Cách đây 10 năm, người Mỹ đã biết ông Tập Cận Bình sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo đảng thế hệ thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vậy nên, từ lâu họ đã thu thập thông tin tình báo để nghiên cứu và đánh giá xem Tập Cận Bình là người như thế nào.

Bài viết chuyển thể từ video của kênh YouTube Đông Phương, thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.

tap can binh shutterstock 1353005387
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO / Shutterstock).

Năm 2011 tờ Washington Post mô tả Tập Cận Bình, khi đó là Phó chủ tịch nước Trung Quốc là: thiết thực, bộc trực, thận trọng, cứng nhắc, không khoa trương. Người ta nói rằng ông ta thích các bộ phim Mỹ như “Saving Private Ryan” (Giải cứu binh nhì Ryan), “The Godfather” (Bố già), “The Departed” (Điệp vụ Boston), và phim truyền hình “Game of Thrones” (Trò chơi vương quyền). Ông Tập cũng thích bóng đá, bơi lội, leo núi, đi bộ. Hồi năm 2011 khi gặp các chính trị gia Mỹ, ông Tập đã gợi ý vấn đề tổng thống đắc cử nắm giữ quyền lực quân sự, bày tỏ quan điểm về cuộc cách mạng màu ở Trung Đông, đề cập đến người cha Tập Trọng Huân.

Trong chuyến thăm Mỹ năm 2012, ông Tập tỏ ra là người rất phóng khoáng khi trò chuyện với các du học sinh Trung Quốc, xem bóng rổ và chụp ảnh cùng Magic Johnson ở Los Angeles. Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá rằng so với Hồ Cẩm Đào, mặc dù ông Tập Cận Bình tỏ ra tự tin hơn và không che giấu quan điểm của mình, nhưng giống như những người tiền nhiệm, ông Tập khao khát sẵn sàng tiến xa hơn với Mỹ, hội nhập sâu hơn vào trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu, thúc đẩy cải cách kinh tế, thậm chí đi xa hơn là có thể khởi động cải cách chính trị.

Hiện giờ nhìn lại, đây là đánh giá sai lầm lớn nhất của Mỹ đối với ĐCSTQ kể từ thời Chiến tranh Lạnh (1947).

Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh con đường tập quyền, nhấn mạnh uy quyền cá nhân, thách thức trật tự và cấu trúc quốc tế bằng mô hình quản trị của ĐCSTQ. Trong mô hình tập quyền ĐCSTQ, kể từ sau Mao Trạch Đông, ông Tập đã trở thành nhà lãnh đạo thâu tóm được nhiều quyền lực nhất, đã là Chủ tịch nước có nhiệm kỳ trọn đời. Ông ta thúc đẩy “Trung Hoa mộng”, mở rộng sức mạnh quân sự, mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương, thúc đẩy cải tạo hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và chấm dứt nguyên tắc “một nước, hai chế độ” trước thời hạn đối với Hồng Kông. Trong khi cả thế giới đang bận rộn đối phó với căn bệnh truyền nhiễm do virus Trung Cộng (còn gọi là coronavirus mới, COVID-19) gây ra, thì chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc dưới lớp vỏ công nghệ cao dường như thay thế hệ thống quốc tế tư bản dân chủ và tự do. Tỷ lệ công chúng Trung Quốc Đại Lục ủng hộ ông Tập không phải là thấp, điều này chủ yếu là do thông tin truyền thông một chiều do ĐCSTQ định hướng, quảng bá hình ảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định, loại bỏ tham nhũng, loại bỏ nghèo đói và thậm chí đã đánh bại được virus Trung Cộng. Ông Tập Cận Bình muốn xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới, nhào nặn hình ảnh bản thân ông ta là lãnh đạo của cường quốc số một này.

Thực tế không chỉ Mỹ đánh giá sai về ông Tập Cận Bình mà cả giới quan chức Trung Quốc cũng đánh giá sai về ông Tập. Một trong những đánh giá sai lớn nhất là tin tưởng Tập Cận Bình giống như người cha Tập Trọng Huân của ông ta: về mặt kinh tế sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế thị trường và về mặt chính trị sẽ chống lại chế độ độc tài. Nhận thức phổ biến trong quan trường ĐCSTQ là quá trình trưởng thành thời trẻ giúp định hình nên ông Tập ngày nay. Là con của một cán bộ cấp cao, cuộc sống thời nhỏ của ông Tập được ưu đãi, vào học trường cán bộ cấp cao và sống trong khu nhà của cán bộ cấp cao. Nhưng đến năm 1962 sự nghiệp chính trị của ông Tập Trọng Huân bị lật đổ, lúc đó ông Tập Cận Bình mới 9 tuổi, bốn năm sau ĐCSTQ bắt đầu mở “Cách mạng Văn hóa” khiến gia đình họ Tập trở thành mục tiêu bị thanh trừng, toàn gia đình bị đẩy đi vùng xa xôi trong thời gian dài 13 năm, thời kỳ này ông Tập Cận Bình từng tuyên bố cắt đứt quan hệ cha con với ông Tập Trọng Huân, ba lần phải ngồi tù. Giới nghiên cứu am hiểu tình hình cho rằng chính trải nghiệm tuổi thơ đó đã khiến ông Tập lo sợ biến động và hỗn loạn xã hội, không tin vào các quan chức cấp cao. Nhưng giống như người cha, ông Tập cho thấy vẫn nuôi hy vọng đối với ĐCSTQ, cho rằng lỗi là ở những thân tín của ông Mao Trạch Đông. Sau Cách mạng Văn hóa, ông Tập Trọng Huân được phục chức và đã lãnh đạo cải cách kinh tế, nhưng vào cuối những năm 1980 đã bị loại khỏi trung tâm quyền lực. Giới am tường tình hình tiết lộ rằng chính điều này đã củng cố quan điểm của ông Tập Cận Bình về vấn đề “thắng làm vua thua làm giặc” trong chính trị, và rằng khi yếu thế phải biết giấu mình. Quan điểm này đã rõ ràng sau khi ông Tập lên nắm quyền và thúc đẩy thanh trừng đối thủ chính trị dưới danh nghĩa chống tham nhũng, không cổ vũ thúc đẩy kinh tế thị trường, cho rằng kinh tế thị trường là hiểm họa cho uy quyền của ĐCSTQ.

Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd đã nhiều lần gặp ông Tập Cận Bình, lần gần đây nhất là vào tháng 11/2019, ông Rudd có nhận định trong thâm tâm ông Tập cổ xúy chế độ độc tài ĐCSTQ, không ưa bất kỳ hình thức chuyển giao quyền lực hòa bình nào. Từ những gì ông Tập trải nghiệm, ông ta từng là kẻ gặp nạn trước quyền lực độc tài của Mao Trạch Đông, nhưng ông ta lại nỗ lực thúc đẩy mô hình của Mao, xem đó là nền tảng để củng cố quyền lực cá nhân ông ta. Năm 1968, để lập lại trật tự xã hội do Hồng vệ binh làm rối loạn, ông Mao Trạch Đông đã đưa ra chính sách di tản người về vùng sâu vùng xa. Hồi đó, ông Tập Cận Bình ở tuổi 15 đã bị đày đến Lương Gia Hà và đã có thời gian dài 7 năm lưu trú tại đó làm những việc chân tay khổ nhọc như đào giếng, làm ruộng, chăn nuôi, thường xuyên bị đói, cũng không có trường để đi học. Nhưng sau khi lên nắm quyền thì ông Tập Cận Bình lại so sánh bản thân mình với Mao Trạch Đông, thích nhắc lại quãng đời trải nghiệm tại Lương Gia Hà.

Năm 1975, ông Tập được cử đi học đại học tại Bắc Kinh vì chính sách đối với con cái của giai cấp công nông binh, ông ta theo học chuyên ngành kỹ thuật hóa học. Năm 1979 khi ĐCSTQ bắt đầu cải cách kinh tế thì đông đảo con cháu giới các cán bộ cấp cao trước đây đều tranh thủ cơ hội lao vào thương trường làm giàu, nhưng ông Tập lại chọn con đường làm chính trị. Sau khi trở thành lãnh đạo đời thứ năm của ĐCSTQ, ông Tập không chỉ kế thừa chức tước và danh hiệu của lãnh đạo ĐCSTQ đời thứ nhất là Mao Trạch Đông, mà còn áp dụng nhiều thủ đoạn chính trị của Mao, vì lo ngại làm ngược sẽ tổn hại nền tảng cầm quyền của ĐCSTQ, giống như hậu quả từ trường hợp Liên Xô trước đây đối với con đường của Stalin. Do đó, ông Tập thẳng tay thanh trừng những người bất đồng chính kiến, ​​không cho phép tiếng nói phản biện lên án, khiến nhiều người Trung Quốc cảm thấy như ĐCSTQ đang thúc đẩy “Cách mạng Văn hóa” lần thứ hai. Biện pháp quản chế nghiêm ngặt của họ Tập được gia cố dựa vào công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, ông ta tin rằng công nghệ cao có thể giúp kiểm soát chặt chẽ như mong đợi, đây là điều không có được trong thời ông Mao Trạch Đông.

Cuộc đời binh nghiệp cũng đã định hình lối suy nghĩ của ông Tập Cận Bình. Năm 1979, với sự giúp đỡ của ông Tập Trọng Huân, ông Tập Cận Bình được làm thư ký cho Cảnh Bưu trong ba năm thời ông Cảnh Bưu giữ chức Phó thủ tướng kiêm Tổng thư ký Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, nhậm thêm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 1981. Thời gian này đã giúp ông Tập có trải nghiệm gần gũi hơn về chính trị, quân sự và các mối quan hệ quốc tế, đã được tháp tùng ông Cảnh Bưu trong những chuyến thăm châu Âu, trải nghiệm quan hệ Mỹ – Trung, lĩnh hội đến trung tâm quyền lực của quân đội ĐCSTQ. Thời điểm đó quan hệ Mỹ – Trung vừa được bình thường hóa thì đã xảy ra trận chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc, bất phân thắng bại. Nhiệm vụ của ông Cảnh Bưu khi đó là thúc đẩy hợp tác quân sự Mỹ – Trung nhằm chống lại Liên Xô. Năm 1980, Cảnh Bưu đến thăm Mỹ và đàm phán mua vũ khí, nhưng Mỹ chỉ đồng ý bán vũ khí không sát thương, đồng thời tiếp tục cam kết bảo vệ Đài Loan, bán vũ khí cho Đài Loan. Từ chuyện này, ông Tập Cận Bình nhận thức được trước mắt hợp tác với Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho hai bên nhưng về lâu dài thì giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ xung đột lợi ích và sớm muộn sẽ xảy ra đối đầu.

Sau khi rời khỏi quân đội, ông Tập Cận Bình từng có 25 năm làm quan chức địa phương, đến năm 2007 tham gia Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và dường như lúc này đã định hình nên tư tưởng quyền lực mang tính độc đoán của ông ta. Năm 2011, ông Tập đã gặp ông Biden trong vai trò khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, khi nói về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và cuộc cách mạng màu ở Trung Đông thì ông Tập cho rằng gốc rễ nằm ở xa rời người dân và không xử lý được nạn tham nhũng. Một quan chức Mỹ tham dự cuộc họp khi đó là ông Russell có chỉ ra khuôn khổ tư duy của ông Tập Cận Bình đã quá rõ ràng, ông ta không chỉ cổ xúy việc Trung Quốc phải nằm dưới nền chính trị toàn trị ĐCSTQ mà còn cổ xúy bản thân ĐCSTQ cần một nhà độc tài thống trị. Bây giờ cộng đồng quốc tế đều hiểu rõ, dù ĐCSTQ không công khai việc họ muốn thúc đẩy mô hình toàn trị của họ ra thế giới nhưng hàm ý đó là không thể chối cãi. Cộng đồng quốc tế cần làm gì để ngăn chặn? Trong bài  sau tôi sẽ có nhận định về chủ đề này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

Đông Phương, Vision Times tiếng Trung
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của ​​cá nhân tác giả)

Xem thêm: