Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra, chỉ trong bốn tháng (từ tháng 4 – 7) thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã sụt giảm 27%; chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức 50,6 – mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Trong lúc thị trường đang ảm đạm thì đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ đưa ra chương trình cải cách quản lý thu tiền an sinh xã hội làm tình trạng giới doanh nghiệp càng tồi tệ hơn.

Embed from Getty Images

Hình ảnh nhà máy giày ở Ôn Châu (Ảnh: Getty Images) 

Nguồn tin từ giới chức Trung Quốc cho biết, ĐCSTQ mới giới thiệu “Chương trình cải cách quản lý thu thuế”, quy định từ ngày 01/1/2019, các khoản an sinh xã hội thống nhất giao cho cơ quan thuế vụ thu. Một số tổ chức ước tính mỗi năm giới doanh nghiệp và người lao động có thể phải trả thêm 2000 tỷ RMB (nhân dân tệ), điều này rõ ràng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đẩy trách nhiệm bù đắp chi phí dưỡng lão vào doanh nghiệp

Vài năm trước, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã cho biết sẽ cắt giảm thuế và lệ phí để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, thế nhưng doanh thu thuế của nhà cầm quyền từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm nay lại vẫn tăng lên đến 14,0%. Tương tự, vấn đề giảm thuế thu nhập cá nhân cũng đã được đưa ra, nhưng việc cách cải cách hệ thống thu bảo hiểm xã hội hiện nay lại là biến tướng làm tăng phí tổn doanh nghiệp và người lao động.

Chia sẻ với Epoch Times tại Mỹ, nhà phân tích chính trị và kinh tế Tần Bằng (Qin Peng) cho biết: “Lần này ĐCSTQ thực hiện giảm thuế thu nhập cá nhân, nhìn bề ngoài là giảm 320 tỷ RMB tiền thuế, nhưng theo ước tính của nhóm nghiên cứu vĩ mô ngân hàng Quốc Thái Quân An (Guotai Junan Securities) thì cuối cùng giới doanh nghiệp và người lao động lại phải trả thêm 2000 tỷ RMB.” Ông cho biết, thâm hụt quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế của các quan chức đã nghỉ hưu… đã rất lớn, để đảm bảo các khoản phí an sinh xã hội cần phải móc từ túi giới doanh nghiệp cũng như người lao động.

Tần Bằng chỉ ra rằng các nước phương Tây với các loại thuế cao nhưng phúc lợi xã hội cũng cao, còn thu thuế cao của ĐCSTQ không dùng để nâng cao phúc lợi cho người dân mà là thủ đoạn biến tướng đẩy trách nhiệm vào giới doanh nghiệp, sự ra đời của luật lao động mới và vấn đề các khoản bảo hiểm làm cho chi phí kinh doanh càng tăng lên cao hơn.

Tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội của giới doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ cao hơn các nước đang phát triển mà còn cao hơn so với hầu hết các nước phát triển.

Lấy ví dụ từ khoản đóng phí dưỡng lão (hưu trí), tỷ lệ đóng phí dưỡng lão của doanh nghiệp Mỹ là 6,2%, của Nhật Bản là 8,25%, Đức là 9,3%, các nước có phúc lợi cao được quốc tế công nhận như ở Thụy Điển chỉ có 9,25%, không bằng một nửa của doanh nghiệp Trung Quốc (20%).

Năm loại chi phí bảo hiểm an sinh xã hội của Trung Quốc được thu từ các doanh nghiệp và người lao động theo tỷ lệ như sau: Phí lương hưu cơ bản là doanh nghiệp chịu 20%, người lao động 8%; bảo hiểm y tế là doanh nghiệp 8%, người lao động 2%; bảo hiểm thất nghiệp là doanh nghiệp 2%, người lao động 1%; bảo hiểm chấn thương, bảo hiểm thai sản là doanh nghiệp chi trả với tỷ lệ đóng góp là 1%.

Như vậy nhìn chung tổng tỷ lệ đóng đối với giới doanh nghiệp là 30%, người lao động là 11%, tổng tỷ lệ đóng góp an sinh xã hội là 41% thu nhập trước thuế.

Theo Guotai Junan Securities, tỷ lệ đóng góp an sinh xã hội trung bình của các doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2015 là 16%. Như vậy tỷ lệ đóng góp an sinh xã hội của các doanh nghiệp Trung Quốc cao gấp 1,5 lần mức trung bình toàn cầu.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành vật hy sinh

Theo bài viết của tác giả Triệu Thập Nhất (Zhao Shiyi) trên trang tài chính Caixin, căn cứ vào Báo cáo cổ phiếu A (A-shares) năm 2018, tổng lợi nhuận của thị trường sáng nghiệp (second-board Market) vào năm 2018 chưa bằng số lẻ của ICBC (Ngân hàng Công thương Trung Quốc).

Bài viết chỉ ra rằng lợi nhuận ròng cổ phiếu A của ICBC là 160,442 tỷ RMB, lợi nhuận trung bình hàng ngày là 886 triệu RMB. Tổng số nhà sáng nghiệp khoảng hơn 700 công ty, số tiền kiếm được không bằng số lẻ của ICBC, tổng lợi nhuận của hơn 700 công ty vừa và nhỏ chỉ có 148 tỷ RMB.

Theo tác giả, trong top 20 công ty niêm yết có lợi nhuận cao nhất, các ngân hàng chiếm 12 vị trí; nhìn chung thì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của lĩnh vực sắt thép, vật liệu xây dựng, thương mại, hóa chất và công nghiệp quốc phòng đạt trên 40%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vật lộn với nhau trên… vực thẳm. Bài báo viết: “Doanh nghiệp nhà nước, không nghi ngờ gì là sở hữu toàn dân, nhưng hiện nay các ngành công nghiệp chiếm độc quyền nguồn tài nguyên như dầu, hóa dầu, năng lượng, viễn thông, than, tỷ lệ lợi nhuận nộp vào ngân sách chỉ 20%, thấp hơn những khu vực khác, đây là vấn đề vô cùng bất hợp lý.”

Về vấn đề này ông Tần Bằng nhận định, doanh nghiệp nhà nước là cơ sở của Đảng và là túi tiền của các quan chức cao cấp của ĐCSTQ, tất nhiên không thể chạm vào, đây là khu vực được ngân hàng trung ương ưu đãi và chính phủ chăm sóc, vì vậy trong bối cảnh này doanh nghiệp tư nhân trở thành vật tế của nhà cầm quyền.

Ông cho rằng bây giờ Trung Quốc đang đối mặt với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ khiến nền kinh tế suy thoái, việc chi tiêu của người dân suy giảm, trong làn sóng thảm họa thì ĐCSTQ lại tăng thuế khiến tình trạng của giới doanh nghiệp tồi tệ hơn.

Lối thoát ở đâu?

Chi phí càng cao thì doanh giới nước ngoài càng tìm cách rút nhanh khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài có năng lực dồi dào đang thay nhau tháo chạy, còn lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu năng lực sẽ chịu không nổi phải đóng cửa, làn sóng thất nghiệp theo đó sẽ mạnh mẽ.

Tần Bằng cho rằng, bức tranh doanh nghiệp đóng cửa làm nạn thất nghiệp bùng phát có thể là cú sốc gây bất ổn xã hội, nhưng ĐCSTQ vẫn không sợ điều này. Lý do có tình trạng này là trong vài thập kỷ qua ĐCSTQ đã thông qua thủ đoạn duy trì sự ổn định xã hội nên đã nhiều lần vượt qua được khủng hoảng.

“Để giảm thiểu tình trạng phản kháng có thể xảy ra, nhà cầm quyền đã chọn tầng lớp trung lưu hy sinh để tăng thuế, vì họ nghĩ là lớp người này sẽ không gây ra nhiều vấn đề đối với họ.”

Ông nói: “Ví dụ, ngưỡng thuế thu nhập 5000 RMB là nhằm vào tầng lớp trung lưu, thuế dành cho giới giàu có toàn cầu CRS chính thức có hiệu lực vào tháng Chín là nhằm vào giới giàu có nhưng không được chính phủ hậu thuẫn, loại thuế này sẽ không gây tác động lớn nào đối với thế hệ tư bản đỏ và các chức sắc cấp cao, dù sao thì danh sách và thông tin đều do ĐCSTQ nắm giữ.”

Theo hệ thống duy trì ổn định kiểu bóc lột tinh vi này, những người dân thường thực sự giống như cá nằm trên thớt, rất khó để có thể làm được bất cứ điều gì ra trò.

Nhưng Tần Bằng cho rằng, dù thế nào thì mọi người vẫn phải nỗ lực tìm hiểu nhiều hơn về những thông tin về kinh tế và chính trị chân thực, hiểu rõ ràng ý đồ của ĐCSTQ để tìm được cách phản ứng thích hợp nhất có thể, trong đó bao gồm chuyển tài sản ra nước ngoài càng nhiều càng tốt; tránh đầu tư vào những khu vực mạo hiểm cao mà ĐCSTQ cổ vũ hoặc che đậy thông tin thực tế để bảo vệ tài sản cá nhân một cách tối ưu nhất có thể.

“Ngoài ra, về mặt ý thức hệ, nhận ra bản chất tà ác của ĐCSTQ và rút khỏi ​​tổ chức này cũng là góp phần vạch trần và làm cho nó suy yếu.” ông nói.

Cộng sản Trung Quốc vẫn sợ sức đề kháng của người dân. Chúng luôn xem vấn đề duy trì sự ổn định xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhất, chúng tuyên truyền rằng sự ổn định sẽ vượt qua tất cả, và chi phí gìn giữ ổn định xã hội của chúng còn cao hơn cả chi phí quân sự.

Tần Bằng chỉ ra rằng vào đầu năm nay Cộng sản Trung Quốc đã tăng lương đáng kể cho quân đội, vũ cảnh, cảnh sát, vào cuối tháng Ba năm nay đã cải cách bộ máy cảnh sát gọi là “lực lượng vũ trang”, đưa ra khẩu hiệu “Quân đội hóa, phụng mệnh Đảng, đãi ngộ cao, nhiều cấp bậc và nhiều nhiệm vụ”, qua đó nâng cao hơn nữa khả năng của cảnh sát trong duy trì ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, ĐCSTQ còn đưa ra nguyên tắc “sáu ổn định”, bao gồm: ổn định việc làm, tài chính, thương mại nước ngoài, đầu tư nước ngoài, đầu tư, kỳ vọng; lấy ổn định tâm thái để đối phó với khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện đang xảy ra, trong đó chủ yếu là các biện pháp kinh tế thả nổi đồng nhân dân tệ nhằm đảm bảo xuất khẩu, ngân hàng trung ương cũng nới lỏng nguồn vốn cho chính quyền địa phương để mở rộng chi tiêu và phát triển cơ sở hạ tầng…

“Loại ‘ổn định kỳ vọng’ này khá đặc biệt.” Ông nói: “Qua việc kiểm soát dư luận xã hội và công tác tuyên truyền, quy kết những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay cho cuộc chiến thương mại với Mỹ, đây là thủ đoạn của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, cứ gặp phải một vấn đề nào đó là quy nguyên nhân cho bên ngoài, kích động chống Mỹ, chống Nhật, chống Pháp và Hàn Quốc.”

Tuyết Mai

Xem thêm: