Trước sự bùng phát dữ dội của dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona mới (COVID-19), hơn 50 thành phố tại Trung Quốc đã tiến hành áp dụng quản lý khép kín nghiêm ngặt và nhiều khu vực bị phong tỏa hoàn toàn. Điều này khiến hàng triệu bệnh nhân AIDS tại Trung Quốc hết sức lo lắng trước nguy cơ thiếu thuốc điều trị.

Bệnh nhân AIDS
Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc ước tính có khoảng 1,25 triệu người nhiễm HIV. Dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ đã khiến các bệnh nhân AIDS vô cùng lo lắng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc điều trị.  (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mới đây, cơ quan phụ trách về bệnh AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) đã tiến hành khảo sát hơn 1.000 người nhiễm HIV ở Trung Quốc và phát hiện dịch COVID-19 gây ra tác động nghiêm trọng cho cuộc sống của họ.

Gần 1/3 (32,6%) trong số các bệnh nhân HIV được khảo sát cho biết, họ gặp nguy cơ không được tiếp tục nhận điều trị HIV trong những ngày tới vì lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 tại nhiều thành phố ở Trung Quốc. Rất nhiều người nhiễm HIV sau khi đi ra ngoài khu vực của họ thì không thể quay trở lại tiếp tục nhận dịch vụ điều trị do lệnh phong tỏa. Gần một nửa số người được khảo sát (48,6%) cũng nói rằng, họ không biết phải đi đâu để tiếp nhận đợt điều trị tiếp theo.

Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima, nhấn mạnh: “Những người sống với HIV phải tiếp tục nhận được thuốc HIV để giữ tính mạng. Chúng ta phải đảm bảo bất kỳ ai cần điều trị HIV đều được đáp ứng, cho dù họ ở đâu.” 

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn nữa là họ sẽ có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc. Một nhân viên tình nguyện về AIDS ở Trung Quốc đã lập một nhóm hơn 100 người nhiễm HIV, đa số ở tỉnh Hồ Bắc để chia sẻ lượng thuốc điều trị nhưng số thuốc này có thể sẽ không cầm cự được trong bao lâu.

Thêm nữa, dịch bệnh do COVID-19 dẫn đến sự đình trệ sản xuất ở Trung Quốc còn tác động lớn đến ngành dược phẩm toàn cầu. Thời báo Tài chính (Anh) hôm 12/2 đưa tin, mặc dù ngành sản xuất dược phẩm tại Trung Quốc không đóng vai trò then chốt như sản xuất máy móc công nghệ hay sản phẩm tiêu dùng, nhưng Trung Quốc lại là thị trường cung cấp nguyên liệu sản xuất dược phẩm toàn cầu, trong đó có các nguyên liệu quan trọng để sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc trị tiểu đường và cả thuốc điều trị HIV v.v.

Ông Umang Vohra, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dược phẩm Cipla cho biết, trừ khi Trung Quốc tiếp tục sản xuất nguyên liệu thô, nếu không hầu hết các công ty dược phẩm trên thế giới sẽ phải rơi vào tình trạng cạn kiệt kho nguyên liệu dự trữ vào cuối tháng Hai này.

Đáng chú ý nhấn là Ấn Độ, quốc gia sản xuất dược phẩm đứng thứ 3 thế giới đang đứng trước nguy cơ đình trệ sản xuất dược phẩm do việc nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc bị đứt đoạn. Theo dữ liệu của Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil), giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thuốc tại nước này đã tăng đột biến, giá các loại Vitamin và Penicillin đã tăng 40-50% trong những ngày gần đây. Hiện nhiều hãng sản xuất dược phẩm Ấn Độ đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào. 

Nếu Trung Quốc vẫn không thể khôi phục chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm trong thời gian tới, thị trường thuốc trên thế giới có thể có nhiều biến động và cuối cùng dẫn đến giá thuốc tăng.

Minh Ngọc

Xem thêm: