Trong khi cơ quan tình báo Hoa Kỳ nghi ngờ việc ĐCSTQ lợi dụng sinh viên đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã khuyến khích các trường đại học và công ty nghiên cứu của Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp nhằm giám sát sinh viên cũng như các học giả thuộc các tổ chức nghiên cứu có liên kết với chính phủ Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (NPR) đưa tin, từ năm 2018, các quan chức FBI đã đến thăm ít nhất 10 trường đại học trong Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ và cung cấp cho họ một danh sách cơ mật về các tổ chức nghiên cứu và công ty Trung Quốc. Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ được hợp thành từ 62 trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại Hoa Kỳ và Canada.

Ngoài ra, các quan chức tình báo cũng đã gặp gỡ nhà quản lý của 70 trường đại học trong Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ hồi tháng 3, đề nghị họ tăng cường giám sát các nhà nghiên cứu Trung Quốc và không nhận tiền tài trợ từ các công ty như Huawei của Trung Quốc. Tính đến nay, nhiều trường đại học Hoa Kỳ, bao gồm MIT, Stanford và Đại học Illinois, đã chấm dứt hợp tác nghiên cứu với Huawei.

Ba nhà quản lý các trường đại học thuộc Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ cho hay, quan chức FBI đề nghị các trường đại học giám sát sinh viên và học giả có liên quan đến các tổ chức trong danh sách nêu trên. Phía FBI cũng kêu gọi các trường đại học xem xét các dự án nghiên cứu liên quan đến ứng dụng quốc phòng có sự tham gia của sinh viên và học giả Trung Quốc

Ông Fred Cate, Phó Chủ tịch Nghiên cứu tại Đại học Indiana cho biết, các quan chức FBI đã hỏi nhà trường về những dự án mà sinh viên và học giả Trung Quốc từng tham gia, hoặc những thông tin mà họ có thể truy cập.

Mặc dù các quan chức FBI cũng thảo luận với các trường đại học về việc theo dõi các nhà nghiên cứu quốc tế khác, nhưng họ đặc biệt nhắm vào các sinh viên và học giả từ Trung Quốc có liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Về vấn đề này, một số nhà quản lý trường đại học nhận định rằng khó có thể tiến hành giám sát được các đối tượng nói trên, và cho rằng mức độ đe dọa của những sinh viên và học giả đó không thực sự nghiêm trọng như FBI nghĩ, hơn nữa kiến nghị của FBI còn thiếu các biện pháp thực thi cụ thể.

Trong những năm gần đây, không ít tờ báo Mỹ đưa tin về việc sinh viên Trung Quốc, học giả tham cứu, và thậm chí các học giả người Mỹ gốc Hoa đánh cắp sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ. 

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc ĐCSTQ làm tổn hại lợi ích quốc gia của Mỹ thông qua các hoạt động gián điệp, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và nhiều công cụ khác hòng can thiệp vào chính trị. FBI cũng đã triển khai hàng loạt hoạt động phản gián nhằm điều tra các sinh viên và học giả Trung Quốc có mối quan hệ với chính quyền nước này.

Thượng Nghị Sĩ Mark Warner, Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ phát biểu trong một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington hôm 17/6: “Hiện tại đa số các vụ việc chống gián điệp của Mỹ đều liên quan đến công dân Trung Quốc.

“Cơ quan gián điệp của ĐCSTQ đe dọa các gia đình có con cái du học tại Mỹ,” ông Warner nói, “Nếu như con cái họ sau khi du học từ Mỹ trở về mà không mang theo bất cứ tài sản trí tuệ nào, các gia đình đó sẽ gặp không ít rủi ro.”

Hồi tháng Tư, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray cũng cảnh báo rằng Cục tình báo của ĐCSTQ đang áp dụng thủ đoạn “động viên toàn xã hội”, bao gồm cả sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ, đánh cắp nghiên cứu và công nghệ từ các nước phương Tây.

“Giới học thuật Mỹ cần phải khôn ngoan và suy nghĩ thấu đáo hơn về các cách thức mà những người khác có thể khai thác trong môi trường nghiên cứu hợp tác vô cùng cởi mở ở quốc gia này,” Christopher Wray nói.

Hồi tháng 5, nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Chuck Grassley, Tom Cotton, Ted Cruz, Marsha Blackburn và Josh Hawley đã đệ trình một dự luật lên Hạ viện và Thượng viện. Theo Reuters, dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ lập ra một danh sách các tổ chức khoa học kỹ thuật liên kết với quân đội Trung Quốc và sẽ không cấp thị thực cho những ai làm việc, hoặc được các tổ chức này tài trợ.

Minh Ngọc

Xem thêm: