Gần đây, sau khi chính quyền Bắc Kinh tuyên bố tạm dừng mua nông sản của Mỹ, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ CNY so với đồng Đô la Mỹ (USD) “vượt mức 7”, phía Mỹ cũng tuyên bố đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Hàng loạt diễn biến này đang khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo mạnh. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu, địa vị của Hồng Kông càng trở nên đặc biệt quan trọng với Bắc Kinh, vì đây là một trong những trung tâm tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, nếu “phao cứu sinh tài chính” Hồng Kông tiếp tục hụt hơi thì Bắc Kinh sẽ phải làm gì trong khủng hoảng chính trị Hồng Kông hiện nay?

Embed from Getty Images

Giới chức Hồng Kông trấn an dư luận

Trước diễn biến tình hình, các cơ quan chủ chốt liên quan tại Hồng Kông như Bộ Tài chính, Cơ quan tiền tệ (HKMA) và Ủy ban Chứng khoán đã cùng lên tiếng, nhằm nỗ lực ổn định thị trường tài chính.

Hôm 07/8 ông Arthur (Nguyễn Quốc Hằng), Phó Giám đốc Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cho biết hệ thống tiền tệ của Hồng Kông rất tốt. Trong suốt 36 năm qua, chính sách cố định tỷ giá trải qua nhiều biến động theo chu kỳ cùng hai đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu, vẫn đảm bảo hoạt động tốt. Ông Arthur thẳng thắn cho biết, trong hoàn cảnh bất ổn hiện nay, HKMA sẽ giám sát chặt chẽ tình hình bán khống Đô la Hồng Kông trên thị trường.

Một quan chức khác, ông Paul Chan Mo-po (Trần Mậu Ba), Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông chỉ ra, tình hình xung đột thương mại Trung-Mỹ leo thang đã tác động mạnh đến thị trường tài chính và niềm tin thương mại. Hồng Kông hoàn toàn không kiểm soát dòng tiền ra vào, tính thanh khoản của thị trường chứng khoán cao. Từ kinh nghiệm trước đây có thể thấy nếu giới đầu tư muốn rút tiền từ thị trường châu Á thì Hồng Kông là một trong những nơi thuận tiện và hiệu quả. Nhưng ông Paul Chan Mo-po nhấn mạnh rằng Ủy ban Chứng khoán và HKMA Hồng Kông luôn bảo đảm giám sát thị trường. Ngành ngân hàng nắm giữ gần nghìn tỷ Đô la Hồng Kông của các quỹ ngoại tệ có tính thanh khoản cao, HKMA có dự trữ ngoại hối 4.000 tỷ Đô la Hồng Kông để hỗ trợ ổn định tài chính và tiền tệ.

Còn bà Julia Leung (Lương Phụng Nghĩa), Phó giám đốc điều hành Ủy ban Chứng khoán Hồng Kông lại nhận định, cơ quan này luôn yêu cầu giới chứng khoán duy trì tính thanh khoản dồi dào, tình hình hiện nay rất tốt.

Một diễn biến khác, hôm 07/8 ông Joseph Yam (Nhậm Chí Cương), cựu Giám đốc Cơ quan tiền tệ Hồng Kông, hiện là thành viên Hội đồng Điều hành Hồng Kông cho biết, việc Mỹ đưa Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ có thể biến cuộc chiến thương mại thành cuộc chiến tài chính tiền tệ, qua đó ám chỉ rằng Hồng Kông có thể trở thành một chiến trường trong cuộc chiến này. Ông đặc biệt nhắc nhở cần phải chú ý về khả năng hoạt động thao túng thị trường.

Nhật báo Kinh tế Hồng Kông đưa tin, ông Joseph Yam đã phân tích vũ khí, quân sự và chiến trường giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc chiến tài chính tiền tệ. Ông hình dung Mỹ có vị trí thống lĩnh trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế, do đó Mỹ sở hữu “vũ khí hạng nặng”, như hệ thống thanh toán bằng USD. Về quân sự, Mỹ có nhóm diều hâu đầy uy lực ở Phố Wall; dù các tổ chức tài chính Trung Quốc có sức mạnh nhất định trên thị trường tài chính quốc tế, nhưng có thể vẫn phải chịu chi phối trong giao dịch thanh khoản bằng USD.

“Phao cứu sinh” Hồng Kông đang hụt hơi

Gần đây, hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường phản đối việc sửa đổi pháp lệnh Luật dẫn độ. Làn sóng phản đối này chính là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hồng Kông kể từ năm 1997. Do hiện khối lượng tiền lớn chảy ra khỏi Hồng Kông khiến nhu cầu về Đô la Hồng Kông giảm và tỷ giá đồng Đô la Hồng Kông suy yếu theo. Dữ liệu cho thấy, trong tháng vừa qua tỷ giá Đô la Hồng Kông đã giảm hơn 373 điểm cơ bản. Kể từ đầu tháng 8/2019 đến nay, tỷ giá đô la Hồng Kông đã tích lũy được hơn 80 điểm cơ bản. Thông tin mới nhất cho thấy quy đổi Đô la Hồng Kông so với đồng USD là 7,8391, gần mức trao đổi yếu 7,85.

Trong một thông tin gần đây, Bloomberg cho hay, trước khi diễn ra biểu tình phản đối Luật dẫn độ, Hồng Kông cũng đã phải đối mặt với vấn đề suy thoái nền kinh tế trong suốt cả năm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, chuyên gia Iris Peng, nhà kinh tế Đại Trung Hoa (chỉ toàn bộ Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) thuộc Tập đoàn Quốc tế Hà Lan (ING Bank NV) có trụ sở tại Hồng Kông, nhận định cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Hồng Kông. Đồng thời chiến dịch biểu tình cũng tác động lớn đến thị trường tiêu dùng và việc làm, gây thiệt hại cho nền kinh tế Hồng Kông. Như vậy Hồng Kông đang chịu hai cú đánh cùng lúc.

Hôm 06/8 Đài RFA (Châu Á Tự Do) đưa tin, ông Tô Tắc, giảng viên tài chính quốc tế tại Đại học Bắc Kinh trong một cuộc phỏng vấn đã nhận định rằng nếu quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây suy thoái, một hệ quả tất yếu là chính quyền Bắc Kinh sẽ mong muốn tìm được lối thoát tại khu vực Hồng Kông, nơi thị trường tài chính tự do và cởi mở. Nhưng ông Tô Tắc cũng phân tích, tình hình Hồng Kông hiện đang khiến Bắc Kinh cảm thấy đau đầu: “Nếu hành động cứng rắn giống như sự kiện Thiên An Môn năm 1989 sẽ gây kinh động quốc tế, áp lực sẽ quá lớn. Nếu phá hỏng địa vị cảng tự do của Hồng Kông sẽ không có lợi cho lợi ích tổng thể của Trung Quốc. Vì vậy hiện nay chính phủ trung ương chỉ tăng cường răn đe.”

Một học giả tài chính Trung Quốc khác là ông Hạ Giang Binh chỉ ra, nếu sự hỗn loạn hiện tại ở Hồng Kông tiếp tục kéo dài sẽ làm lung lay vị thế cảng tự do và trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông. Gần đây, khi giới chức chính quyền trung ương ngày càng tung ra nhiều ngôn luận cứng rắn, nhiều người không khỏi suy đoán Bắc Kinh sẽ còn giữ được bao nhiêu kiên nhẫn về tình hình Hồng Kông?

Tuyết Mai

Xem thêm: