Một giáo sư tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết ở Trung Quốc, hơn 90% trẻ em có phẩm chất tốt sẽ phải chịu thiệt thòi trong xã hội. Một nhà văn Trung Quốc cũng nói rằng Trung Quốc không còn là một quốc gia bình thường. Các nhà bình luận lại tin rằng nguyên nhân sâu xa của những vấn đề này là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

shutterstock 1824696212
Một buổi chào cờ sáng Thứ Hai của học sinh Trung Quốc (Nguồn: Shutterstock)

Vài tuần qua, nhận xét của ông Tiền Văn Trung, giáo sư tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng Internet của Trung Quốc.

Ông cho rằng hơn 90% những đứa trẻ chân thành, đáng tin cậy, hiếu thảo, trung thực và tốt bụng sẽ phải chịu thiệt thòi trong xã hội, những đứa trẻ có đạo đức càng tốt, sẽ càng phải chịu nhiều thiệt thòi. Đây là biểu hiện của việc không coi trọng phẩm chất đạo đức, nếu cứ tiếp tục như vậy, xã hội sẽ nảy sinh nhiều vấn nạn nghiêm trọng.

“Đây không còn là một đất nước bình thường, thì người tốt sao có thể không chịu thiệt thòi đây?”

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times ngày 22/7, nhà văn Trung Quốc Hạ Thiên (bút danh) cho biết, ở Trung Quốc ngày nay, để trở thành một người tốt không phải là điều dễ dàng, cả dân tộc này đều đang “mắc bệnh”. Ông nói với các phóng viên rằng bản thân ông cũng từng nhiều lần bị lừa.

Vụ việc bắt nguồn từ năm 1999, mùa hè năm đó, Hạ Thiên thuê nhà trong một ngôi làng ở địa phương. “Có một kỹ sư thiết kế trong nhà máy sản xuất đồ chơi sống tại đây. Anh ấy ở cách tôi một tòa nhà. Anh ấy bị ốm và không có ai chăm sóc. Khi đó, anh còn chưa có lương, tôi bèn đưa anh ấy đi khám bệnh. Tôi đưa cho anh ấy 200 tệ (khoảng 29 USD), lúc đó lương của tôi không nhiều lắm, một tháng chỉ có 600 tệ (khoảng 88 USD). Sau đó anh ấy không nhắc đến chuyện này nữa. Khi tôi đòi anh ấy tiền, anh ấy không những không chịu thừa nhận chuyện này, mà còn lôi kéo người làng đến uy hiếp tôi.”

“Ở Trung Quốc, những chuyện thế này có quá nhiều.” Hạ Thiên cũng nói với phóng viên rằng vài năm trước, anh ấy cũng thường làm từ thiện, quyên góp tiền cho trẻ em ở khu vực Đại Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.

“Sau đó, mọi người đều mắng mỏ tôi và nói tôi lừa tiền của họ. Bây giờ tôi không làm nữa, họ cũng không mắng chửi tôi nữa.” Anh nói: “Họ nghĩ, nếu bạn không phải vì danh, vì lợi, thì sao lại muốn quyên tiền cho người khác? Họ nghĩ như vậy, rằng bạn quyên tiền cho người khác chắc chắn là có mục đích.”

Anh cũng đưa ra ví dụ về việc giúp một phụ nữ Hà Nam trả tiền thuê nhà khi cô ấy gặp khó khăn, nhưng sau đó lại không thể tìm thấy người này. Có rất nhiều chuyện như vậy.

Hạ Thiên nói: “Người Trung Quốc ngày nay ngoài miệng thì cười nói với bạn, nhưng trong lòng họ không biết đang tính toán gì với bạn.” “Ông Abe qua đời, họ ăn mừng; ông Biden dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), họ cũng cười trên sự bất hạnh của người khác. Đây không phải là một đất nước bình thường, giờ đây cả dân tộc này đang mắc bệnh.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Trần Duy Kiện, tổng biên tập của tờ “Mùa xuân Bắc Kinh”, một tạp chí hàng tháng tập trung vào phong trào dân chủ của Trung Quốc, cũng cho rằng cuộc khủng hoảng về sự thành tín trong xã hội Trung Quốc đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, hiện giờ hậu quả của cuộc khủng hoảng này đã xuất hiện, và đạt đến đỉnh cao.

“Giới trẻ ngày nay đã quen nói dối”

Ông Trần Duy Kiện nói rằng thế hệ thanh niên Trung Quốc ngày nay đã quen với việc nói dối. “Họ không nói thật nữa. Thói quen này đã ăn sâu vào xương tận xương tủy, họ có thể nói dối mà không đỏ mặt.”

Ông nói rằng một thế hệ thanh niên thao thao bất tuyệt về đúng đắn chính trị, nhưng trên thực tế trong lòng họ không hề thực sự nghĩ như vậy.

“Hãy lấy một ví dụ, như thái độ đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản, giới trẻ ngày nay cứ mở miệng ra là đế quốc Mỹ, Nhật Bản không tốt, v.v … nhưng thực ra họ không hề nghĩ như vậy. Trong thâm tâm, họ vẫn tìm mọi cách đến Hoa Kỳ, không chỉ du học ở Hoa Kỳ, thậm chí sau khi du học xong, họ còn muốn ở lại đó. Đây mới là một suy nghĩ thực sự của họ, hơn nữa họ còn nỗ lực theo hướng này.”

“Nhưng nếu hỏi họ rằng Hoa Kỳ thế nào, thì những gì họ nói lại hoàn toàn trái ngược với những gì họ nghĩ. Hơn nữa họ còn nói điều đó rất tự tin, mặt không hề biến sắc, tim không hề đập nhanh. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng hậu quả của vấn đề thành tín của người dân Trung Quốc đã xuất hiện trong thế hệ này,” ông Trần Duy Kiện nói.

Một số nhà phân tích trên Internet Trung Quốc cho rằng những cuộc khủng hoảng này trong xã hội Trung Quốc xuất hiện là kết quả của việc học hỏi từ phương Tây. Về vấn đề này, ông Trần Duy Kiện nói: “Cứ nhất quyết phải đổ thừa cho phương Tây cũng đúng. Nhưng phương Tây này không phải là phương Tây của xã hội dân chủ hiện tại,” mà là phương Tây của ĐCSTQ.

Ông Trần Duy Kiện cho rằng nguyên nhân sâu xa của các vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Trung Quốc đều do ĐCSTQ.

Ông nói: “ĐCSTQ là nguyên nhân chính, vì đảng này đã nói dối từ ngay khi thành lập đến tận bây giờ.” “Mao Trạch Đông đã mô tả nền dân chủ tốt như thế nào khi ông ấy ở Diên An, rằng ‘Chúng ta học hỏi phương Tây, chúng ta học hỏi Hoa Kỳ. Chúng ta đã tìm được một con đường cho Trung Quốc, đó chính là dân chủ.’ Những lời của ông ấy nói về dân chủ còn hay hơn cả các nhà lãnh đạo phương Tây, nhưng từ đầu chí cuối, ĐCSTQ vẫn luôn là một đảng độc tài.”

“ĐCSTQ chưa bao giờ nói thật. Những gì họ nói đều ngược lại với những gì họ làm. Trong lịch sử 100 năm của mình, đặc biệt là sau năm 1949, ĐCSTQ đã cai trị toàn bộ Trung Quốc, họ trị quốc bằng những tuyên truyền dối trá. Mọi người có thể thấy, làm người trong xã hội Trung Quốc, phải nói một đằng làm một nẻo, cho nên không hề có sự thành tín.”

Những người trẻ tuổi bị tẩy não và đầu độc bởi những lời dối trá của ĐCSTQ

Ông Trần Duy Kiện nói rằng dù thế hệ của họ cũng nói dối, nhưng họ rất chân thành với bạn bè và người thân. “Như thế hệ của tôi, mặc dù về cơ bản tất cả đều sinh sau năm 1949, nhưng cha mẹ chúng tôi đều được giáo dục và lớn lên trong thời đại Trung Hoa Dân Quốc. Khi đó, văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là văn hóa thành tín của Trung Hoa truyền thống đã ảnh hưởng đến họ cả đời.”

“Cha mẹ chúng tôi lấy mình làm gương, dạy chúng tôi không nói dối. Cả giáo viên và cha mẹ đều nghĩ nói dối là điều tệ nhất, họ dạy chúng tôi phải trung thực.

Vì vậy, mặc dù xã hội này đã thay đổi, trong xã hội này có lẽ chúng tôi không dám nói thật, vì nói thật có thể bị trừng phạt về mặt chính trị, nhưng chúng tôi vẫn nói thật khi ở nhà, với bạn bè và người thân của chúng tôi.”

Ông nói: “Nhưng hiện giờ thế hệ trẻ đã tiếp thụ sự giáo dục hoàn chỉnh từ ĐCSTQ. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay dạy con nhất quyết không được bộc lộ suy nghĩ thực của mình. Cách giáo dục này đã dạy con người không được làm một người trung thực. Hơn nữa, rất nhiều tấm gương trong xã hội này cũng nói với họ rằng nếu là một người thành tín, họ sẽ gặp chuyện bất trắc trong xã hội này, và không thể sống tiếp.”

Ông Tăng Kiến Nguyên, Phó Giáo sư thuộc Khoa Quản lý hành chính Đại học Trung Hoa, cho rằng ĐCSTQ lấy đảng tính thay thế nhân tính, dùng văn hóa đảng cổ súy cho dối trá, độc ác và tranh đấu thay cho văn hóa truyền thống Trung Hoa với những giá trị Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, và chụp cho nó cái mũ “cổ hủ phong kiến lạc hậu”.

ĐCSTQ còn dùng sức mạnh nhà nước quy tội những người không tin vào hệ giá trị ĐCSTQ là phần tử phản động, chống phá nhà nước.

Trong tác phẩm “Thiên An Môn xiêu vẹo”, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc đang sống tại Mỹ là ông Trần Phá Không có nhắc đến 6 đặc điểm cho thấy ĐCSTQ giống một tôn giáo biến dị, lần lượt là: “tôn sùng giáo chủ”, “khống chế tinh thần”, “biên tạo tà thuyết”, “cổ súy tiền bạc”, “tổ chức bí mật” và “gây nguy hại xã hội”.

Bình Minh (t/h)