Ba “gã khổng lồ” công nghệ gồm Facebook, Twitter và Google đã cảnh báo chính phủ Hồng Kông rằng họ có thể ngừng cung cấp dịch vụ nếu các chính sách sửa đổi luật bảo vệ dữ liệu bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành vi chia sẻ thông tin “độc hại” của người dùng.

shutterstock 1825730168
(Ảnh minh họa: Ascannio/Shutterstock)

Vào tháng 5, Văn phòng Các vấn đề Đại lục và Hiến Pháp Hồng Kông đã đề xuất sửa đổi luật bảo vệ dữ liệu của thành phố này sau khi tình trạng tiết lộ công khai thông tin cá nhân trên Internet (doxing) trở nên phổ biến trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019. Mức hình phạt đề xuất lên đến 1 triệu đô la Hồng Kông, tương đương khoảng 128.800 đô la Mỹ, và án tù lên đến 5 năm.

Theo tờ Wall Street Journal đưa tin, vào tháng 6, nhóm 3 công ty công nghệ lớn gồm Facebook, Twitter và Google đã gửi một bức thư từ tổ chức Liên minh Internet Châu Á có trụ sở tại Singapore tới Cao ủy Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân của Hồng Kông. Nhóm này đã nhắn với chính phủ Hồng Kông rằng: “Cách duy nhất để các công ty công nghệ không phải đối mặt với những lệnh trừng phạt này là ngừng đầu tư và cung cấp dịch vụ ở Hồng Kông.”

Giám đốc Liên minh, ông Jeff Paine cũng viết rằng mặc dù các thành viên trong nhóm phản đối hành vi “doxing”, tuy nhiên những điều khoản trong luật sửa đổi có thể khiến các trụ sở và nhân viên của họ tại Hồng Kông bị điều tra hình sự và bị truy tố về tội tiết lộ thông tin cá nhân trên nền tảng web của công ty. Ông Jeff nhận định điều này là một phản ứng “hoàn toàn khập khiễng và không cần thiết.”

Liên minh cũng cảnh báo rằng luật sửa đổi có thể hình sự hóa “các hành vi chia sẻ thông tin trực tuyến vô hại” và cản trở quyền tự do ngôn luận. Tổ chức này đề nghị xây dựng một định nghĩa rõ ràng hơn về thế nào là hành vi phạm tội.

Đại diện của Facebook, Twitter và Google từ chối bình luận về bức thư và không công ty nào tiết lộ họ có bao nhiêu nhân viên làm việc tại Hồng Kông. Các nhà phân tích ước tính tổng số nhân viên tại địa phương của 3 công ty này có thể là 100 người.

Một phát ngôn viên của Cao ủy Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân thừa nhận cơ quan này đã nhận được bức thư nhưng cho biết rằng các quy tắc mới là cần thiết vì các hành vi tiết lộ thông tin cá nhân trên Internet đã “thách thức những giới hạn về đạo đức và pháp luật.”

Nữ phát ngôn viên này cho biết thêm, kể từ năm 2019, chính phủ Hồng Kông đã xử lý hàng nghìn trường hợp “vi phạm” và các cuộc khảo sát cũng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc đề xuất thêm nhiều luật lệ để đối phó với hiện tượng này.

Bà cũng khẳng định việc sửa đổi luật sẽ không liên quan đến quyền tự do ngôn luận và cho biết chính phủ “phản đối mạnh mẽ bất kỳ ý kiến nào cho rằng các sửa đổi có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài ở Hồng Kông trong bất kỳ trường hợp nào.”

Ông Paul Haswell, người đứng đầu bộ phận về luật viễn thông, truyền thông và công nghệ của công ty luật toàn cầu Pinsent Masons có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết mối quan tâm của các tập đoàn về vấn đề sửa đổi luật này là chính đáng, ngay cả khi nhân viên của các công ty công nghệ có trụ sở chính bên ngoài Hồng Kông cũng phải chịu trách nhiệm về những gì người dùng đăng.

Ông cũng cho rằng, nếu áp dụng các quy tắc sửa đổi trên diện rộng thì thậm chí một bức ảnh chân thật hoặc hình ảnh về khuôn mặt của một sĩ quan cảnh sát, nếu được đăng với thái độ ác ý, cũng có thể khiến các công ty này phạm luật.

Vy An (Theo Newsmax)

Xem thêm: