Gần đây, nhiều công ty sản xuất thương mại với nước ngoài ở nhiều nơi tại Trung Quốc đang đứng trước bờ vực phá sản do không nhận được đơn đặt hàng, vốn nước ngoài cũng liên tục rút dần. Nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy xuất khẩu ngoại thương của nước này sẽ giảm trong năm nay.

id13929769 Collage Maker 14 Feb 2023 05.47 PM
Gần đây, nhiều doanh nghiệp ở nhiều nơi như Chiết Giang, Quảng Đông, v.v, đang trên bờ vực phá sản vì không nhận được đơn đặt hàng. Có video cho thấy các nhà máy sa thải công nhân, ông chủ phàn nàn về môi trường kinh doanh tồi tệ, tất cả các ngành đều bị thu hẹp. (Ảnh chụp màn hình)

Vào ngày 14/2, các báo cáo liên quan đến ngoại thương của nhiều kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc chủ yếu tập trung vào chủ đề như “Các đơn hàng xuất khẩu [nhiều đến mức] được lên kế hoạch đến quý hai”, “Đơn hàng ngoại thương nhiều, doanh nghiệp dệt may tất bật sản xuất”, “Các doanh nghiệp đồng bằng sông Dương Tử đang tích cực giành đơn hàng ở nước ngoài”, “Đơn đặt hàng ngoại thương nhiều, doanh nghiệp bận rộn sản xuất”, để mô tả tình hình của ngành xuất khẩu ngoại thương.

Tuy nhiên, cũng có thông tin nhiều công ty xuất khẩu ngoại thương ở nhiều nơi tại Trung Quốc đang đứng trước bờ vực phá sản do không nhận được đơn hàng.

Vào ngày 14/2, theo Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin, doanh nhân ngoại thương ở Chiết Giang tên là Lưu Hiểu Di (Liu Xiaoyi) trong một cuộc phỏng vấn cho biết, kể từ đầu năm nay, hầu như không nhận được đơn đặt hàng nào, xuất khẩu giảm đáng kể và bến cảng hiện lên một cảnh tượng tiêu điều. Cô cho biết: “Cảng Thượng Hải và cảng Bắc Luân hiện đang rất tiêu điều. Không có lái tàu hỏa, không có xe tải, không có container. Sản lượng hàng hóa qua cảng Thượng Hải có thể bị Singapore vượt qua trong năm nay. Thương mại với Mỹ đã giảm xuống vị trí thứ ba, và người Mỹ đã chuyển đơn đặt hàng sang nước khác. Ngoài các lệnh trừng phạt bên ngoài, thì nguyên nhân nội bộ cũng rất lớn.”

Ông Lữ Vạn Niên (Lu Wannian), người đứng đầu một công ty xuất khẩu ngoại thương, nói với RFA rằng môi trường chung của Trung Quốc không phù hợp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc vốn nước ngoài rút lui là xu hướng tất yếu. Cùng với việc dịch chuyển đơn hàng của khu vực Âu Mỹ, dẫn đến doanh nghiệp tư nhân nợ nần chồng chất, chính quyền cũng không cách nào thúc đẩy nền kinh tế, “ngoại thương giảm, xuất khẩu giảm, bất động sản cũng xong”.

Trên mạng Internet cũng có nhiều người sáng lập doanh nghiệp tư nhân phàn nàn về môi trường kinh doanh tồi tệ, “Lấy ngành quần áo quanh tôi làm ví dụ, đã sụp đổ rất nhiều … Nhiều nhà máy đã sa thải công nhân trong năm nay, và việc này trở thành trạng thái bình thường.”

“Không có việc làm, hiện giờ đang chuẩn bị bán máy móc để duy trì hiện trạng. Hơn nửa năm nay tôi không nhận được đơn đặt hàng mới. Nhà máy do chính tôi thành lập đã đóng cửa như thế này.”

“Nhà chúng tôi đã làm kinh doanh hơn 10 năm, tôi chưa bao giờ trải qua tình trạng thị trường như năm nay. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu đến từ Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương, Trịnh Châu và Thạch Gia Trang… Nghe nói khách hàng năm nay cũng không kinh doanh gì được, cho nên dẫn đến nhà máy của chúng tôi không có đơn đặt hàng.”

Có cư dân mạng đã tweet: “33 nhà máy của Toshiba của Nhật Bản khẩn cấp rút khỏi Trung Quốc Cộng sản, 400.000 người mất việc làm, 600.000 người ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Đông Hoản không tìm được việc làm, nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) của Apple ở Đông Hoản không nhận được đơn đặt hàng, 3 nhà máy đóng cửa, 120.000 người đối mặt với tình trạng thất nghiệp, 4,6 triệu nhà máy kêu gào vì không có đơn đặt hàng, làn sóng thất nghiệp lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc Cộng sản đã đến.”

Đoạn video được cư dân mạng đăng tải chứa rất nhiều thông tin. Ví dụ, Thượng Hải, Đông Hoản, Thâm Quyến tập trung một lượng lớn lao động nhập cư, nhưng họ không thể tìm được việc làm vì các nhà sản xuất không có đơn đặt hàng. Hàng ngày, người ta thu dọn đồ đạc ra về trước cổng nhà máy, không ai biết tiếp theo sẽ đến lượt ai khăn gói ra đi. Nhà xưởng bỏ trống, dây chuyền ngừng sản xuất do đơn hàng chuyển ra nước ngoài. Còn có thiết bị đã được đóng gói, dây chuyền sản xuất sẽ được chuyển đến Việt Nam.

Một người quay video cho biết, tại một khu công nghiệp ở thị trấn Trường An, thành phố Đông Hoản, do ảnh hưởng của dịch bệnh, 3 nhà sản xuất hợp tác với Apple đã giảm đơn đặt hàng và đứng trước nguy cơ đóng cửa, họ đã tháo dỡ thiết bị và xếp đống ở sân. Năm nay rất khó tìm được việc làm, còn rất nhiều người vẫn vô gia cư.

Có người nói trong đoạn video trên: “Nhà máy sản xuất đồ dùng gia đình Nam Khang (tỉnh Giang Tây) khó khăn như thế nào? Năm nay, nhiều người làm đồ gia dụng đã từ bỏ ngành đồ gia dụng mà họ đã làm trong nhiều năm, những công ty còn lại thì phần lớn cũng rất chật vật để duy trì … Hiện giờ các ngành nghề đều rất khó khăn, không có cách nào khác.”

Có chủ của một công xưởng nói trong video: “Không dám cầu mong có kiếm được tiền hay không, có thể tồn tại tiếp được là được, 3h chiều công nhân đã về hết rồi. Năm nay chính là như vậy, luôn trong trạng thái làm nửa ngày nghỉ nửa ngày, làm 1 ngày nghỉ 3 ngày … Trước đây ở công xưởng này khi nói thì phải hét lên, nhưng hiện giờ thì rất yên tĩnh. Năm nay còn chưa đến mùa hè mà đã bước thẳng sang mùa đông rồi, hơn nữa lại luôn là mùa đông, không biết đến bao giờ mùa xuân mới đến. Nguyên liệu thô của tôi đều ở đây, và tất cả đều là tiền … Ngoài ra còn có một đống nguyên liệu chất đống trong nhà xưởng bên cạnh, trong nhà kho bên kia chất đống rất nhiều hàng tiêu dùng, không xuất hàng được (vì không ai mua cả), năm nay làm nhà máy ngoại thương quá khó khăn.”

Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc mới đây đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế năm nay, hai năm trước đó do dịch COVID-19 bùng phát, xuất khẩu ngoại thương của Trung Quốc có sự tăng trưởng vượt dự báo, tốc độ tăng trưởng cả 2 năm trước đó là 26%. Tuy nhiên, với sự suy giảm nhanh chóng của lạm phát ở một số nước châu Âu và châu Mỹ, sự đóng góp của giá cả vào tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ có xu hướng giảm xuống. Bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhu cầu quốc tế giảm và chi phí sản xuất tăng, dự kiến ​​tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay của Trung Quốc sẽ cho thấy một con số âm so với cùng kỳ năm ngoái.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng thừa nhận, vai trò của xuất khẩu ròng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay có thể chuyển sang mức âm. Trước đó, theo thống kê từ giới kinh tế, những năm gần đây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm từ hơn 20% đến 30% GDP (tổng sản phẩm quốc nội).

Một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện tại đang trong thời kỳ suy thoái và nhu cầu trong nước không khởi sắc. Cùng với sức tiêu dùng của người dân giảm, nhu cầu đối với hàng hóa nước ngoài cũng sẽ giảm, do đó bên cạnh xuất khẩu, nhập khẩu cũng sẽ giảm theo.

Trí Đạt (t/h)