Gần đây, lấy lý do một số thương hiệu may mặc, thời trang quốc tế nổi tiếng như H&M, Nike… từ chối sử dụng bông Tân Cương, giới quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền khơi dậy làn sóng tẩy chay những thương hiệu này. Giả sử đối tượng chính không thuộc lĩnh vực thời trang, mà được thay bằng một thương hiệu chip quốc tế thì vấn đề sẽ thế nào?

Chip
(Nguồn: Pixabay)

Vào ngày 20/3 năm ngoái, thương hiệu quần áo nổi tiếng H&M của Thụy Điển đã đưa ra một tuyên bố về “thẩm định trách nhiệm nghề nghiệp” trên trang web bằng tiếng Anh của tập đoàn, cho biết rằng tập đoàn quan tâm sâu sắc đến các thông tin và báo cáo từ các tổ chức truyền thông và xã hội dân sự, bao gồm cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử tôn giáo đối với người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực tự trị Tân Cương.

Tuyên bố của tập đoàn nêu rõ: “Chúng tôi nghiêm cấm bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức nào trong chuỗi cung ứng… Chúng tôi không hợp tác với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương, cũng không tìm mua nguồn sản phẩm từ khu vực này”.

Cuối tuyên bố nhấn mạnh bông mà tập đoàn H&M mua từ Tân Cương luôn đến từ các nông trường được chứng nhận bởi “Hiệp hội ​​Bông tốt hơn” (Better Cotton Initiative, BCI) của Thụy Sĩ: “Do ngày càng khó khăn trong ‘thẩm định trách nhiệm nghề nghiệp’ đáng tin cậy ở khu vực này (Tân Cương), BCI quyết định đình chỉ việc cấp giấy phép trồng bông ở Tân Cương. Điều này có nghĩa là bông của chúng tôi sẽ không còn được mua từ đó nữa”.

Giờ đây sau một năm, tuyên bố này bất ngờ bị giới chức ĐCSTQ lật lại và phát động chiến dịch lên án từ truyền thông nhà nước và mạng xã hội, kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa, tạo nên làn sóng tẩy chay.

Hiện nay sự việc vẫn đang là tâm điểm chú ý khi một số thương hiệu may mặc nổi tiếng quốc tế khác như Nike, Adidas, Puma cũng bị giới chức ĐCSTQ chỉ trích vì đưa ra những tuyên bố tương tự như H&M, thậm chí lôi kéo nhiều nghệ sĩ tham gia tuyên bố không hợp tác quảng bá cho những thương hiệu quốc tế liên quan.

Giả sử đối tượng chính của vụ việc này không phải là các thương hiệu thời trang, mà đổi thành công ty chip quốc tế như Qualcomm, Intel và Nvidia, thì giới chức ĐCSTQ sẽ áp dụng hành động như thế nào? Tại thời điểm hiện nay, trên điện thoại di động và máy tính của Trung Quốc đều có chip Qualcomm, Apple, Intel, AMD, Nvidia.

Có thể nói sản phẩm chiến lược là hiện thân của sức mạnh tổng thể một quốc gia, riêng về lĩnh vực tối quan trọng hiện nay là con chip đang nằm trong chi phối của nền công nghệ và doanh nghiệp Mỹ. Con chip từ sơ khởi bắt nguồn từ ngành công nghiệp quốc phòng thì nay vừa mang tính chiến lược vừa có tính thị trường, được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng kinh tế, tài chính và dân sự; chip là nòng cốt của Internet và mạng lưới vạn vật kết nối Internet, đóng vai trò như “trung khu thần kinh”, ngày nay bên nào làm chủ công nghệ chip ở đoạn cao cấp là có uy quyền trong cuộc chơi thị trường thông tin, chính trị quốc tế và ngoại giao.

Giới chuyên gia đã chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các công ty và ngành nghề của Trung Quốc nằm dưới bảo trợ của nhà cầm quyền toàn trị, chẳng hạn như Huawei và các doanh nghiệp quân sự, vì họ không thể chủ động trong công nghệ chip đoạn cao cấp. Hiện tại, tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan, đơn vị chủ chốt cung cấp chip bán dẫn cho giới doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, không chỉ nằm trong chi phối của Mỹ mà còn trực tiếp tham gia trong chuỗi sản xuất chip cao cấp ở Mỹ.

Năm 2020 vừa qua, trong các bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc có thuật ngữ nóng gọi là “tuần hoàn nội bộ”, thuật ngữ diễn tả rõ tình trạng bị cô lập của Trung Quốc xuất phát từ một số nguyên nhân chính là đại dịch viêm phổi Vũ Hán, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, các lệnh trừng phạt của Mỹ, và sự lỗi thời của kế hoạch tốn kém “Vành đai và Con đường” mà ĐCSTQ rất hy vọng để thay đổi cuộc chơi. Bản thân giới chức ĐCSTQ cũng đồng thuận về vấn đề ứng phó với tình trạng vô cùng khó khăn từ cộng đồng quốc tế. Tại hội nghị khoa học của Trung Quốc ngày 11/9/2020, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã liệt kê các phương diện công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng… Trung Quốc bị chi phối, trong đó nhấn mạnh vấn đề chip là nghiêm trọng nhất.

Có phải Trung Quốc bị phụ thuộc công nghệ chip vì họ phát triển sau? Thực tế từ ngày 4/10/1982 Trung Quốc đã thành lập ban chỉ đạo trung ương về vấn đề công nghệ máy tính điện tử và vi mạch tích hợp quy mô lớn để phát triển máy tính trên mọi cấp độ, sau đó dù cơ quan này đã trải qua nhiều lần đổi tên và sáp nhập nhưng chức năng vẫn giữ nguyên. Đặc biệt là trong những năm gần đây đã phát triển quy mô nhân sự cao cấp hơn, tên gọi hiện nay là Ủy ban Thông tin và An ninh mạng Trung ương (Central Cyberspace Affairs Commission) do chính lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình phụ trách và các cấp phó là Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo Kiến thiết Văn minh Tinh thần Trung ương Vương Hộ Ninh.

Trong 40 năm qua, mặc dù chính quyền ĐCSTQ rất coi trọng lĩnh vực chip nhưng họ vẫn bị lạc hậu so với các nước phát triển, khoảng 80% lượng chip mà Trung Quốc cần phải dựa vào nhập khẩu, đặc biệt là chip cao cấp. Có thể nói Trung Quốc đang ở mức trung bình trong chuỗi công nghiệp chip toàn cầu, họ chưa thể làm chủ được nhiều vấn đề tối quan trọng trong lĩnh vực công nghệ ở giai đoạn cao nhất.

Chính Hâm,  Vision Times

 Xem thêm: