Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chọn một vận động viên Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương làm người mang đuốc tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh ngày 4/2, sự sắp xếp này đã làm dấy lên một làn sóng lên án. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc cho biết hôm Chủ nhật (6/2), động thái này là một nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đánh lạc hướng khỏi cuộc đàn áp chủng tộc đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

Embed from Getty Images

Ngày 4/2/2022, tại lễ khai mạc Olympic Mùa đông Bắc Kinh, vận động viên người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Dinigeer Yilamujiang (trái) và Triệu Gia Văn (Zhao Jiawen) được chọn là người mang đuốc. (Ảnh: Antonin Thuillier / AFP qua Getty Images)

Dinigeer Yilamujiang, vận động viên 20 tuổi, niềm hy vọng huy chương vàng của bộ môn trượt tuyết băng đồng Trung Quốc, là người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Cô được chọn là một trong hai vận động viên cầm đuốc cuối cùng khai mạc Thế vận hội. Điều này ngay lập tức khiến cô trở thành tâm điểm chú ý.

Khoảnh khắc Yilamujiang xuất hiện trên màn ảnh TV khắp thế giới và trước mặt khán giả tại sân vận động quốc gia Tổ Chim, rõ ràng mọi người chỉ quan tâm đến những thông điệp chính trị.

Sau khi Yilamujiang thắp đuốc, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tiếp lên Twitter đăng lại đoạn video gia đình cô xem lễ khai mạc và vỗ tay.

Bắc Kinh muốn tận dụng sự kiện Thế vận hội Mùa đông để thu hút sự chú ý đến vai trò toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và cải thiện hình ảnh của họ, nhưng lại bác bỏ mọi cáo buộc ngược đãi hoặc diệt chủng, đồng thời kêu gọi các nhà phê bình ngừng “chính trị hóa” Thế vận hội.

Bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc nhận định trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “State of the Union” của CNN hôm Chủ nhật, Trung Quốc quyết định để một vận động viên Duy Ngô Nhĩ thắp lên ngọn đuốc Olympic trong Thế vận hội Bắc Kinh, nhằm đánh lạc hướng chú ý khỏi cuộc diệt chủng của chính quyền Trung Quốc nhằm vào các nhóm thiểu số Hồi giáo.

Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính, có tới 2 triệu người bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương kể từ năm 2017. Tuy nhiên, Trung Quốc lại khẳng định đây là các “trung tâm đào tạo nghề”, nhằm “chống khủng bố và ly khai”, đồng thời bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực này.

Bà Thomas-Greenfield nói: “Đây là việc Trung Quốc (ĐCSTQ) cố gắng đánh lạc hướng chúng ta khỏi các vấn đề thực tế đang diễn ra.”

Bà cũng cảnh báo, các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ phải tiếp tục là tâm điểm chú ý. “Chúng ta biết có một vụ diệt chủng đang xảy ra ở đó”, bà nói, “Chúng ta đã nói rõ rằng tội ác chống lại loài người đang xảy ra ở Trung Quốc.”

Bà Thomas-Greenfield cũng lưu ý, điều quan trọng là những khán giả đã tham dự và theo dõi buổi lễ rước đuốc Olympic phải hiểu rằng điều này không thể loại bỏ “những gì chúng ta biết đang xảy ra tại đây.”

“Chúng ta phải đảm bảo sẽ tiếp tục nêu lên những lo ngại về (vi phạm nhân quyền) đang xảy ra ngay tại Trung Quốc”, bà nói thêm.

Hoa Kỳ, Úc, Canada và Vương quốc Anh đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Mùa đông Bắc Kinh, trong nỗ lực phản đối vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ.

Ông Mã Hải Vân (Ma Haiyun), phó giáo sư tại Đại học Bang Frostburg ở Maryland, kiêm chuyên gia về Tân Cương bình luận, Bắc Kinh đã chọn người mang đuốc để gửi đi một thông điệp chính trị: “Bằng cách chọn một vận động viên Duy Ngô Nhĩ thắp đuốc, Trung Quốc đang đáp lại những lời chỉ trích của phương Tây về tội ác diệt chủng, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và Hán hóa các dân tộc thiểu số  của Trung Quốc (ĐCSTQ).”

“Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ tác động nhiều đến phương Tây”, ông Mã Hải Vân cho biết, họ có xu hướng nghĩ rằng ĐCSTQ chủ yếu đang “phô trương”.

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: