Ngày bế mạc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ),  2 phụ nữ đã tuần hành trên đường Tương Dương Bắc ở Thượng Hải với biểu ngữ màu trắng có nội dung “Không muốn, không muốn, không muốn!”.

p3233771a938815080
Cảnh 2 người phụ nữ diễu hành với biểu ngữ trắng có nội dung “Không muốn, không muốn, không muốn!”  (Ảnh từ MXH)

Một đoạn video kháng nghị được đăng tải trên mạng hôm 23/10, ghi lại cảnh trên đường Tương Dương Bắc ở Thượng Hải rất đông xe cộ qua lại, có 2 người phụ nữ đi trên đường tay giơ biểu ngữ gây chú ý, một số người đã đi theo quay phim và chụp ảnh. Khi họ đang đi bộ với biểu ngữ trước mặt, chiếc xe phía sau cũng đi chậm để tránh họ. Trên biểu ngữ ghi dòng chữ: “Không muốn, không muốn, không muốn!”.

Hành động dũng cảm của 2 người phụ nữ này đã được nhiều cư dân mạng cảm phục. Có người lo lắng cho họ nói: “Liệu họ có bị bắt không, nguy hiểm quá!”; “Hai người phụ nữ này vẫn còn sống chứ?”; “Họ không biết nhà cầm quyền ĐCSTQ đáng sợ thế nào, hy vọng họ được an toàn”… Một số người khác bình luận: “Thật tội nghiệp khi nhìn thấy cảnh không thể giải thích này. Đến quyền lên tiếng cơ bản nhất cũng bị tước đoạt”;“Bắt một Bành Tái Chu sẽ có thêm nhiều Bành Tái Chu khác”….

Ngoài ra hôm 24/10, cộng đồng mạng cũng chia sẻ tin “Một số người còn giương biểu ngữ phản đối trên đường Trường Lạc – Thượng Hải!”. Có cư dân mạng cho biết “hoạt động ở nút giao Từ Huệ – Cảnh An”. Nhưng tin này đến nay không thể xác minh.

p3233772a143529524
Cư dân mạng cho biết một số người cầm biểu ngữ phản đối trên đường Trường Lạc ở Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình)

Trước đó vào ngày 13/10, một số biểu ngữ phản đối đã xuất hiện trên cầu Tứ Thông quận Hải Định – Bắc Kinh: “Không cần axit nucleic mà cần lương thực”, “Không cần phong tỏa mà cần tự do”, “Không cần dối trá mà cần tôn nghiêm”, “Không cần Cách mạng Văn hóa mà cần cải cách”, “Không cần lãnh đạo mà cần bỏ phiếu”, “Không làm nô tài mà làm công dân”, “Bãi khóa, bãi công, bãi độc tài Tập Cận Bình”. Khi đó, người kháng nghị cầm loa phát thanh liên hô vang: “Muốn lương thực, muốn tự do, muốn bầu cử!”. Nguồn tin được cộng đồng mạng chia sẻ cho rằng người biểu tình này tên là Bành Tái Chu (Peng Zaizhou), tên thật là Bành Lập Phát (Peng Lifa). Trước khi giăng biểu ngữ, ông Bành đã lên Twitter kêu gọi sinh viên bãi khóa, công nhân bãi công, quân đội nổi dậy và tài xế bóp còi để phản đối ĐCSTQ trước Đại hội 20. Hiện ông Bành Tái Chu đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ.

Sự kiện này đã gây chấn động dư luận trong và ngoài Trung Quốc. Sau đó có không ít người dân ở những nơi khác như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An… đã truyền tải khẩu hiệu phản đối trên cầu Tứ Thông bằng nhiều cách khác nhau: dán trên vệ đường, cột điện, trong các nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí dư âm cũng dấy lên ở người Hoa tại nước ngoài khiến một số học giả tin rằng “Trung Quốc vẫn còn hy vọng”.

Theo Đài RFI (Pháp), nhiều nhóm người Hoa hải ngoại đang phát động các cuộc biểu tình quy mô lớn trên mạng và tại nơi cư ngụ, đồng thời các khẩu hiệu liên quan đến “Người Chính nghĩa cầu Tứ Thông – Bắc Kinh” cũng đã xuất hiện trên nhiều khuôn viên trường đại học ở nước ngoài.

Nhà Trung Quốc học Bạch Hạ (Bai Xia) cho biết: “Trước hết, vấn đề cho thấy rằng Trung Quốc vẫn còn hy vọng, tiêu biểu như hành động dũng cảm kéo băng rôn biểu tình phản đối trong bầu không khí chính trị căng thẳng trước Đại hội 20 như thế quả là đáng khâm phục, vấn đề càng hiếm thấy khi người này biểu tình một mình trong bối cảnh biết rằng không thể làm dấy lên làn sóng phản đối lớn. Nhưng điều này cũng cho thấy các kênh bày tỏ ý kiến ở Trung Quốc đã bị chặn hoàn toàn, không có biểu hiện hiệu ứng từ người dân và trên internet. Người dân chỉ có thể đứng lên và thể hiện mình theo cách liều chết hoặc ít nhất là bị tước mất tự do, vì vậy hành động này rất đáng khâm phục nhưng [đối với xã hội Trung Quốc] cũng rất đáng buồn”.