Các nhà phân tích được Reuters trích dẫn cho rằng mặc dù Thượng Hải chìm sâu trong khủng hoảng dịch bệnh, nhưng con đường của ông Lý Cường (Li Qiang) từ chức vụ Bí thư Thượng Hải đi đến Thường vụ Bộ Chính trị sẽ vẫn an toàn. 

Bí thư Thượng Hải Lý Cường
Bí thư Thượng Hải Lý Cường. (Ảnh: gov.cn)

Sự nghiệp của ông Lý Cường thu hút sự chú ý

Thượng Hải đã bị phong tỏa trong hơn một tháng, những thảm họa thứ cấp và sự ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đã làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. Tuy nhiên, theo Reuters đưa tin ngày 9/5, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường sẽ bị cản trở về mặt chính trị.

Bài phân tích của Reuters nói rằng sự không minh bạch của chính trường Trung Quốc và việc ông Tập Cận Bình trước tiên phá lệ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch nước Trung Quốc, đã khiến cho ngoại giới càng khó khăn hơn trong việc suy đoán về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 sắp tới của ĐCSTQ vào mùa thu năm nay. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (gọi tắt là Đại hội 20) của ĐCSTQ sẽ quyết định dàn lãnh đạo tiếp theo của ông Tập Cận Bình.

Reuters nhận được thông tin từ những người quen thuộc với công tác phòng chống dịch bệnh của Thượng Hải rằng thành phố này hiện đang thắt chặt việc phong tỏa, cố gắng loại bỏ không còn ca lây nhiễm mới bên ngoài khu vực cách ly phong tỏa (lây nhiễm trong cộng đồng) vào cuối tháng Năm.

Người dùng mạng xã hội hướng sự tức giận của họ vào ông Lý Cường. Họ viết trên Weibo rằng “Bí thư thành ủy Thượng Hải nên thừa nhận sai lầm của mình và từ chức“; còn có người viết “Các chính trị gia vô liêm sỉ đã hủy hoại Thượng Hải”.

Hiện tại, ít nhất 25 quan chức ở Thượng Hải đã bị trừng phạt. Nhưng trong số đó không có một quan chức nào ở cấp quận trở lên.

Ông Charles Parton, một cựu quan chức ngoại giao của Vương Quốc Anh và là phó nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Những người bị chỉ trích do thất bại trong phòng chống dịch tại Thượng Hải sẽ là những người không quan trọng trong chính trị.”

Ông Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng nếu đó là các quan chức ở nơi khác, thì “bây giờ họ đã bị sa thải rồi”.

Ông bổ sung thêm: “Do ông Lý Cường có mối quan hệ mật thiết với ông Tập Cận Bình, ông ấy với tư cách là một quân cờ trong giàn lãnh đạo mới của ông Tập (sau Đại hội 20) nên có khả năng có chỗ dùng cho ông Tập. Hơn nữa, cấp bậc lãnh đạo trong đảng và chính quyền ở Thượng Hải đều cao hơn so với cấp bậc lãnh đạo trong đảng và chính quyền ở đại đa số các thành phố khác, cho nên địa vị của ông Lý Cường sẽ rất an toàn.”

Mục tiêu cuối cùng của “zero COVID linh động” là phục vụ Đại hội 20 của ĐCSTQ

Ngày 9/5, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Tôn Xuân Lan khi chủ trì một hội nghị truyền hình về phòng chống dịch đã nói rằng cần phải “kiên trì ‘zero COVID linh động’ một cách không do dự và không dao động”, tạo môi trường tốt để “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ được tổ chức thắng lợi”.

Ngày 6/5, Thượng Hải tổ chức đại hội động viên “Kiên quyết đánh thắng trận chiến bảo vệ đại Thượng Hải”, chính quyền các cấp lập quân lệnh trạng (đảm bảo thực hiện quân lệnh). Khu trưởng Tân khu Phố Đông cho biết dù có “tan xương nát thịt” cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 7/5, khi Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường đi thị sát tình hình dịch bệnh ở quận Gia Định, ông đã lặp lại nội dung tại đại hội động viên này, bao gồm kiên trì tuân thủ chủ trương chung “zero COVID linh động” và cắn chặt răng kiên trì đến cùng, kiên quyết quyết giành thắng lợi trong trận chiến bảo vệ Thượng Hải, v.v.

Nhà bình luận thời sự, Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), nói rằng điều này phản ánh rằng “Cuộc tranh giành quyền lực ở cao tầng và cấp trung ương, cấp địa phương của ĐCSTQ đã đến trạng thái kịch liệt. Quyền lực của ông Tập Cận Bình đã gặp phải đe dọa và thách thức ở mức độ rất lớn, dù là cao tầng hay là địa phương đều có người nghi ngờ cái giá to lớn mà chính sách ‘zero COVID mang đến’, vậy thì ông Tập Cận Bình phải sử dụng các biện pháp mạnh hơn để buộc chính quyền địa phương lập quân lệnh trạng và sử dụng nó để buộc chính quyền địa phương hợp tác với chính sách của trung ương.” 

Ông Ngô Cường (Wu Qiang), một học giả độc lập về Trung Quốc, đã từng phân tích về việc thành phố Thượng Hải phong tỏa phòng chống dịch với  “Tiếng nói nước Đức” (Deutsche Welle). Ông cho rằng: Việc Trung Quốc thực thi chính sách phòng chống dịch “zero COVID” bị trao cho ý nghĩa an ninh chính trị rất cao, động cơ của chính sách phòng dịch là mang tính chính trị. Bởi vì cao tầng của ĐCSTQ cho rằng chỉ có dịch bệnh mới đe dọa đến an ninh xã hội, và cấu thành thách thức lớn hơn nữa đối với “an ninh chính trị”.

Ông Ngô Cường cũng chỉ ra rằng: “Zero COVID linh động” là phương hướng và mục tiêu chung cơ bản do đích thân Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình bố trí, lý lẽ quan trọng chính là coi virus là “phần tử khủng bố”, “là hồng thủy mãnh thú”, nên cần phải tiêu diệt toàn bộ, không thể dung thứ. Chừng nào dịch bệnh còn tồn tại, thì nó sẽ đe dọa xã hội Trung Quốc và “an ninh chính trị“, đặc biệt là nó sẽ là thách thức cực lớn đối với “an ninh chính trị“. Phòng chống dịch kiểu “zero COVID” này cũng chính là nó đã được trao cho “ý nghĩa an ninh chính trị” rất lớn, lực lượng phòng chống dịch tương ứng cũng là sự huy động của cả hệ thống quốc gia, đó là công an và các bộ phận tuyên truyền ý thức hệ trong vai trò chính. Sau đó, toàn bộ hệ thống hành chính của Trung Quốc được huy động, rồi đến nền kinh tế thị trường và toàn bộ xã hội được huy động, và cuối cùng ĐCSTQ đã hoàn thành “cuộc tổng động viên”.

Ông Ngô Cường cho rằng: Thực ra việc ĐCSTQ sẽ xây dựng thể chế toàn trị sau Đại hội 20 là đã được xác lập, và sẽ không gặp phải sự phản kháng thực sự. Trong khi đó, người Thượng Hải thông qua lần dịch bệnh này, càng nhìn thấy trước được sự tiến gần của thể chế toàn trị sau Đại hội 20.

Xem thêm các bài về dịch bệnh tại Thượng Hải tại đây.