Nhiều biến động nhân sự trong quân đội đã xảy ra trước thềm Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đáng chú ý mới đây là 2 chiến khu lớn phía Đông và phía Tây đã được thay tướng.

shutterstock 1184492341
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Alexander Khitrov/ Shutterstock)

Tướng Lâm Hướng Dương nhậm chức mới

Theo các nguồn tin từ truyền thông ĐCSTQ, ngày 30/9, Tư lệnh Chiến khu phía Đông là Lâm Hướng Dương (Lin Xiangyang) và Chính ủy Hà Bình (He Ping) đã tham gia hoạt động ngày “Quốc khánh” 1/10 tại tỉnh Giang Tô. Đây là lần xuất hiện đầu tiên trước công luận của ông Lâm Hướng Dương với tư cách là Tư lệnh của Chiến khu phía Đông, có nghĩa tư lệnh Hà Vệ Đông (He Weidong) trước đó của chiến khu này đã bị thay thế.

Theo thông tin công khai, thẩm quyền phụ trách của Chiến khu phía Đông là 6 tỉnh gồm Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây và An Huy; trụ sở chính của chiến khu này ở Nam Kinh, từ lâu đã phụ trách diễn tập thực chiến xung quanh eo biển Đài Loan.

Vào tháng Ba năm nay, thông tin ông Lâm Hướng Dương đến làm việc tại Chiến khu phía Đông đã xuất hiện trên các nguồn tin công khai, nhưng thời điểm đó chưa có thông tin tiết lộ sẽ vào vị trí nào.

Theo thông tin công khai, ông Lâm Hướng Dương sinh tháng 10/1964, quê ở Phúc Thanh – Phúc Kiến, từng là Phó tư lệnh Quân đoàn 31 và Tư lệnh Quân đoàn 47. Vào tháng 7/2017, ông Lâm Hướng Dương xuất hiện gây chú ý với tư cách là Tư lệnh Quân đoàn 82 của Lục quân Chiến khu phía Đông, năm 2019 chuyển sang làm Tư lệnh Quân đoàn 72, năm 2020 lại xuất hiện với tư cách là Tư lệnh Lục quân Chiến khu phía Đông. Ngày 6/9/2021, ông Lâm Hướng Dương được thăng cấp tướng và xuất hiện lần đầu tiên với tư cách là Tư lệnh Chiến khu phía Đông, nhưng vào đầu năm nay ông đã không còn giữ chức này.

Ông Hà Vệ Đông trước đây là Tư lệnh Chiến khu phía Đông. Ngày 21/9, ông Hà Vệ Đông đã tham dự Hội thảo về cải cách quân đội và quốc phòng của ĐCSTQ tại Bắc Kinh.

Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) người gốc Hoa tại Mỹ đã chỉ ra rằng những người có am hiểu về quân tình ĐCSTQ đã lưu ý phù hiệu đeo tay của ông Hà Vệ Đông có 2 hàng chữ: hàng trên là 4 chữ “Quân ủy Trung ương”, hàng dưới là 8 chữ “Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp”. Do đó, có vẻ như ông Hà Vệ Đông có thể là ứng cử viên nặng ký cho chức Phó chủ tịch Quân ủy.

Ông Trương Hồng Bân gây chú ý với chức vụ mới

Ngày 30/9, theo thông tin trên trang web của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, ông Uông Hải Giang – Tư lệnh Chiến khu phía Tây, và ông Trương Hồng Bân (Zhang Hongbin) – Phó Tư lệnh Chiến khu phía Tây kiêm Tư lệnh Không quân của chiến khu này đã tham gia sự kiện “Quốc khánh” 1/10 ở Tứ Xuyên.

Thông tin trên có nghĩa là ông Trương Hồng Bân đã là chỉ huy mới của không quân Chiến khu phía Tây, đã xuất hiện công khai lần đầu trong vai trò mới này. Ngày 8/9, ông Vương Cường (Wang Qiang) – cựu Phó Tư lệnh Chiến khu phía Tây kiêm Tư lệnh Không quân chiến khu này đã được thăng cấp tướng và chuyển sang làm Tư lệnh Chiến khu phía Bắc. Như vậy ông Trương Hồng Bân “tiếp quản” vị trí cũ của Vương Cường.

Chiến khu phía Tây bao gồm 7 khu vực hành chính cấp tỉnh là Tân Cương, Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ, Tứ Xuyên và Trùng Khánh, trụ sở chính chiến khu này đóng tại Thành Đô. Điểm nóng lớn nhất của chiến khu này là biên giới Trung – Ấn.

Kể từ năm 2020, xung đột đã nổ ra ở biên giới Trung – Ấn, thời điểm trước sau sự cố đã có những biến động mạnh về nhân sự chủ chốt của Chiến khu phía Tây phụ trách liên quan. Vào tháng 12/2020, Tư lệnh Triệu Tôn Kỳ (Zhao Zongqi) của Chiến khu phía Tây này nghỉ hưu và lên thay là ông Trương Húc Đông (Zhang Xudong), nhưng ông Trương Húc Đông chỉ giữ chức được 6 tháng; vào tháng 6/2021 Trương Húc Đông được thay thế bởi Từ Khởi Linh (Xu Qiling), nhưng ông Từ Khởi Linh cũng chỉ giữ chức được 2 tháng, cho đến tháng 8/2021 được thay thế bởi ông Uông Hải Giang (Wang Haijiang). Ngày 21/10/2021, chính thức xác nhận ông Trương Húc Đông qua đời ở tuổi 58 vì bạo bệnh. Còn ông Từ Khởi Linh sau đó cũng được cho là mắc ung thư, sau khi trở về Bắc Kinh ông giữ chức Phó tham mưu trưởng của Ban Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương. Chính ủy hiện tại của Chiến khu phía Tây là Tướng Lý Phụng Bưu (Li Fengbiao).

Ông Tập Cận Bình luôn bất an về quân đội?

Về những thay đổi nhân sự thường xuyên trong Chiến khu phía Tây, ngày 14/9, nhà văn tự do Đỗ Chính (Du Zheng) cho biết trong bối cảnh nhạy cảm vấn đề chiến tranh, việc thay tướng liên tục này cho thấy ông Tập Cận Bình không yên tâm với các tướng lĩnh, mặt khác là khả năng cao có vấn đề trong quân đội, chí ít cũng có trường hợp tướng che giấu bệnh tình.

Ông Đỗ Chính từng phân tích rằng kể từ sau Đại hội 19 ĐCSTQ thì hoạt động “đả hổ” của ông Tập Cận Bình trong quân đội đã thuyên giảm, khác hẳn sau Đại hội 18 có gần 200 sĩ quan cấp cao với nhiều người cấp tướng bị thanh trừng. Sau khi tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) bị “ngã ngựa” vào đầu năm 2018, việc xử lý nhiều vị tướng thường ở mức “giơ cao đánh khẽ” (chẳng hạn như cách cách chức Đại biểu Nhân đại hoặc giáng cấp…), và cũng không cho thông báo rầm rộ mà chỉ được thông báo gián tiếp tại Nhân đại, ví dụ các trường hợp bị xử lý năm 2019 như: Trung tướng Nhiêu Khai Huân (Rao Kaixun) – Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chi viện chiến lược, Thiếu tướng Từ Hướng Hoa (Xu Xianghua) – cựu Phó tư lệnh Lục quân chiến khu phía Tây, Thiếu tướng Mạnh Trung Khang (Meng Zhongkang) – cựu Chính ủy quân khu Giang Tô, và Thiếu tướng Diệp Thanh (Ye Qing) – cựu Chính ủy Quân khu Hải Nam. Trường hợp gần nhất là ngày 29/4/2021 ông Tống Học (Song Xue) – cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân bị miễn nhiệm tư cách Đại biểu Nhân đại toàn quốc.

Điều này không có nghĩa là hủ bại trong quân đội ĐCSTQ thuyên giảm, cũng không có nghĩa cho thấy những tướng lĩnh đã trung thành hơn với ông Tập Cận Bình, chỉ có nghĩa là ông Tập đã thay đổi chiến lược tập trung vào việc công khai dùng chức vụ và phúc lợi để thu phục phe cánh, đồng thời bí mật tiếp tục thanh trừng từng đối thủ để thu hẹp áp lực.

Đài Á châu Tự do (RFA) hồi tháng Chín có dẫn lời nhà phân tích nói rằng trước đó vấn đề đẩy mạnh “chống tham nhũng” trong quân đội của ĐCSTQ đã gây ra bất ổn trong quân đội: Đối với các tướng lĩnh quân đội này, điều đó (chống tham nhũng) chẳng có ý nghĩa gì nhiều, tiếp tục (chống tham nhũng) như vậy cũng không có lợi gì, hiện nay trong ĐCSTQ không còn mấy người đặc biệt trung thành nữa, khi mọi người đều cảnh giác lo ngại bị thanh trừng thì “án binh bất động” như vậy càng không mang lại hiệu quả công việc.

Dư luận Trung Quốc có chỉ ra cho rằng kể từ sau Chiến tranh Việt – Trung năm 1979, trong nhiều thập kỷ sau đó quân đội ĐCSTQ đã không trải qua kinh nghiệm thực chiến, thêm vào đó là nạn “mua bán quan chức” trong quân đội đã phổ biến từ hơn chục năm trước khiến nhiều tướng tá bất tài leo lên chức cao dù họ mù mờ chiến thuật. Việc nhiều năm qua, ĐCSTQ đẩy mạnh trang bị vũ khí không có nghĩa lực lượng của họ tinh nhuệ hơn nhờ đó, cũng như khả năng tác chiến của quân đội ĐCSTQ được đánh giá quá cao.