Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi lần thứ 7 được diễn ra tại Bắc Kinh từ 3 – 4/9. Hôm 2/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước châu Phi đến thăm Bắc Kinh và Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres, đồng thời tạo thanh thế dư luận cho Trung Quốc tiến quân vào thị trường châu Phi. Truyền thông Đài Loan phân tích, việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào châu Phi có thể để lại 3 ẩn hoạn lớn.

tập cận bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres (Ảnh: Getty Images)

Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi lần thứ 7 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 3 – 4/9, đại diện 53 quốc gia châu Phi và lãnh đạo Ủy ban Châu Phi tới tham dự diễn đàn này. Trước khi diễn đàn khai mạc, ngày 2/9, ông Tập Cận Bình đã có nhiều cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước châu Phi và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres được mời tham dự diễn đàn.

Tại cuộc gặp mặt với ông António Guterres, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc đầu tư vào các nước châu Phi “sẽ không có thêm bất cứ điều kiện chính trị nào đi kèm, không truy cầu bất cứ đặc quyền đặc lợi nào”.

Về vấn đề này, giới quan sát cho rằng những phát biểu của ông Tập Cận Bình đã nói rõ, chính quyền Bắc Kinh sẽ toàn lực phát triển mối quan hệ với các nước châu Phi, và đang tạo thanh thế dư luận để trải đường cho việc tiến quân vào thị trường châu Phi.

Trên thực tế, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc tại một hội thảo được tổ chức ở Bắc Kinh hôm 28/8 đã nói, trong 5 năm tới, “châu Phi sẽ thay thế Mỹ” trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Dư luận cho rằng, Trung Quốc vấp phải chiến tranh thương mại với lập trường cứng rắn của Mỹ và “Một vành đai, Một con đường” gặp trở ngại nên đang chuyển hướng sang Châu Phi để tìm lối thoát.

Còn theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, chính quyền Trung Quốc có kế hoạch tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi sẽ tuyên bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp khoản viện trợ và khoản vay trị giá hàng vài chục tỷ Đô la Mỹ (USD) cho các nước châu Phi.

Về vấn đề này, trang tin Chinatimes tại Đài Loan có đăng một bài bình luận cho rằng, sách lược đầu tư mạnh tay của Trung Quốc vào các nước Châu Phi  tồn tại 3 ẩn hoạn. Thứ nhất: Rót số vốn lớn để đầu tư vào các nước Châu Phi có nền kinh tế lạc hậu, thậm chí là nước nghèo, sẽ khiến cho rủi ro nợ tăng cao; Thứ hai: Doanh nghiệp vốn đầu tư nhà nước Trung Quốc trong quá trình mở rộng tại Châu Phi đã phá hoại môi trường sinh thái tại địa phương, vấn đề bảo vệ môi trường e là sẽ trở thành vấn đề nổi cộm; Thứ ba: Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại Châu Phi phần lớn sử dụng lao động vẫn là công nhân Trung Quốc, về cơ bản là không sử dụng hoặc ít sử dụng lao động địa phương, cách làm này ắt sẽ dẫn đến sự kêu ca của người dân các nước Châu Phi.

Bài phân tích còn chỉ ra, đến nay, Trung Quốc đã cung cấp cho các nước Châu Phi khoản vay có trị giá lên đến gần 142 tỷ USD, hơn nữa dự tính trong năm nay sẽ cung cấp nhiều tài chính hơn nữa cho Châu Phi, tuy nhiên giới quan sát phán đoán, cách làm này ắt sẽ dẫn đến rủi ro nợ của hai bên tăng cao.

Bài phân tích dẫn lời của ông Seifudein Adem – chuyên gia phân tích quan hệ Trung Quốc – Châu Phi chỉ ra, “ngoại giao nợ” của Trung Quốc không chỉ là thách thức đối với các nước Châu Phi, mà đối với chính nước chủ nợ như Trung Quốc mà nói, cũng là một thách thức lớn. Bởi vì chìm trong gánh nặng nợ không chỉ có thể dẫn đến quan hệ Trung Quốc – Châu Phi trở nên căng thẳng, mà còn có thể dẫn đến nhiều mâu thuẫn phức tạp hơn.

Ngoài ra, theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), trước khi diễn ra diễn đàn cấp cao tại Bắc Kinh, truyền thông Châu Phi đã đề xuất với chính quyền Trung Quốc về tăng cường bảo vệ môi trường Châu Phi và vấn đề sử dụng nhiều hơn nữa lao động tại Châu Phi.

Phóng viên của nước Cameroon tại cuộc họp báo đã đề xuất về 2 vấn đề nói trên, vị phóng viên này kêu gọi: Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi cần “đối mặt nghiêm túc hơn với vấn đề các công trình phá hoại hệ thống sinh thái tại địa phương”, ví dụ như rừng rậm bị chặt phá, mở rộng đất đai để xây nhà, v.v, nếu không có biện pháp để bảo vệ thích đáng, thì tổn thất về môi trường của Châu Phi sẽ “không thể bù đắp được”.

Đồng thời phóng viên cũng đề xuất phía Trung Quốc cần đối đãi nghiêm túc về vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Châu Phi dường như chỉ thuê công nhân Trung Quốc, chứ không hề sử dụng lao động đại phương.

Huệ Anh

Xem thêm: