Sau hơn một tháng bị đình chỉ vì dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), các doanh nghiệp Trung Quốc đã dần nối lại hoạt động, nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, một phần vì thiếu nhân công, một phần vì chưa có khách hàng.

Theo New York Times, hiện các nhà máy Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực. Ngay cả những thành phố phục hồi nhanh nhất cũng chỉ hoạt động với 50% năng suất so với trước đây. Một số biện pháp đo lường khác chỉ ra công suất hoạt động thực tế còn thấp hơn.

Theo dữ liệu chính thức, hơn 50 triệu lao động nhập cư vẫn chưa được trở lại làm việc. Một số người vẫn đang bị cách ly, một số người ở nông thôn thì không thể di chuyển do các tuyến xe buýt đường dài chưa được nối lại.

Ngay cả khi công nhân quay trở lại, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn gặp khó vì nhu cầu tiêu dùng ở nước ngoài sụt giảm nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở châu Âu và hàng loạt quốc gia thực hiện các lệnh phong tỏa. Nhiều hộ gia đình trong nước cũng cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu. Nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp ngày càng phình to. Các doanh nghiệp còn phải đối mặt với thực trạng đối tác không có thanh toán tiền hàng hóa và dịch vụ.

Một điểm đáng lo ngại khác là trước cảnh báo của các chuyên gia về nguy cơ tái nhiễm dịch bệnh, chủ sở hữu doanh nghiệp còn sợ rằng chính quyền địa phương có thể bắt họ trả tiền cách ly cho lượng lớn công nhân nếu một người bị nhiễm bệnh.

Hiện chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, như gia hạn nợ ngân hàng, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ. Các công ty bảo hiểm được yêu cầu gia hạn chính sách cho dù phí bảo hiểm không được thanh toán đúng hạn. Chính sách giảm giá cũng được áp dụng. Ngành đường sắt quốc doanh đã giảm một nửa phí vận chuyển hàng hóa. Thành phố Thượng Hải thậm chí còn tuyên bố sẽ cung cấp gói hỗ trợ tín dụng và cho vay trị giá 15 tỷ USD.

Dù vậy, nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn chưa nhìn thấy điểm sáng khi nối lại hoạt động. Một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay là sản xuất ô tô. 

Theo Reuters, doanh số bán ôtô tại Trung Quốc giảm 79% (lượng xe bán ra giảm 310.000 xe) trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Chen Shihua, một quan chức cấp cao của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005 Trung Quốc mới lại chứng kiến doanh số ảm đạm như vậy. 

Trong một chia sẻ với tờ Reuters vào tháng trước, đại diện của CAAM dự đoán doanh số bán xe tại Trung Quốc sẽ giảm hơn 10% trong nửa đầu năm nay và thậm chí nếu virus viêm phổi Vũ Hán không được kiểm soát trước tháng 4/2020 thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Giới quan sát cũng cảnh báo Bắc Kinh về tình trạng tái khởi động giả. Đó là hiện tượng các công ty trở lại sản xuất để nhận trợ cấp của chính phủ nhưng sản xuất ít hoặc không sản xuất vì thiếu nhân công hoặc nguồn cung. 

Đáng ngại hơn nữa, người lao động còn bị giảm lương, trong đó ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cắt giảm lương mạnh nhất.

Nikkei Asian Review đưa tin, nhà sản xuất ôtô hàng đầu Trung Quốc SAIC Motor có trụ sở tại Thượng Hải sẽ cắt giảm lương hiệu suất, chiếm khoảng 35% tổng tiền lương. Shanghai Huizhong Automotive Manufacturing cũng dự kiến cắt giảm 20% lương nhân viên kể từ tháng này.

Ngoài ra, nhân công trong các ngành bán lẻ, công nghệ, hay quảng cáo cũng phải đối diện với nguy cơ giảm lương hoặc sa thải.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ Miniso thông báo sẽ cắt giảm 30-50% tiền lương nhân viên vào tháng Ba. Nhân viên làm việc ở nhà chỉ được nhận 30% lương. Trong khi đó, Công ty công nghệ Uxin cắt giảm 20-30% lương nhân viên… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà để giảm chi phí lao động. 

Chính quyền Bắc Kinh thậm chí còn cho phép người sử dụng lao động sa thải tạm thời nhân viên, miễn là nhân viên đồng ý và những người bị ảnh hưởng nhận được tối thiểu 70% lương. Một ước tính của Goldman Sachs dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc sẽ tăng từ 5,2% ở năm 2019 lên 6% trong quý II/2020.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: