Không ai biết một sinh viên Duy Ngô Nhĩ (Uighur) trở về Trung Quốc từ Ai Cập, sau đó bị cảnh sát bắt đi sẽ xảy ra chuyện gì. Mẹ, hàng xóm, bạn học cùng lớp đều không biết cậu ta đang ở đâu…

Embed from Getty Images

Người Duy Ngô Nhĩ bị kiểm soát chặt chẽ, những người đội khăn trùm đầu, đeo mạng che mặt, để râu dài, mặc quần áo jilbab (quần áo của người theo đạo Hồi) hoặc quần áo in hình mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao đều bị cấm đi xe bus (Ảnh: Getty Images)

Theo Hãng tin AP, các tổ chức nhân quyền và giới học giả đã ước tính có đến hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ chịu số phận tương tự như sinh viên nói trên. Trong tình hình không qua xét xử, họ đã bị đưa vào một trại tập trung bí mật. Họ bị buộc tội phạm tội chính trị – có tư tưởng chủ nghĩa cực đoan khi đi du lịch và học tập ở nước ngoài. Kể từ năm ngoái khi nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng công nghệ giám sát kỹ thuật số cho cảnh sát ở Tân Cương đến nay, bắt đầu nổi lên tình trạng mất tích trên quy mô lớn.

Cùng với trại tập trung, còn xuất hiện số lượng cảnh sát nhiều chưa từng có trên đường phố ở Tân Cương. Các hệ thống giám sát kỹ thuật số tiên tiến theo dõi người Duy Ngô Nhĩ đã đi những đâu, họ đã đọc những gì, họ nói chuyện với ai, nói gì. Trong một hệ thống không rõ ràng, tất cả những người Duy Ngô Nhĩ được xem là kẻ khủng bố tiềm năng, người Duy Ngô Nhĩ liên hệ với người thân ở nước ngoài đều có thể bị thẩm vấn hoặc giam giữ.

>> Trung Quốc thu thập toàn bộ thông tin sinh trắc học của người dân ở Tân Cương

Hành động này được ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) chỉ huy, vào năm 2016 ông ta được thăng chức Bí thư Đảng ủy Tân Cương. Trần Toàn Quốc quyết bắt giam những phần tử muốn ly khai, gây tâm lý khủng bố, ông ta nói phải “đưa những kẻ khủng bố chôn trong đại dương của chiến tranh nhân dân.”

Qua phỏng vấn người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài, tìm đọc tài liệu chính phủ và tiếp cận vùng phía nam của Tân Cương, các phóng viên AP cho biết hiện tượng “chiến tranh chống khủng bố” của nhà cầm quyền Trung Quốc khiến mọi người dân sợ hãi.

Giới chức Trung Quốc cho rằng việc áp dụng các biện pháp an ninh hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết, vì phần tử cấp tiến Duy Ngô Nhĩ kề vai sát cánh với phần tử cực đoan IS (Nhà nước Hồi giáo) của Syria. Tuy nhiên, các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng cách trấn áp này đã cho Al-Qaida cái cớ để sinh sự. Al-Qaida đã phát hành video tuyển dụng người Duy Ngô Nhĩ, lên án nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp họ.

“Vô số lòng hận thù và muốn trả thù từ đó mà sinh ra.” Rukiye Turdush, một nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ sống tại Canada nói: “Chủ nghĩa khủng bố lây lan như thế nào? Đó là khi người ta không có nơi nào để đi.”

Kế hoạch trại tập trung mà chính quyền Trung Quốc quảng cáo là “nơi đào tạo nghề nghiệp”, nhưng mục đích chính của nó dường như là “tẩy não”. Một tài liệu chính thức ở Tân Cương mô tả khóa học bồi dưỡng là “miễn phí, hoàn toàn đóng và quân sự hóa” trong ba tháng đến hai năm. Ở trong đó người Duy Ngô Nhĩ được học “Trung văn, luật pháp Trung Quốc, đoàn kết dân tộc, loại bỏ các ý tưởng cực đoan, chủ nghĩa yêu nước” và thực hiện “Năm với nhau”: sống chung với nhau, thực hành với nhau, học hỏi lẫn nhau, ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau.

Hãng tin AP đưa tin, có 34 trại tập trung ở Korla, Tân Cương, với tổng số hàng ngàn học viên. Một phóng viên AP đã tới thăm một trại tập trung, bảng hiệu treo ở đó ghi là “Nhà giam”. Một trại tập trung khác nằm trên một con đường ở trung tâm thành phố, được cảnh sát mang khẩu súng trường canh giữ. Trại tập trung thứ ba nằm tại một căn cứ quân sự.

Tuyết Mai

Xem thêm: