Ông Đường Bách Kiều (Dang Baiqiao) từng tham gia lãnh đạo phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989, cũng là người viết “Lời nói đầu” cho cuốn sách nổi tiếng “Chết bởi Trung Quốc” (Death By China) của tác giả Peter Navarro _ người đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm phụ trách Ủy ban Thương mại Quốc gia. Xin được giới thiệu bài viết góp phần nhận diện thế nào là người trí thức của ông.

Ông Đường Bách Kiều
Ông Đường Bách Kiều

“Lấy trứng chọi đá, giữa bức tường cao lớn kiên cố và quả trứng gà, tôi mãi mãi đứng về phía trứng gà. Cho dù bức tường cao kia có đúng đắn như thế nào và trứng gà có sai lầm thế nào, tôi mãi mãi đứng ở phía trứng gà” – Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami.

Trong những năm qua, vấn đề người ta bàn luận nhiều về giới trí thức Trung Quốc là giới trí thức đương đại đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mua chuộc. Nguyên nhân vì nguồn thu nhập của giới trí thức Trung Quốc, đặc biệt là giáo sư đại học, cao hơn nhiều so với đa số người dân thường, đặc biệt là so với giới công nhân và nông dân thì có thể cao hơn hàng chục lần. Họ thường chỉ nói cho chính quyền chứ không có tiếng nói độc lập của mình. Về vấn đề này tôi không muốn có thêm bình luận gì. Tôi nghĩ, hãy để mọi người tự mình phát xét là tốt nhất. Nhưng có điểm tôi tin mọi người không thể có bất đồng, đó là giới trí thức Trung Quốc hiện nay càng ngày càng đánh mất đi tính độc lập cần phải có. Trong một trăm năm qua, số trí thức có nhân cách độc lập đang ngày càng giảm đi. Cuối cùng thì nguyên nhân vì đâu?

Trước tiên, chúng ta cần có một định nghĩa tương đối chuẩn mực về người trí thức. Người trí thức là từ được dịch lại từ phương Tây. Từ “Người trí thức” xuất hiện sớm nhất trong tiếng Pháp, đó là từ INTELLECTUAL. Vào thế kỷ 14, 15, châu Âu ở trong tình trạng hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo, khi đó nước Pháp đã tuyên án một vụ án bức hại tôn giáo. Lúc này có hai người có học đã mạo hiểm tính mạng thách thức uy quyền, phản đối lại phán quyết này. Cuối cùng họ đã chiến thắng và giành được vinh dự vẻ vang, niềm vinh dự này gọi là “INTELLECTUAL”.  Sau này người ta bắt đầu dùng từ này để gọi người có học và có lương tri. Một nguồn gốc khác của người trí thức xuất phát từ thời Peter Đại đế của Nga, khi đó nước Nga đã thực hiện một cuộc cải cách toàn diện qua việc lựa chọn một số đông nhân viên kỹ thuật công trình gửi đi học tập ở châu Âu, biến nước Nga từ một đất người nông nghiệp thành đất nước công thương nghiệp, và những người này được tôn là “INTELLCTUALS”. Khi đó từ này dùng chỉ tất cả những người có học mang sứ mệnh trách nhiệm phát triển văn hóa – xã hội. Từ đây, danh xưng “người trí thức” đã có một định nghĩa tương đối hoàn chỉnh, đó là chỉ người gánh vác đạo nghĩa và trách nhiệm dùng những tri thức họ nắm vững nhằm thúc đẩy tiến bộ cho xã hội cũng như nhân loại.

Nhưng sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, họ đã cố ý bóp méo nghĩa gốc của danh xưng người trí thức. Họ xếp tất cả những người sở hữu từ trình độ văn hóa tiểu học cao cấp (học hết 6 năm tiểu học) trở lên để gọi chung là “người trí thức”. (Còn định nghĩa chuẩn về người trí thức hiện nay là người có trình độ văn hóa tương đối cao, làm việc lao động trí óc.) Khái niệm này đã đi ra khỏi phạm vi của ngôn ngữ học, trở thành chính sách quốc gia. Chính quyền ĐCSTQ rõ ràng đã cố ý làm phai nhạt phương diện luân lý đạo đức trong khái niệm người trí thức, không còn nhấn mạnh phần tư tưởng và nhân cách độc lập của người trí thức cũng như cảm giác về sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, hệ quả là thuần hóa họ trở thành đối tượng cho chính quyền nô dịch. Trước đây từng thịnh hành cụm từ “người trí thức độc lập không biết khuất phục”, thực tế đây là cách phản ứng lại tình trạng gọi là “đội ngũ trí thức” theo định nghĩa của ĐCSTQ, đó là một lực lượng đông đảo những người thuộc thành phần này đã đánh mất nhân cách độc lập.  

Tuy chính quyền ĐCSTQ cố ý bóp méo khái niệm người trí thức, nhưng dù sao vẫn có những người không chịu khuất phục và chống lại. Nổi bật nhất như trong phong trào “chống hữu khuynh” năm 1957 và phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989. Nhưng cho đến nay, số trí thức như thế càng ngày càng hiếm hoi. Có một bộ phận trí thức vì chút đặc quyền mà họ khó khăn lắm mới giành được đã đánh mất lương tri xã hội và gây cản trở tiến bộ xã hội, điều này không còn lạ lẫm gì.

Tuy giới trí thức không có quyền lực chính trị và cũng không nắm mạch máu phát triển kinh tế, nhưng cùng với tốc độ phát triển như vũ bão của văn hóa nhân văn và khoa học kỹ thuật trong một thế kỷ qua, bất kể từ sức ảnh hưởng đối với xã hội hay trách nhiệm xã hội phải gánh vác, giới trí thức đã trở thành sức mạnh thứ ba trong chỉnh thể hệ thống xã hội, ngoài kinh tế và chính trị. Quyền lực thường dẫn đến hủ bại, vì thế khi giới trí thức sa ngã thì sự phát triển của xã hội sẽ đi chệch hướng, thậm chí xảy ra tình trạng lịch sử đi thụt lùi… Nhưng chế ước đối với giới trí thức không thể quy định rõ ràng giống như đối với nhân vật chính trị. Vì thế mà với họ, xã hội chỉ có thể yêu cầu mềm mỏng, ví dụ không thể rũ bỏ trách nhiệm trong khi tùy tiện biểu đạt quan điểm, phải có ý thức trách nhiệm xã hội trong biểu đạt quan điểm của mình. Khi giới trí thức đánh mất mình, thì cái gọi là trách nhiệm phải gánh vác của họ đi vào con đường sa đọa, làm cho xã hội rơi vào tình trạng mất lý tính một cách cực đoan, từ đây vô số nguy cơ xã hội sẽ dồn dập kéo đến. Trung Quốc ngày nay đang đứng trước cục diện này.

Từ những gì vừa đề cập, với vai trò là người trí thức, một mặt chúng ta nên kiên định bảo vệ tư tưởng và nhân cách độc lập của mình, giữ khoảng cách nhất định với quyền lực chính trị, tránh để quyền lực chính trị làm sa đọa; mặt khác chúng ta cần có trách nhiệm đối với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Vì thế, trong thực trạng xã hội Trung Quốc bại hoại và suy thoái đạo đức nghiêm trọng khiến nguy cơ mai phục khắp nơi như hiện nay, bằng rất cả lòng nhiệt thành, tôi kêu gọi đông đảo người trí thức hãy thay đổi thái độ vị lợi và tâm lý dựa dẫm vào quyền lực chính trị từng có, hãy kiên định giữ vững lương tri của người trí thức:

Thứ nhất, dùng sức mạnh của lý trí để phản biện các loại tư tưởng điên cuồng, bao gồm chủ nghĩa dân tộc cực đoan;

Thứ hai, giữ tư tưởng và nhân cách độc lập, không hùa theo những tuyên truyền đánh lạc hướng dân chúng của chính quyền;

Thứ ba, lên tiếng phản kháng khi chính quyền bức hại người dân, hoặc tối thiểu cũng thể hiện thái độ bất mãn dù trong im lặng;

Nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami từng nói, “giữa bức tường sừng sững cứng rắn và trứng gà, người trí thức phải luôn đứng về bên trứng gà”. Trung Quốc đang đứng trước thay đổi lớn, khó tránh khỏi cơn sóng cách mạng dân chủ. Trong cuộc đối đầu giữa dân chúng và chính quyền trong tương lai, giới trí thức không nên do dự trong quyết định đứng về phía những người phản kháng không có quyền lực.

Đường Bách Kiều, Nguyễn Đoàn dịch

Xem thêm: