Quốc)

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tối ngày 18/8, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị đã chủ trì “Hội nghị Điều phối việc thực hiện thành quả của Hội nghị Bộ trưởng kỳ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi”. Trong bài phát biểu, ông Vương Nghị đã đề cập đến cái gọi là “thành quả hợp tác” giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như hạn mức tín dụng 10 tỷ USD của Trung Quốc cho các tổ chức tài chính châu Phi đã thực hiện được trên 3 tỷ USD, nguồn tài trợ thương mại 10 tỷ USD cho châu Phi đã thu xếp được hơn 2 tỷ USD, và các công ty Trung Quốc đã đầu tư 2,17 tỷ USD vào châu Phi. 

Ông Vương Nghị cũng đề cập rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ xóa bỏ 23 khoản nợ cho vay không tính lãi đối với 17 nước châu Phi đáo hạn từ cuối năm 2021, ngoài ra trong năm nay Trung Quốc sẽ cung cấp đợt viện trợ lương thực mới cho 17 nước châu Phi có nhu cầu nhằm tiếp tục thúc đẩy “Vành đai và Con đường”.

Thông báo này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Một số cư dân mạng đã để lại bình luận:

“Để ổn định cơ nghiệp ở châu Phi, ĐCSTQ vung tiền làm bẫy, nói cho vay nghe có vẻ hay ho nhưng thực tế có quá nhiều thứ ở châu Phi sử dụng nợ để chi cho những thứ hữu danh vô thực”.

“Thông tin cần được biết nhất là: 23 khoản vay không lãi suất này là bao nhiêu? Tại sao thông tin cơ bản như vậy không được đề cập trong thông báo?”

“Không cần để ý, chỉ biết là chúng ta lại thắng, không chỉ giành được ủng hộ của châu Phi mà còn đoạt được khoáng sản của họ…”.

“Điều tôi muốn hỏi là khoản vay mua nhà thế chấp của tôi có thể được xóa không?”

“Thôi đừng vung tiền ra ngoài! Xem lại tình hình trong nhà đi: Vấn đề sinh con thứ 2, thứ 3 thì sao? Người già thì sao? Công trình đang xây dở dang bỏ hoang thì sao?”

“Hãy giải quyết vấn đề những tòa nhà xây dựng dở dang bỏ hoang và vấn đề Ngân hàng Hà Nam trước đã!”

–  “Các ông tuyên bố xóa nợ đã hỏi ý kiến ​​của mọi người? 1,4 tỷ người không đồng ý”.

Theo dữ liệu của Trung Quốc, từ năm 2000 – 2017, chính phủ, ngân hàng và các nhà đầu tư tư nhân của Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay khoảng 146 tỷ USD.

Trên thực tế, vào năm 2015 ĐCSTQ đã cung cấp các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp để giúp nhiều nước châu Phi phát triển đường bộ và đường sắt. Tính đến cuối năm 2017, các nước như Chad, Mozambique, Eritrea, Cộng hòa Congo, Nam Sudan và Zimbabwe… đều bị coi là lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Bloomberg đưa tin vào cuối tháng 11 cho hay, trong thập kỷ qua ĐCSTQ đã trở thành chủ nợ quốc tế phi thương mại lớn nhất thế giới, các ngân hàng quốc doanh của ĐCSTQ cung cấp nhiều khoản vay cho các nước đang phát triển hơn cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Điều này khiến cộng đồng quốc tế chất vấn là việc Trung Quốc đầu tư vào châu Phi khiến các nước này tiếp tục dựa vào Trung Quốc để hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng với những lợi ích kinh tế không rõ ràng.

Deutsche Welle (Đức) đã từng dẫn lời một nhà xã hội học nổi tiếng người Đức là Helmut Asche chỉ ra rằng đầu tư của ĐCSTQ vào châu Phi thực sự là một cách gây ảnh hưởng chính trị.