Gần đây, người nhà của một quan chức cấp cao ĐCSTQ (quan chức này đã qua đời vì COVID-19) tiết lộ rằng nhà xác ở Bắc Kinh không còn chỗ chứa thi thể. Khi họ nhờ quan hệ gọi điện cho nhà tang lễ Bát Bảo Sơn, gắng gượng lắm mới có được một chiếc quan tài giấy. 

Bac Kinh 1 2
Dịch bệnh ở Bắc Kinh ngày càng trở nên tồi tệ và người dân lâm vào cảnh khốn đốn. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Ngày 4/1, cư dân mạng “Rongjian” (@rongjian1957) tweet rằng bố của mình (97 tuổi) đã qua đời vì COVID-19 vào ngày 25/12. Sau khi chết, ông được cho vào túi đựng thi thể màu vàng và để trên giường bệnh 1 ngày, “lý do là không còn chỗ trong nhà xác”.

Rongjian cho biết, về sau thi thể được đặt trong một căn phòng lớn có cửa sổ mở rộng hướng ra ngoài trời lạnh giá, “Căn phòng đầy những kệ sắt 3 tầng, chất đầy thi thể, nhìn vào là một vùng màu vàng, rất kinh hoàng! Linh hồn còn phải sốc!”

Nhà tang lễ Bát Bảo Sơn (Babaoshan) hứa sẽ cho xe tang đến đưa thi thể đi vào ngày hôm sau, “nhưng họ nói không có quan tài, quan tài đã được dùng hết”, họ bảo người nhà dùng tấm đệm quấn lại rồi đưa đi. “Bố tôi làm cách mạng cả đời, và đây là kết cục?”, người này viết.

Rongjian kể thêm, Cục Cán bộ Cựu Chiến binh ở Bắc Kinh đã gọi giúp đến nhà tang lễ Bát Bảo Sơn, nhấn mạnh rằng “đây là một cán bộ cựu chiến binh đã nghỉ hưu được đối xử cấp bộ, và yêu cầu điều phối một chiếc quan tài bằng mọi giá.” Rongjian viết ngày hôm sau khi xe tang đến, “Tôi thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng bố tôi cũng có một cái quan tài giấy. Đừng xem thường quan tài giấy này, biết bao nhiêu người dân bình thường còn chưa có!”

Rongjian cho biết đã nhìn thấy nhiều xác chết không có quan tài, được cho vào túi đựng xác mang đến các quận ngoại ô hoặc Hà Bắc để hỏa táng trong xe tải, giá lên đến 40.000 nhân dân tệ. 

“Khi thanh toán, người quản lý nhà xác hỏi, anh chạy đường nào mà ngày hôm qua vào, ngày hôm nay đã được đưa đi hỏa táng, mà còn được đưa bằng xe tang chính thức từ Bát Bảo Sơn, còn mang cả quan tài cho. Thi thể ở chỗ chúng tôi đây, phải chờ 10 ngày hoặc nửa tháng mới đưa đi thiêu được, vì cơ bản không còn chỗ xếp hàng.” Rongjian kể bị tính 1.200 nhân dân tệ phí bảo quản thi thể trong kho lạnh, nhưng kỳ thực “bảo quản lạnh đều là nhờ tự nhiên”, nhưng chỉ cần thi thể được nhận thì không có gì phải bàn cãi.

“Khi đến Bát Bảo Sơn, trong đó toàn là xe tang và xe chở thi thể. Tôi xếp hàng thành vòng tròn trong sân và đợi cả nửa ngày trời cũng không nhích được.” Cư dân mạng này nói, rất nhiều thi thể trên xe tải đều không có được cái quan tài, “chỉ được đựng trong túi vải màu vàng”. Một nhân viên và người lái xe tang ở Bát Bảo Sơn thì thầm với nhau: “Anh biết gì không? Lãnh đạo của chúng ta đi họp ở chính quyền thành phố, vỗ ngực đảm bảo mỗi ngày hỏa táng 1.000 người. Chúng ta vẫn phải làm thêm giờ”. “Đây chỉ là một lò thiêu ở Bát Bảo Sơn, toàn Bắc Kinh thì sẽ có bao nhiêu người chết vì virus corona mới!”, người viết cảm thán.

Cuối cùng, Rongjian than thở rằng người bố cấp bộ của mình còn phải gặp cảnh này, vậy còn bao nhiêu người bình thường không thể tìm được nhà xác, không tìm được quan tài hay lò thiêu trong gió lạnh, đành phải kêu gào trong bi phẫn. “Những gì nhà văn Phương Phương (Fang Fang) đã viết trong nhật ký của mình giờ đã ứng nghiệm ở Bắc Kinh. Còn có hy vọng nào cho đất nước này không? Tôi thực sự muốn khóc cho người bố đã quá cố của mình, khóc cho những người dân Trung Quốc gặp tai họa!”

Về vấn đề này, bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, cho biết: “Đây là người cấp chính bộ trong chính quyền Bắc Kinh. Khi chết, ông ấy chỉ có một chiếc quan tài bằng giấy. Vậy thì bao nhiêu người bình thường chỉ được bọc trong những tấm vải. Bát Bảo Sơn hỏa táng gần 1.000 xác chết mỗi ngày. Toàn Bắc Kinh, bao gồm cả các nhà tang lễ quanh Bắc Kinh, mỗi ngày hỏa táng bao nhiêu thi thể? Đây chính là mỗi từng mạng người! Nhưng đến cơ quan thống kê của chính quyền, thì nó thậm chí không được tính là một con số!”

Một số cư dân mạng bình luận: “Tất cả những cán bộ ĐCSTQ này phải chịu trách nhiệm về việc biến Trung Quốc thành như ngày nay, và không ai là vô tội.”

“Không phải vì virus corona mới, mà là do quyết định của đảng.”

“Công bộc khác với nhân dân.”

“Khách quan mà nói, đây đều là báo ứng. Sau một đời làm cách mạng, ông đã giết bao nhiêu sinh mạng?”

Bac Kinh 1 1
Nhà tang lễ ở Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình video Reuters)

Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 7/12/2022. Theo báo cáo của Đài Á châu Tự do, một quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị và pháp luật của Bắc Kinh giấu tên, nói rằng trước khi việc phòng chống dịch bệnh của Bắc Kinh được nới lỏng, đã có một số lượng lớn các ca nhiễm bệnh trong hệ thống y tế. Nhiều nhân viên y tế và người già đã bị nhiễm bệnh, số người chết tăng cao, nhà tang lễ quá tải, hệ thống y tế suy sụp, nhưng chính quyền đã che giấu sự thật mà không báo cáo.

Vị quan chức này còn cho biết việc che giấu đợt dịch quy mô lớn lần này trực tiếp dẫn đến cái chết của một lượng lớn quan chức cấp cao đã nghỉ hưu. Theo như ông được biết, có ít nhất 6 quan chức cấp vụ trở lên đã qua đời. Vị này còn nói rằng người thân của ông đã bị nhiễm virus corona mới và chết khi đang hồi phục sức khỏe trong bệnh viện. Khi đó họ đã đi khám ở nhiều bệnh viện tốt nhất ở Bắc Kinh, nhưng bác sĩ kết luận chết là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Thi thể được hỏa táng 5 ngày sau đó. Ông nói rằng ông ấy thuộc top 1% trong bậc thang xã hội mà còn phải chật vật như thế, do đó tình cảnh mà người dân bình thường gặp phải thì còn tồi tệ hơn.