Không chỉ xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, nhiều công ty Trung Quốc mới đây đã bị phát hiện chuyển hàng hóa sang đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia, sau đó xuất sang Mỹ để tránh thuế quan.

shutterstock 1232153113
Cảng nước sâu Sihanoukville tại Campuchia. (Ảnh: Shutterstock)

Hôm thứ Tư, ông Arend Zwartjes, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia đã nói với Reuters rằng “Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã kiểm tra và phạt hàng loạt công ty vì hành vi trốn thuế bằng cách vận chuyển hàng hóa Trung Quốc sang Campuchia.”

Tuy nhiên, ông Arend Zwartjes không tiết lộ cụ thể về tên công ty, số lượng công ty cũng như mức tiền phạt và chủng loại hàng hóa mà họ xuất khẩu.

ĐCSTQ là nhà viện trợ và đầu tư lớn nhất của Campuchia, đã đầu tư hàng tỷ đô la thông qua sáng kiến “Một vành đai một con đường” trong nỗ lực tăng cường liên kết với khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.

Theo thỏa thuận thương mại được mở rộng năm 2016, Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Mỹ cho phép Campuchia xuất khẩu hàng hóa du lịch như túi xách, hành lý và phụ kiện sang Mỹ hoàn toàn miễn thuế.

Cách 210km về phía Tây thủ đô Phnom Penh, đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) là thành tựu hợp tác nổi bật của Trung Quốc và Campuchia trong sáng kiến “Một vành đai một con đường”. Đặc khu kinh tế này chủ yếu sản xuất hàng dệt, may mặc, túi xách và các sản phẩm da.

Hiện Ban quản lý đặc khu Sihanoukville không có hồi đáp gì trước các câu hỏi từ hãng tin Reuters. Cục Hải quan và Bộ Ngoại giao Campuchia cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của hãng tin này.

Còn ông Kaing Monika, phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) khẳng định, ông không hề biết việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc sang đặc khu Sihanoukville để trốn thuế. Hiệp hội này đại diện cho 600 nhà máy may mặc ở Campuchia.

Hồi đầu tháng 6, Hải quan Việt Nam phát hiện hơn 10 vụ hàng hóa từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và được dán nhãn mác “Made in Vietnam” để xuất đi Mỹ. Phía Việt Nam cũng đã tiến hành áp thuế chống bán phá giá đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, Bộ Công Thương Việt Nam đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời từ 2,46% đến 35,58% đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hồi tháng 7/2018, Chính quyền Trump bắt đầu tiến hành áp mức thuế nhập khẩu 25% với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. ĐCSTQ cũng ngay lập tức tuyên bố trả đũa sẽ  áp đặt mức thuế 25% đối với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD.

Đến tháng 5/2019, Hoa Kỳ đã tăng mức thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% và đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại.

Để đáp trả, ĐCSTQ đã điều chỉnh tăng thuế lên mức 25%, 20% hoặc 10% đối với một phần hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong danh mục 60 tỷ USD hàng hóa đã áp thuế trước đó.

Tổng thống Mỹ Trump hôm thứ Ba nói rằng ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết, ông sẽ nói chuyện với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhưng vẫn chưa rõ khi nào Mỹ và Trung Quốc sẽ chính thức bắt đầu lại các cuộc đàm phán.

Ông Robert Lighthizer cũng nhấn mạnh lập trường của Mỹ sẽ không thay đổi trong việc yêu cầu Trung Quốc tiến hành cải cách cơ cấu. Đây cũng là vấn đề cốt lõi của cuộc đàm phán Mỹ-Trung.

Minh Ngọc

Xem thêm: