Gần đây, giáo sư luật học Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) thuộc Đại học Thanh Hoa Trung Quốc đã bị trục xuất khỏi trường. Ông đã gửi bức thư tới toàn thể bạn hữu tại Đại học Thanh Hoa, trong thư có một số nội dung trực tiếp nêu lên hiện trạng quan trường Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Giáo sư Hứa Chương Nhuận (Nguồn: Internet).
Giáo sư Hứa Chương Nhuận (Nguồn: Internet)

Trong bức thư được viết vào ngày 19/7, giáo sư Hứa Chương Nhuận đã mô tả: “Đông đảo trí thức nói chung uể oải, giọng điệu trầm mặc, không muốn lên tiếng thể hiện quan điểm; còn quan chức thì biếng nhác, sống hai mặt giả tạo, chỉ chờ để hạ cánh an toàn.”

Vốn dĩ nhiều năm qua đã có một bầu không khí uể oải bao phủ quan trường Trung Quốc, được coi là một cách để ứng phó chiến dịch chống tham nhũng. Truyền thông Trung Quốc chỉ ra rằng các quan chức nước này đã ở trong tình trạng “hồn lìa khỏi xác”, họ đánh bạc, dùng chất gây nghiện, chơi game, mua sắm trực tuyến, xem nội dung khiêu dâm và thậm chí ngoại tình ngay trong giờ làm việc. Truyền thông còn kể lại câu chuyện Thủ tướng Lý Khắc Cường nhiều lần thịnh nộ vì thực trạng quan chức uể oải, thậm chí có lần đập vỡ ly trà trên bàn, nhưng vẫn không có kết quả.

Thú vị là lý do chính của thực trạng có liên quan đến lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình. Vài năm qua vùng núi Tần Lĩnh (Qinling) được ví là “long mạch” của Trung Quốc đã xuất hiện lượng lớn các biệt thự xây dựng trái phép. Sự cố này đã làm kinh động ông Tập, nhưng sáu lần chỉ đạo chỉnh đốn đều không thành công, tất cả là do các quan chức cấp cao địa phương đã cùng nhau âm thầm chống lại ông dù bề ngoài luôn tỏ ra cung kính. Cuối cùng, ông Tập Cận Bình phải ra lệnh Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương xử lý. Tháng 7/2018, ông Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương là Từ Lệnh Nghĩa đã dẫn quân đến thành phố Tây An và xử lý hàng loạt quan chức Thiểm Tây, vụ việc đến tận bây giờ vẫn còn dư chấn.

Giáo sư Hứa Chương Nhuận chỉ ra thực trạng quan trường Trung Quốc ai nấy chờ “hạ cánh an toàn”, quan chức không mấy ai quan tâm chuyện chế độ lâm cảnh ‘thù trong giặc ngoài’, họ linh cảm nhiều bất ổn lên ai nấy lên kế hoạch rút lui, có thể trốn chạy bất cứ lúc nào.

Theo một báo cáo do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố năm 2008, kể từ những năm 1990 ước tính có khoảng 16.000 – 18.000 người Trung Quốc  (quan chức, doanh nhân…) “mất tích” và mang theo nguồn tài sản khoảng 800 tỷ nhân dân tệ. Đây là dữ liệu từ 12 năm trước.

Tạp chí “Xu hướng Tranh luận” của Hồng Kông (đã đình bản) số tháng 10/2017 có tiết lộ rằng trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 đã diễn ra một đợt chỉnh đốn quan trường rộng khắp các địa phương, bộ ngành. Kiểm tra cho thấy số lượng quan chức có thể định cư nước ngoài cao gần gấp ba lần trong đánh giá ban đầu (hơn 300.000 người) lên đến cả triệu người. Trong số đó có hơn 485.000 quan chức là cán bộ đảng viên; các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô, Thượng Hải và Bắc Kinh đều vượt quá 100.000 người.

Tạp chí Tranh Minh Hồng Kông tháng 4/2017 tiết lộ dữ liệu lưu hành nội bộ ĐCSTQ cho thấy, trong số 205 ủy viên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 18 và 171 ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương (bao gồm cả những người đã bị khai trừ), thì có ít nhất 115 người có con cái có quyền định cư nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài. Trong 161 ủy viên Ủy ban Thường vụ Nhân đại khóa 12 (bao gồm cả những người đã bị khai trừ) thì hơn 40 người có con cái có quyền định cư nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài.

Ngày 16/5/2015, ông Vương Yến Văn (Wang Yanwen) khi đó là Trưởng Ban tuyên truyền và ủy viên Ban Thường vụ Ủy ban tỉnh Giang Tô, đã từng viết một bài công bố trên truyền thông công khai thừa nhận rằng nhiều quan chức đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để định cư nước ngoài, có thể “bỏ chạy” bất cứ lúc nào.

Trong những năm gần đây chính quyền ĐCSTQ đã tăng cường thực hiện các hoạt động thu hộ chiếu, trong đó đặc biệt chú trọng việc kiểm soát di cư của các công chức nhà nước, cơ chế ngăn chặn đã được mở rộng đến tận các thôn làng, yêu cầu các quan chức thôn làng bàn giao hộ chiếu.

“Luật Xử lý công chức” của ĐCSTQ có hiệu lực vào ngày 1/7 năm nay đã quy định sáu loại công chức vi phạm quy định xuất cảnh, có quốc tịch nước ngoài hoặc thẻ xanh sẽ phải chịu hình phạt ở mức độ khác nhau.

Tuy nhiên việc nhiều quan chức bị điều tra đã bị phát hiện có nhiều hộ chiếu với các danh tính khác nhau, cho thấy việc tịch thu hộ chiếu của ĐCSTQ để ngăn chặn quan chức bỏ trốn ra nước ngoài khó đạt được hiệu quả mong muốn.

Năm 2014, ông Chu Minh Quốc (Zhu Mingguo), Bí thư Ban Chính pháp và Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông “ngã ngựa”. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin đã tìm thấy một lượng lớn vàng và tiền giấy trong nhà của ông ta được đóng trong các thùng, nhiều đến mức phải dùng hơn 10 chiếc xe hơi mới chở hết, đặc biệt còn bao gồm 14 hộ chiếu của ông này.

Ông Hề Hiểu Minh (Xi Xiaoming) khi “ngã ngựa” năm 2015 là Phó chánh án Tòa án tối cao của ĐCSTQ, tại nơi cư trú của ông ày ở Đại Liên đã tìm thấy 6 hộ chiếu và ba giấy thông hành tại Hồng Kông và Ma Cao, tổng tài sản bị tịch thu là hơn 1,5 tỷ nhân dân tệ.

Ông Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa” năm 2014 là Trưởng Ban Mặt trận Thống nhất. Nguồn tài sản ông này sở hữu gây kinh động, đặc biệt có 6 hộ chiếu giả. Lệnh Kế Hoạch thú nhận rằng tất cả được Chu Vĩnh Khang lo liệu vì nhu cầu công việc và sự linh hoạt trong những trường hợp khẩn cấp.

Chu Bản Thuận (Zhou Benshun) Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc bị cách chức vào tháng 7/2015, cũng bị phát hiện có 15 tài khoản ngân hàng và 12 hộ chiếu.

Sau khi cựu Thị trưởng Nam Kinh là Lý Kiến Nghiệp (Ji Jianye) được ví là “quản gia Dương Châu của Giang Trạch Dân” bị “ngã ngựa”, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã tìm thấy 21 hộ chiếu và 12 tài khoản ngân hàng tại nơi cư trú của quan chức này tại các biệt thự ở Nam Kinh, Côn Sơn và Dương Châu.

Lý Văn Long

Xem thêm: