Thành phố Thượng Hải đã được hủy bỏ phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) trong một thời gian, nhưng dư chấn tâm lý do phong tỏa kéo dài vẫn còn ở đó: Chính sách ‘Zero-COVID’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến nhiều người có cảm giác bấp bênh, theo đó xu hướng mua sắm nói chung và hàng xa xỉ nói riêng bị giảm đáng kể.

shutterstock 439494394
Cửa hàng LV ở Thượng Hải. (Nguồn: August_0802/ Shutterstock)

Trong những ngày đầu Thượng Hải bỏ phong tỏa, một số người đã bắt đầu “chi tiêu bù” như một phản ứng giải tỏa tâm lý bức bối sau thời gian dài bị bắt ở nhà, khiến lượng mua trở nên bất thường. Tờ Financial Times kể chuyện một chuyên gia game 23 tuổi ở Thượng Hải tên Kiệt Tây (Jie Xi) đã mua một chiếc túi xách Acne Studios trị giá 320 bảng Anh (khoảng 9,1 triệu VNĐ). “Tôi thực sự muốn mua sắm trả thù, vì vậy tôi đã mua kiểu bốc đồng”, cô nói.

Nhưng Kiệt Tây không có kế hoạch sớm mua lại đồ xa xỉ. “Giờ đây tôi đã hạ thấp mức tiêu chuẩn khiến tôi hài lòng, chỉ cần đi dạo dưới ánh nắng mặt trời và mua một số món ăn nhẹ ngon cũng khiến tôi hài lòng. Tôi thà chi nhiều tiền hơn cho các hoạt động mà tôi có thể trải nghiệm trực tiếp, chẳng hạn như du lịch chứ không phải mua đồ xa xỉ”, cô nói. “Bây giờ tôi không nghĩ chúng ta cần hàng xa xỉ bởi vì khi các quyền con người cơ bản không được đảm bảo thì không cần thiết phải tiêu dùng kiểu tiểu tư sản”.

Sự kiên định của chính quyền ĐCSTQ đối với chính sách ‘Zero-COVID’ gây ra bầu tâm lý xã hội về một cuộc sống đầy bấp bênh, bất ngờ không thể đoán trước. Việc phong tỏa kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm tài chính và kinh tế lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, thủ đô Bắc Kinh, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm, mua sắm trực tuyến và du lịch trong nước.

Nhà nghiên cứu khoa học 28 tuổi Andrew đến từ Thượng Hải nói với Financial Times về cảm giác của anh sau khi phong tỏa được dỡ bỏ: “Tôi cảm thấy 70% là hạnh phúc, 20% là tổn thương tâm lý, 10% là cảnh giác”. Dù thu nhập của anh không bị ảnh hưởng nhưng anh đã trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu, “nói chung ít mua sắm hơn”. “Tôi đã đi làm trở lại, có thể đi mua sắm và ít nhiều có thể sống như một người dân thành phố hiện đại. Nhưng thật khó để những ai từng trải qua những gì đã xảy ra ở Thượng Hải mà không bị chấn thương tâm lý. Tôi bi quan đối với việc ‘cuộc sống trở lại bình thường’, tình hình sẽ không bao giờ trở lại trạng thái bình thường như trước đây vì tôi phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng [trước bất trắc có thể đến không báo trước]”.

Cảm giác bấp bênh từ hệ quả chính sách phong tỏa cũng đang ảnh hưởng đến các nhà phân tích thị trường, đa số tin rằng sự phục hồi của tiêu dùng xa xỉ ở Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn so với năm 2020. Có tới 40% chuỗi cửa hàng xa xỉ phẩm đã bị đóng cửa do chính sách phong tỏa gần đây của Thượng Hải, điều này đã được phản ánh đầy đủ trong báo cáo tài chính mới nhất của các công ty hàng xa xỉ như Kering, LVMH và Richemont.

Chủ tịch Johann Rupert của công ty công ty cổ phần hàng xa xỉ Richemont (Thụy Sĩ) cho biết trong một cuộc họp với các nhà phân tích vào tháng Năm rằng: “Chúng ta phải tính toán, vấn đề phục hồi thị trường Trung Quốc sau khi bị phong tỏa sẽ không dễ dàng”; “Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại. Tôi không chắc bất kỳ xã hội nào từng trải qua kiểu phong tỏa này mà có thể đạt được tăng trưởng 6%, 7% hay 5%. Có thể sẽ mất một thời gian để phục hồi”.

Cửa hàng tàu chiến Trung Quốc trụ sở ở Thượng Hải của công ty hàng xa xỉ Lane Crawford đã phải đóng cửa trong 2 tháng Thượng Hải phong tỏa. Ban đầu khi phong tỏa được dỡ bỏ, người mua sắm đã đổ xô đến mua, nhưng xu thế này nhanh chóng qua đi. Chủ tịch Blondie Tsang của họ cho biết: “Trong cuối tuần đầu tiên khai trương cửa hàng, tất cả các dãy phòng VIP của chúng tôi đã được đặt hết và doanh số của chúng tôi vượt quá bình thường của một ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên nhìn chung, lưu lượng khách hàng đã giảm… mọi người vẫn cảnh giác, vì vậy chúng tôi tìm cách để hy vọng có được tỷ lệ mua cao hơn từ lưu lượng người mua thấp hơn”.

Chính sách ‘Zero-COVID’ của ĐCSTQ đã có những tác động kinh tế khác nhau đối với những người tiêu dùng khác nhau ở Trung Quốc và rõ ràng là tầng lớp trung lưu đang cảm thấy áp lực. Chủ doanh nghiệp 39 tuổi ở Thượng Hải là cô Affe cho biết đã phải chịu đựng mức thu nhập bằng 0 kéo dài 3 tháng, và cô cho rằng sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu trong ít nhất 6 tháng tới. Dù vậy, một giáo viên dạy nhạc 28 tuổi ở Thâm Quyến là Triệu Lệ Anh (Zhao Liying) hoàn toàn không bị ảnh hưởng, sau khi phong tỏa được dỡ bỏ, cô mua một chiếc túi xách mới xa xỉ hiệu Hermès.

Một người mua sắm 28 tuổi đến từ Thượng Hải là Giai Giai (Jiajia) cũng không bị ảnh hưởng về mặt tài chính, nhưng tiêu dùng của cô đã chuyển từ quần áo sang hàng gia dụng. Cô nói: “Tôi không có nhiều ham muốn xa hoa đến vậy, hiện tại đa số thời gian tôi ở nhà, vì vậy điều quan trọng hơn là phải cải thiện chất lượng cuộc sống của tôi ở nhà”.

Reuters đưa tin, nhiều nhân viên bán lẻ ở Thượng Hải chỉ ra, tâm lý mua sắm đã giảm mạnh trong nhiều tuần sau khi dỡ bỏ phong tỏa, số lượng lớn người tiêu dùng ở Thượng Hải vẫn chưa quay trở lại các trung tâm mua sắm, lưu lượng tại các trung tâm thương mại lớn ở trung tâm thành phố chỉ bằng 50% mức bình thường trước đây. Người Thượng Hải không còn nhu cầu bức thiết đến những nơi công cộng trong nhà, chủ yếu là vì sợ lại bị cơ quan chức năng bắt nhốt. Vì chính sách ‘Zero-COVID’ cực đoan khiến cứ mỗi khi phát hiện có một ca COVID-19 mới nhiễm ở một khu vực thì cơ quan chức năng lại phong tỏa khu vực đó.