Hôm 27/11 lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã khởi hành công du nước ngoài, một ngày trước (ngày 26) ông Tập đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, cuộc họp đã không đề cập khi nào sẽ mở Hội nghị toàn thể Trung ương 4. Có nhận định, động thái này cho thấy Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 có thể không mở trong năm nay.

Embed from Getty Images

Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ khóa 19 khi nào tổ chức và nghị trình ra sao vẫn là bí ẩn (Ảnh minh họa từ Getty Images)

Không nhắc đến trong kỳ họp Bộ Chính trị cuối tháng 11

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, theo Tân Hoa Xã và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, trong cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 26 dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, ngoài xem xét hai Điều lệ và Quy tắc trong Đảng thì không đề cập gì đến Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 4 khóa 19).

Thông tin dẫn phân tích rằng, theo thông lệ cuộc họp thường kỳ của Bộ Chính trị ĐCSTQ diễn ra mỗi tháng một lần, vào cuối tháng. Trường hợp cuộc họp cuối Tháng Mười Một không đề cập Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 khi nào tổ chức, vậy thì sẽ phải chờ đến cuộc họp Bộ Chính trị vào cuối Tháng Mười Hai. Do đó, Hội nghị toàn thể lần Bốn có thể sẽ không diễn ra trong năm nay.

Qua lộ trình công du của ông Tập Cận Bình, từ ngày 27 lần lượt đến thăm các nước Tây Ban Nha, Argentina, Panama, Bồ Đào Nha, và tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, toàn bộ hành trình sẽ kết thúc vào ngày 05/12. Sau đó vào 18/12 ĐCSTQ bắt đầu tổ chức kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa, ông Tập Cận Bình sẽ dẫn đầu giới lãnh đạo ĐCSTQ tham dự.

Ngoài ra, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên của ĐCSTQ theo thông lệ sẽ được tổ chức vào cuối năm, là hội nghị quan trọng mà ông Tập Cận Bình phải chủ trì. Thêm vào đó là hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm Trung Quốc suy thoái kinh tế và tiềm ẩn khủng hoảng tài chính, hội nghị này dự kiến ​​sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc năm 2019.

Từ hàng loạt vấn đề nêu trên, có quan điểm rằng trước khi kết thúc năm nay ĐCSTQ khó có thể còn thời gian để tổ chức Hội nghị Trung ương 4 khóa 19. Ngoài ra, giới quan sát cho rằng ​​các vấn đề kinh tế mà có thể đưa ra trong Hội nghị Trung ương 4 khóa 19, có khả năng sẽ được thảo luận trước tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương và đề xuất giải pháp, do đó mà tính cấp thiết về các vấn đề kinh tế tại hội nghị sẽ suy giảm và trọng tâm có thể chuyển sang các vấn đề khác. Nếu vậy, Hội nghị toàn thể này không nhất thiết phải được tổ chức trước khi kết thúc năm 2018.

Ngày 20/11, CNA đã có nhận định rằng, do cuối năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm của cái gọi là “cải cách và mở cửa” của ĐCSTQ nên dự tính Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 sẽ tập trung vào chính sách kinh tế.

Vẫn đang trong quá trình chuẩn bị?

Cơ quan chức năng ĐCSTQ từng cho biết, trước khi Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tổ chức một Hội nghị toàn thể, công tác chuẩn bị dự thảo ít nhất là trong 6 tháng. Trong thời gian này Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ thường xuyên công du nước ngoài để nghiên cứu, và sẽ tổ chức khoảng 5 lần họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị, 2-3 lần họp Bộ Chính trị…

Thời gian qua, giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã tập trung hoạt động nghiên cứu tại các địa phương: Tháng Sáu ông Lý Khắc Cường đã đến Hồ Nam với chủ đề chuyển giao công nghiệp sản xuất đến miền Trung và miền Tây; Tháng Bảy đi thực tế đến Tây Tạng. Tháng Tám, ông Uông Dương, Chủ tịch Chính hiệp và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã đến Tây Tạng tìm hiểu hoạt động xóa đói giảm nghèo. Tháng Năm, ông Hàn Chính, Phó Thủ tướng và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đến Quảng Đông; cũng đi khảo sát ở Bắc Kinh trong Tháng Mười Một. Tháng Chín và tháng Mười, ông Tập Cận Bình đi thực tế về vùng Đông Bắc và tỉnh Quảng Đông, nội dung chính là vấn đề xung đột thương mại Trung-Mỹ, đã hai lần ông Tập nhấn mạnh “tự lực cánh sinh”. Vào tháng Chín, Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn được xem là “Ủy viên Ban Thường vụ thứ tám” đi khảo sát Giang Tô, Thượng Hải, nhấn mạnh thúc đẩy đổi mới công nghệ và hợp tác bên ngoài; giữa Tháng Mười Một thăm Hồ Bắc, bóng gió đề cập bác bỏ cái gọi là “Chính phủ theo nghĩa rộng” với vấn đề “phân tách giữa Đảng và Chính phủ”.

Từ những dấu hiệu này, có nhận định rằng ĐCSTQ vẫn đang trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 4 khóa 19.

Nhìn lại một số nhận định của giới quan sát

Trong Tháng Mười năm nay đã có tin đồn rằng Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 sẽ tổ chức vào Tháng Mười, sau đó lại cho rằng Hội nghị chuyển đến đầu Tháng Mười Một, cuối cùng cũng không diễn ra như thông tin. Sau đó có phân tích rằng Hội nghị toàn thể lần Bốn sẽ không tổ chức được trong năm nay.

Đối với sự chậm trễ này, Đài RFA dẫn nhận định của học giả Trung Quốc tại Mỹ là Dương Chiêm Thanh (Yang Zhanqing) cho rằng, do nội bộ vẫn chưa nhất trí về nội dung thảo luận, có nghĩa là không có cách nào thống nhất được quan điểm nên phải chờ thêm thời gian.

Ông cho biết Hội nghị toàn thể của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, dù về ngôn từ gọi là hội nghị, nhưng trên thực tế không có chỗ cho thảo luận tại hiện trường, cũng giống như việc tổ chức Hội nghị toàn thể lần Ba với việc sửa đổi hiến pháp trong năm nay, người tham gia chỉ giơ tay thông qua, chỉ có vậy thôi.

Nhà bình luận Đường Hạo (Tang Hao) cũng có bài viết chỉ ra, từ Hội nghị toàn thể lần Bốn bị trì hoãn này cho thấy có thể mâu thuẫn giữa các phe phái trong ĐCSTQ đang căng thẳng hơn, đang khó hòa giải, đối nội thì không thể đạt được đồng thuận, đối ngoại thì không cho thấy được hình ảnh “hài hòa”, vì vậy hội nghị này bị trì hoãn và không thể xác định được thời điểm tổ chức.

Về vấn đề này, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, “Chủ đề của Hội nghị toàn thể lần Trung ương 4 lần này là Sâu hóa cải cách, thực hiện các mục tiêu cải cách đã được đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần Ba…” “Định hướng chính là, về kinh tế phải trao quyền cho thị trường, nhưng về chính trị phải tăng cường tập trung quyền lực”.

Tuy nhiên, ông Ngô Cường (Wu Qiang) cựu giảng viên của khoa Chính trị tại Đại học Thanh Hoa Trung Quốc khi trả lời Đài RFA cho biết, qua việc thời gian gần đây giới quan chức cấp cao nghỉ hưu thường xuyên xuất hiện trước công luận cho thấy cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng hiện nay khá bí ẩn. Xét về vấn đề ‘Sâu hóa cải cách và mở cửa’, hiện tại tranh cãi trong Đảng đang khá sôi động, đã có chỉ trích rằng luận điệu ‘Sâu hóa cải cách và mở cửa’ (của ông Tập Cận Bình) trên thực tế là muốn phủ nhận cải cách và mở cửa (của cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình)… hiện rất khó xác định về Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 này.

Trí Đạt

Xem thêm: