Theo báo cáo của tổ chức Freedom House, mạng Internet đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt khá chặt chẽ hồi tháng 6 vừa qua, nhưng đến tháng 7 với hàng loạt các ngày kỷ niệm “nhạy cảm” của đảng, tình hình kiểm duyệt Internet lại càng trở nên nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.

bieu tinh hk
Ảnh qua Flickr

Tại Trung Quốc hiện nay, không chỉ kiểm soát mạng Internet, mà việc ĐCSTQ kiểm duyệt truyền thông cũng rất đáng lo ngại. Trong báo cáo “Tự do và Truyền thông 2019” do Freedom House phát hành hồi tháng 6 tại Hoa Kỳ, Trung Quốc đã không bất ngờ nhận được số điểm thấp nhất. Báo cáo chỉ ra rằng, việc Trung Quốc truyền bá các tin tức của ĐCSTQ ra thế giới và tăng cường can thiệp vào truyền thông các quốc gia khác, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình huống tiếp thu tin tức của công chúng nghe nhìn trên toàn cầu.

Theo Freedom House, trước thời điểm kỷ niệm 30 năm Phong trào dân chủ Lục Tứ ngày 4 tháng 6, cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và hàng loạt các cuộc biểu tình dân chủ phản đối Luật dẫn độ quy mô lớn ở Hồng Kông, các thủ đoạn kiểm duyệt mạng Internet của chính quyền ĐCSTQ trở nên cực đoan chưa từng thấy.

Hồi tháng 6, hệ thống “Tường lửa Trường thành” (Great Firewall) Trung Quốc đã mở rộng phạm vi kiểm duyệt. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6, trang web của 12 kênh truyền thông quốc tế lớn ở năm quốc gia khác nhau đã bị phong tỏa.

Ngoài ra, phong trào biểu tình chống Luật dẫn độ của người Hồng Kông cũng dẫn đến một cuộc “bút chiến” trong cộng đồng với nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tất cả những bình luận trên mạng xã hội đều bị gỡ bỏ. Thậm chí, bình luận trên Wechat của người Trung Quốc ở Hồng Kông cũng đã bị xóa. Chỉ những kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ mới được đưa tin về biểu tình Hồng Kông, nhưng lại dẫn lạc hướng dư luận rằng người Hồng Kông bị các “thế lực nước ngoài” xúi giục hay là họ biểu tình “chống Mỹ”.

Ông Trương Kiện, một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc nhận định: “ĐCSTQ hiện đặc biệt lo lắng về tình huống ở Hồng Kông. Biểu tình dân chủ ở Hồng Kông sẽ làm nên lịch sử như ngày 4 tháng 6 năm 1989, giống như ngọn lửa rực sáng, có thể thiêu rụi Đại Lục. Mà xem xét tình hình trước mắt, quả thực là ngọn lửa này càng lúc càng lớn. Chúng ta càng cảm thấy rằng phong trào biểu tình ở Hồng Kông, cũng như các lệnh trừng phạt mà các nước châu Âu và châu Mỹ áp đặt lên ĐCSTQ, sẽ có thể dẫn đến chính biến lớn hơn của ĐCSTQ trong tháng 7 này.”

Freedom House cho biết, với hàng loạt “ngày nhạy cảm” trong tháng 7, các biện pháp kiểm soát thông tin của chính quyền Trung Quốc lại được đẩy lên cực điểm. Tháng 7 mở đầu với ngày 1/7 đánh kỷ niệm ngày nước Anh bàn giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, đã dẫn đến cuộc biểu tình của hơn nửa triệu người nhằm phản đối Luật dẫn độ. Tiếp đó, ngày 5/7 là kỷ niệm 10 năm cuộc bạo động đẫm máu tại thủ phủ Urumqi (Tân Cương) của người Duy Ngô Nhĩ. Ngày 6/7 là ngày sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đến 13/7 là kỷ niệm 2 năm ngày mất của nhà vận động nhân quyền Lưu Hiểu Ba. Cuối cùng là ngày 20/7, kỷ niệm 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công, cũng là ngày “nhạy cảm” mà ĐCSTQ lo lắng nhất.

Ông Đường Tĩnh Viễn, một nhà bình luận về các vấn đề hiện tại ở Hoa Kỳ: “Chúng ta đều đã biết, hiện tại hoàn cảnh ở quốc tế đang có nhiều biến đổi, Mỹ đã bắt đầu kiểm tra nghiêm ngặt thị thực của những người liên đới đến bức hại Pháp Luân Công. Ngày 17/6, Tòa án Độc lập tại Anh cũng đã đi đến phán quyết, chứng thực tội ác mổ cướp nội tạng mà ĐCSTQ hậu thuẫn suốt thời gian dài.”

Ngày 20/7 của 20 năm trước, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn không ngừng đến hiện nay. Mới đây nhất, theo thống kê của Minghui.com (trang web của Pháp Luân Công tại hải ngoại), có ít nhất 335 người tập Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ kết án oan sai trong 356 phiên tòa phi pháp.

Gần đây, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tuyên bố sẽ xét duyệt hồ sơ xin thị thực chặt chẽ hơn và từ chối cấp thị thực cho những thủ phạm đàn áp nhân quyền và tôn giáo. Ngay cả khi những người này đã có visa Mỹ hoặc thẻ xanh, họ cũng có thể bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Trang web Minghui.com cũng có thông báo kêu gọi những người tập Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ gửi danh sách các thủ phạm bức hại pháp môn này tới Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Đường Tĩnh Viễn nhấn mạnh: “Điều này cho thấy cộng đồng quốc tế đang ngày càng phản đối mạnh mẽ cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, và chính quyền Trung Quốc phải đối diện với một áp lực không nhỏ. Cuộc bức hại này có thể bị phơi bày trên diện rộng bất cứ lúc nào. ĐCSTQ vô cùng căng thẳng, từ đó không ngừng điên cuồng kiểm duyệt ngôn luận, thậm chí đi đến một trạng thái cực tột độ.”

Gần đây, trên mạng Internet cũng lưu hành một văn kiện của Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia của ĐCSTQ, đề xuất dự thảo gọi là “Biện pháp Đánh giá Bảo mật Thông tin Cá nhân khi ra nước ngoài”, nhằm ngăn chặn tình trạng đột phá tường lửa.

Theo ông Đường Tĩnh Viễn, sự kiểm duyệt nghiêm ngặt trong đánh giá mạng lưới của ĐCSTQ, có thể nói là tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng chính trị của ĐCSTQ. Kiểm duyệt càng nghiêm ngặt, phạm vi càng rộng, thì càng minh chứng rõ rằng phạm vi khủng hoảng của ĐCSTQ càng ngày càng lớn hơn. 

Minh Ngọc

Xem thêm: