Sau khi Nga tấn công Ukraine, chính quyền Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ phản đối các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Nga. Tất cả những điều này khiến nguồn vốn quốc tế lo ngại, dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy Trung Quốc xuất hiện hiện tượng dòng vốn chảy ra ngoài chưa từng có.

IIF: Trung Quốc xuất hiện dòng vốn chảy ra ngoài chưa từng có 

Nga lần lượt bị các nước châu Âu và Mỹ trừng phạt vì tấn công Ukraine, nền kinh tế và tài chính của nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Việc chính quyền Bắc Kinh biểu đạt thái độ về cuộc tấn công này có thể khiến chính họ phải chịu lệnh trừng phạt thứ cấp từ các nước Âu Mỹ, do đó làm bùng phát làn sóng rút vốn của nước ngoài.

Các nhà phân tích tại Viện Tài chính Quốc tế (Institute of International Finance, IIF) cho biết sau khi tổng hợp dữ liệu hàng ngày rằng từ cuối tháng Hai, dòng vốn toàn cầu có sự thay đổi “rất bất thường” ở các nước thị trường mới nổi, bởi vì các nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc trong khi các thị trường khác không thay đổi.

IIF là hiệp hội tài chính toàn cầu có ảnh hưởng nhất, là hiệp hội thường tổ chức thương mại cho ngành dịch vụ tài chính toàn cầu. Các thành viên của IIF bao gồm các ngân hàng thương mại và đầu tư, nhà quản lý tài sản, công ty bảo hiểm, quỹ tài sản có chủ quyền, quỹ đầu cơ, ngân hàng trung ương và ngân hàng phát triển.

Trong một báo cáo ngày 24/3, ông Robin Brooks – nhà kinh tế trưởng của IIF, cùng các đồng nghiệp của ông đã viết: “Chúng tôi nhìn thấy quy mô và cường độ các dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc là chưa từng có, đặc biệt chúng tôi không thấy các dòng vốn xuất hiện hiện tượng chảy ra ngoài tương tự tại các thị trường mới nổi khác.”

Báo cáo viết: “Dòng vốn chảy ra nước ngoài sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang nhìn nhận Trung Quốc dưới góc độ mới.

Các nhà kinh tế nói rằng dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, cộng thêm việc các công ty nước ngoài tuân theo các biện pháp trừng phạt tương ứng, ngoại giới có thể chứng kiến lợi ích thu được từ kinh tế Nga ​​hơn một thập kỷ bị bốc hơi.

Theo phân tích của IIF trước đó, nền kinh tế Nga sẽ giảm khoảng 15% trong năm 2022 do nhiều lệnh trừng phạt áp đặt đối với hành động Nga tấn công Ukraine. Mức độ suy thoái có thể gấp đôi so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Mặc dù IIF không dự kiến dòng vốn chảy ra sẽ lan rộng khắp các thị trường mới nổi, nhưng hiệu ứng lan tỏa của cuộc chiến tranh đang khiến các nhà quan sát thị trường ở Trung Quốc lo ngại.

Theo Bloomberg, dữ liệu chính thức cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào tháng trước, mức chảy ra hàng tháng lớn kỷ lục. Các nhà theo dõi thị trường đã suy đoán rằng Moscow có thể bán cổ phần của Trung Quốc để tập trung nguồn vốn, do dự trữ ngoại tệ bằng đồng euro và đồng đô la Mỹ mà Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ đã bị đóng băng.

Một số lo ngại rằng lập trường thân Nga của Bắc Kinh có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây sau Nga.

Mối lo ngại này cũng được phản ánh trên thị trường chứng khoán. Vào ngày 11/3, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã chỉ định 5 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, yêu cầu họ phải kịp thời gửi các tài liệu kiểm toán chi tiết cho cơ quan quản lý, nếu không họ sẽ bị trục xuất khỏi các sàn giao dịch của Mỹ. Tin tức này đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu của các công ty Trung Quốc ở Mỹ và Hồng Kông.

Ngoài ra, đợt bùng phát mới của COVID-19 ở nhiều nơi ở Trung Quốc và một cuộc đàn áp bằng quy định “quản lý giám sát” của Bắc Kinh, cũng đã gây ra sự hoảng sợ cho các nhà đầu tư.

Thái độ thân Nga của Bắc Kinh gây hậu quả nghiêm trọng

Thay vì sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Ukraine, chính quyền Bắc Kinh đã từ chối lên án Nga gây chiến hoặc tham gia lệnh trừng phạt. Đồng thời Bắc Kinh còn nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục thiết lập quan hệ thương mại bình thường với Nga, tích cực tuyên truyền các luận điệu chấp nhận thân Nga, và còn tuyên bố mình có vai trò “trung lập”.

Ngày 23/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích chính quyền Bắc Kinh lan truyền “những lời nói dối trắng trợn và thông tin sai lầm”. Trong cuộc họp báo ngày 24/3, ông nói rằng “tuyệt đối không nên cung cấp hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự cho cuộc xâm lược của Nga“.

Cùng ngày 24/3, Nhà Trắng cảnh báo Bắc Kinh không nên sử dụng các cơ hội kinh doanh do các lệnh trừng phạt tạo ra để “tiếp máu” cho nền kinh tế Nga. Vì trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Nga kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc tại Nga không nên lãng phí thời gian, hãy “lấp đầy những khoảng trống trong nền kinh tế Nga”.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về “hậu quả” nếu Bắc Kinh hỗ trợ Nga vật tư chiến tranh.

Kênh CNN Business tại Mỹ trước đó đã phân tích, mặc dù Nga phụ thuộc vào Trung Quốc ở một mức độ nhất định trong thương mại, nhưng Nga không phải là đối tác chính của Trung Quốc trong ngoại thương. Ngoài ra, các công ty và tổ chức tài chính Trung Quốc cũng lo ngại, nếu giao dịch với các công ty Nga, họ sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các lệnh trừng phạt.

Ông Craig Singleton, một học giả tại “Quỹ Bảo vệ Dân chủ” (Foundation for Defense of Democracies), một tổ chức nghiên cứu tư vấn tại Mỹ, nói rằng các công ty và tổ chức tài chính của Trung Quốc “nếu bị nhận định là dùng bất kỳ cách nào có ý nghĩa để giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, thì chẳng bao lâu nữa họ sẽ thấy mình bị phương Tây xem xét một cách nghiêm ngặt.”

Ông Neil Thomas, nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết: “Hầu hết các tổ chức tài chính và công ty Trung Quốc không thể chấp nhận hậu quả của việc không thể sử dụng đồng đô la Mỹ và công nghệ của Mỹ. Hiện tại vẫn chưa có các dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh cho rằng việc mình bị các nước phương Tây trừng phạt vì giúp đỡ Nga là đáng.”

Ông cũng nói rằng Bắc Kinh cũng sẽ phải đối mặt với “các hình phạt kinh tế nặng nề” nếu vi phạm trắng trợn các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt.