Ngày 27/9, ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, cần duy trì và bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, duy trì và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng nhà ở, đồng thời cũng bơm thêm nhiều tiền mặt vào hệ thống ngân hàng. Tại kỳ họp thường kỳ Quý 3 năm 2021 của Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được tổ chức vào ngày 24/9, hiện trạng và hướng đi của thị trường bất động sản Trung Quốc do tác động bởi nguy cơ vỡ nợ của ‘gã khổng lồ’ bất động sản – Evergrande Group (Tập đoàn Hằng Đại) cũng đã trở thành trọng điểm thảo luận của cuộc họp.

shutterstock 1785708689
Bức ảnh chụp từ trên không vào ngày 17/9/2021, cho thấy khu dân cư của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande (Hằng Đại) tại Hoài An, tỉnh Giang Tô ở miền đông Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Cũng trong cùng ngày 27/9, cơ quan quản lý tài chính thành phố Thâm Quyến tuyên bố khởi động điều tra công ty tài chính Evergrande Wealth (Hằng Đại Tài Phú) thuộc Evergrande Group (Tập đoàn Hằng Đại). Reuters đưa tin đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền sẽ áp dụng biện pháp để ngăn Evergrande sụp đổ dẫn đến hiệu ứng lây lan. 

Tập đoàn Evergrande, vốn từng nổi tiếng với việc đi vay và xây dựng quy mô lớn, nay đã trở thành điển hình cho khủng hoảng nợ và thậm chí là vỡ nợ của các nhà phát triển trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc chấn chỉnh thị trường bất động sản.

Theo Reuters đưa tin, Cục Quản lý Tài chính Thành phố Thâm Quyến đã tuyên bố trong một lá thư gửi các nhà đầu tư rằng, “Sau khi lắng nghe ý kiến của công chúng về Evergrande, các cơ quan liên quan của chính quyền thành phố Thâm Quyến đã tiến hành điều tra triệt để các vấn đề liên quan đến công ty này.”

Trong thư của Cục Quản lý Tài chính thành phố Thâm Quyến còn yêu cầu Evergrande Group và Evergrande Wealth bồi thường cho nhà đầu tư. 

Ngày 10/9, sau khi có tin Evergrande Wealth sắp sụp đổ, hàng trăm nhà đầu tư đến từ các nơi ở khắp Trung Quốc đã đến trụ sở của công ty này tại Thâm Quyến để biểu tình, họ hô lớn các khẩu hiệu “Evergrande trả lại tiền” “Trả lãi tiền mồ hôi nước mắt của tôi”, v.v. Ngoài trụ sở chính tại Thâm Quyến ra, các chi nhánh tại hơn 10 thành phố như Thượng Hải, Thành Đô, Trùng Khánh, v.v, của Evergrande Wealth cũng đều có những nhà đầu tư và nhân viên tổ chức hoạt động biểu tình. 

Evergrand
Ngày 10/9, các nhân viên của Evergrande đã tập trung trước trụ sở công ty đòi lại tiền lương “mồ hôi nước mắt” của mình. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video)

Tại cuộc họp sau đó của công ty, Chủ tịch Tập đoàn Evergrande – ông Hứa Gia Ấn đã cam kết, tất cả các sản phẩm quản lý tài chính của Evergrande Wealth đã đến kỳ hạn sẽ được sớm trả hết toàn bộ, một đồng cũng không thể thiếu. Ông còn tuyên bố, “Tôi có thể hai bàn tay trắng, nhưng nhà đầu tư của Evergrande Wealth không thể hai bàn tay trắng.”

Chính quyền thành phố Thâm Quyến đã ra quyết định điều tra Evergrande Wealth sau khi chứng kiến ​​các cuộc biểu tình của nhà đầu tư cũng như nhận được kiến ​​nghị từ các nhà đầu tư.

Thông cáo báo chí do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra sau cuộc họp thường kỳ Quý 3 của Ủy ban Chính sách Tiền tệ đã không đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Tuy nhiên, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới đã quá hạn thanh toán lãi trái phiếu vào tuần trước. Tuần này, lại có thêm một thời điểm nhạy cảm khi lãi trái phiếu cần phải trả đáo hạn. Cam kết “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nhà ở” dường như khiến thị trường nghe thấy hồi đáp mà nó mong muốn nghe được.

Tổng số nợ của Tập đoàn Evergrande lên tới 305 tỷ đô la Mỹ khiến người ta lo ngại về việc liên lụy đến toàn bộ hệ thống tài chính của Trung Quốc và thậm chí là ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nỗi lo này hiện tại đã dịu đi phần nào, bởi người ta phát hiện ra rằng các khoản nợ xấu của Tập đoàn Evergrande hiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Ông Sheldon Chan, Giám đốc Chiến lược Tín dụng và Nợ khu vực Châu Á của T. Rowe Price, nói với Reuters, “Chúng tôi mong đợi bất kỳ tác động nào đối với hệ thống ngân hàng đều nằm trong tầm kiểm soát, và chính phủ sẽ tập trung vào những tác động xã hội của những tài sản chưa hoàn thiện đó”.

Nhà phân tích của T. Rowe Price cho rằng, nhà cung cấp nợ của Evergrande và những người nắm giữ trái phiếu của Evergrande ở Trung Quốc sẽ được ưu tiên nhận được bồi thường hơn so với người nắm giữ trái phiếu đô la Mỹ.

Giá giao dịch trái phiếu đô la Mỹ của Tập đoàn Evergrande hôm 27/9 cũng phản ánh hiện thực này, giá giao dịch 1 đô la Mỹ trái phiếu là 30 cent. 

Reuters đưa tin nhấn mạnh, dư luận hiện quan tâm Evergrande có thể trả trái phiếu đáo hạn trị giá 47,5 triệu đô la Mỹ vào ngày 29/9 hay không, và chẳng may Evergrande sụp đổ đóng cửa, thì chính quyền Trung Quốc liệu có năng lực quản lý và kiểm soát ảnh hưởng và tổn thương do Evergrande sụp đổ gây ra hay không. 

Biểu hiện không tốt của Hằng Đại hiện nay trong việc thanh toán các khoản nợ của nhà cung cấp và bán tài sản, đã ảnh hưởng đến niềm tin của người mua nhà và gây ra làn sóng giảm giá trong toàn ngành bất động sản. Điều này cho thấy toàn bộ ngành bất động sản ít nhất sẽ bị co lại.

Reuters trích dẫn một báo cáo của bà Lưu Lập Nam (Liu Linan), chiến lược gia cấp cao tại Deutsche Bank cung cấp cho khách hàng, cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, các vấn đề tín dụng tiềm ẩn của Evergrande chính là việc áp dụng quy tắc ‘kẻ sống sót phù hợp nhấttrong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.”

Bà Lưu Lập Nam nói: “Mặc dù việc cho phép các công ty nhỏ và yếu trong ngành bất động sản thoát ra một cách có trật tự là rất khó, nhưng lại là điều cần thiết để cải thiện các điều kiện đòn bẩy tổng thể của ngành và thực hiện tiếp đất mềm”.

Đồng thời, Reuters còn dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng Chính phủ Trung Quốc đang thuyết phục các nhà phát triển bất động sản do chính phủ sở hữu hoặc hỗ trợ như Tập đoàn Vạn Khoa (Wanke Group) tiếp tục và mua một số tài sản đang gặp khó khăn của Tập đoàn Evergrande.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, việc cho phép Tập đoàn Evergrande bán một số tài sản đang gặp khó khăn của mình có thể ngăn chặn hoặc ít nhất giảm bớt tình trạng bất ổn xã hội có thể gây ra bởi sự phá sản và sụp đổ đột ngột của Evergrande. Trên thực tế, một số công ty thuộc sở hữu của chính phủ đã hoàn thành việc thẩm định đối với một số tài sản nhất định của Evergrande ở Quảng Châu.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Quảng Châu sắp tiếp quản Sân bóng đá Evergrande Quảng Châu đang được xây dựng và các dự án nhà ở xung quanh từ Evergrande. Sân bóng có vốn đầu tư 12 tỷ nhân dân tệ, được thiết kế với sức chứa 100.000 khán giả, sau khi hoàn thành nó sẽ trở thành sân bóng có sức chứa khán giả lớn nhất thế giới.

Nguồn tin chỉ ra rằng chính phủ phải xem xét “các yếu tố chính trị và thương mại” khi “bố trí” việc tiếp quản tiềm năng các tài sản lớn của Evergrande ở Quảng Châu, và chính phủ không muốn chỉ thấy một số công ty đấu thầu tài sản của Evergrande.

Reuters đã từng liên hệ với Tập đoàn Evergrande và Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Quảng Châu để đưa ra bình luận, nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.

Reuters dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á Masatsugu Asakawa cho biết, kinh nghiệm của Tập đoàn Evergrande cho thấy lạm phát giá bất động sản đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. Một khi Evergrande sụp đổ, nó sẽ mang đến hậu quả nghiêm trọng cho vấn đề tài vụ và dự toán chi tiêu của chính quyền địa phương. 

Trong cuộc họp báo trực tuyến trước đó, ông Masatsugu Asakawa cho biết, “Tôi không cho rằng vấn đề của một công ty riêng lẻ sẽ mang đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu giống như sự sụp đổ của Lehman Brothers.”

Ông Masatsugu Asakawa nói, Chính phủ Trung Quốc cho thấy họ chuẩn bị sẵn sàng quản lý và kiểm soát những hiệu ứng tiềm ẩn có thể xảy ra sau khi Evergrande có khả khả năng sụp đổ, hơn nữa Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cung cấp ngắn hạn lượng lớn tiền mặt cho thị trường. Ông còn cho biết, huống hồ Tập đoàn Evergrande đã nắm giữ đủ tài sản, có thể trả nợ sau khi bán những tài sản đó đi.

Theo Tùng Nhân, VOA

Xem thêm: