Ngày 5/1, Tổng cục Quản lý và Giám sát thị trường Trung Quốc công bố, họ đã ra 13 lệnh trừng phạt một số công ty công nghệ như Tencent và Alibaba. Động thái “không nhẹ” ngay đầu năm này khiến giới quan sát có nhận định cho rằng năm 2022 chính quyền Trung Quốc sẽ quản lý nghiêm ngặt hơn đối với các công ty công nghệ, Internet và thị trường vốn.

shutterstock 313852031
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Trang web của Tổng Cục Quản lý và Giám sát thị trường Trung Quốc ngày 5/1 đã có thông báo quyết định xử phạt hành chính đối với 13 trường hợp doanh nghiệp vi phạm trong vấn đề khai báo hoạt động liên quan đến các công ty lớn như Tencent, Alibaba, Bilibili, JD.com. Thông báo cho thấy, Tencent liên quan đến 9 vụ, Alibaba liên quan đến 2 vụ, Bilibili và JD mỗi bên liên quan 1 vụ. Các bên liên quan trong mỗi vụ việc bị phạt 500.000 nhân dân tệ. Những trường hợp này bao gồm việc thành lập liên doanh giữa Tencent và Harmony (Hà Nam), Bilibili mua lại cổ phần VERSA, Ali Venture Capital (Hàng Châu) mua lại cổ phần của Pan-Asia (Quý Châu).

Hiệu ứng của ngày “thứ tư đen”

Tác động từ thông tin của cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán Hồng Kông có ngày “thứ tư đen”: chỉ số Hang Seng đóng cửa giảm 1,6% và chỉ số Doanh nghiệp nhà nước Hang Seng đóng cửa vào mức thấp mới kể từ năm 2016 khi sụt giảm 2%. Đặc biệt là lĩnh vực công nghệ Hồng Kông dẫn đầu đà lao dốc: chỉ số Công nghệ Hang Seng đóng cửa giảm 4,6% và tiếp tục chạm mức thấp mới, đồng thời ghi nhận mức giảm trong một ngày cao nhất trong 5 tháng qua.

Theo một nguồn tin của Reuters vào ngày 5/1, ông Chen Jinxing – Giám đốc Nghiên cứu của Phòng nghiên cứu Emperor Capital nhận định: “Nhìn chung gần đây xu hướng suy yếu từ năm ngoái đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vẫn tiếp tục và không có nhiều cải thiện, cho nên thông tin của cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc làm vấn đề nghiêm trọng hơn.”

Cơ quan xếp hạng Morningstar nổi tiếng đã cho biết trong một báo cáo, từ quý 3 năm ngoái giới quản lý quỹ hàng đầu ở Mỹ đã bắt đầu giảm đầu tư vào cổ phiếu của các công ty bị ảnh hưởng bởi các quy định quản lý mới của Trung Quốc, ví dụ cổ phần của họ trong Alibaba đã giảm khoảng 13%, ngoài ra chứng chỉ lưu ký (ADR) của Alibaba tại Mỹ có tính thanh khoản cao đã được chuyển đổi thành cổ phiếu của Alibaba Hồng Kông để bảo vệ khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết.

Morningstar còn chỉ ra, trong số các công ty Trung Quốc thì Tencent phải chịu đợt bán tháo lớn nhất trong quý 3 năm ngoái, ước tính các nhà quản lý quỹ hàng đầu của Mỹ đã bán tổng cộng 4 tỷ USD cổ phiếu Tencent khiến lượng cổ phiếu nắm giữ của họ giảm hơn 20%, trong đó 15 quỹ đã thanh lý hết cổ phần tại Tencent.

Báo cáo của Morningstar lưu ý: “Đối với một số nhà quản lý quỹ, những quy định quản lý mới này ở Trung Quốc đã thay đổi quy tắc của trò chơi.”

“Vật tế thần” cho nhu cầu cấp bách của nhà cầm quyền?

Nhóm “Chính trị và Kinh tế Tianjun” của người Hoa tại Mỹ đã công bố bài bình luận “Năm 2022 là một bước ngoặt quan trọng, Tập Cận Bình ngồi trên miệng núi lửa”.  Bài viết chỉ ra, năm 2022 là một năm có tính cột mốc vì vấn đề lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không thể quay đầu trong kế hoạch duy trì quyền lực tại Đại hội 20. Để vượt qua những khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng các lĩnh vực khác; để đối nội dùng quân đội và công an triệt tiêu bất đồng chính kiến ​​và đàn áp dân chúng, còn đối ngoại bằng vũ lực răn đe và mua chuộc các chính phủ và công ty từ các nước khác, tất cả đều cần tiền. Do tầm quan trọng cấp bách của vấn đề tài chính nên cần những công ty lớn và những người giàu giúp thúc đẩy “thịnh vượng chung”, tính cấp bách của vấn đề này cũng khiến số lượng và số tiền phạt đối với các công ty lớn và người nổi tiếng ngày càng tăng.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế hồi tháng trước, ông Tập Cận Bình đã phát biểu: nguồn vốn cần phải phát huy tích cực vào yếu tố sản xuất, đồng thời kiểm soát hiệu quả vai trò tiêu cực của nó. Cần phải bố trí đèn tín hiệu đỏ đối với nguồn vốn, tăng cường giám sát hiệu quả vốn, ngăn chặn biến thái của nguồn vốn.

Bài viết của “Kinh tế chính trị Tianjun” chỉ ra rằng có thể thấy trước vào năm 2022 nhà chức trách Trung Quốc chắc chắn sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và lĩnh vực tài chính; đồng thời với cái gọi là “Luật An ninh mạng”“Luật An ninh Dữ liệu”, có thể nhà cầm quyền sẽ tăng cường lượng hồ sơ xử phạt, thậm chí chia tách đối với một số tập đoàn lớn để kiểm soát các hoạt động dữ liệu thông tin và tài chính của họ.

Trong khi các công ty công nghệ và Internet của Trung Quốc liên tục bị các cơ quan quản lý đàn áp thì Chính phủ lại bồi thêm “liên hoàn cước” về việc thẩm tra vấn đề an ninh mạng và thuật toán: ngày 4/1 vừa qua Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia Trung Quốc đã cùng 12 cơ quan liên quan khác công bố “Luật Thẩm tra An ninh mạng”.

Nhưng các công ty công nghệ và Internet của Trung Quốc không chỉ nằm trong tầm ngắm của những cơn bão quy định tại Trung Quốc, còn phải đối mặt với những khốn khó khác như việc Fed đẩy nhanh việc tăng lãi suất, căng thẳng chính trị Mỹ – Trung, v.v.

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: