Vào ngày 24 tháng 3, tòa án ở thành phố Fuyang, miền trung Trung Quốc, thông báo rằng một bệnh viện trị giá 1,5 tỷ USD được xây dựng chỉ 4 năm trước đó đã nộp đơn phá sản vì không có khả năng trả nợ.

Embed from Getty Images

Trong phần lớn thời gian hai năm qua, Bệnh viện Minsheng tại Fuyang đã tham gia tích cực vào các chương trình tiêm chủng và xét nghiệm virus corona hàng loạt trong thành phố, đào tạo gần 100 nhân viên thực hiện việc ngoáy họng và thiết lập các cơ sở tiêm chủng lưu động đến trường học và nơi làm việc, tất cả làm theo lệnh của các quan chức thành phố.

Việc chuyển hướng các nguồn lực sang chiến lược Zero COVID theo chỉ thị của chính quyền đã buộc bệnh viện phải tạm dừng nhiều dịch vụ mà họ dựa vào để kiếm doanh thu, khiến tài chính của bệnh viện thâm hụt nghiêm trọng.

Một phán quyết dân sự từ tòa án Fuyang xử lý đơn xin tái cơ cấu phá sản của Minsheng cho biết bệnh viện gặp “khó khăn về kinh phí” do “ảnh hưởng của dịch bệnh” cũng như việc không đảm bảo được các khoản vay ngân hàng.

Theo Kanyijie, một chuyên gia về dịch vụ thông tin ngành y tế Trung Quốc, bệnh viện Minsheng rộng 16 ha với quy mô 1.000 giường, đã dần rơi vào khủng hoảng ngay sau khi làn sóng virus đầu tiên lây lan tại Trung Quốc.

“Kể từ tháng 1 năm 2020, để hợp tác với công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố, bệnh viện đã đình chỉ một số hoạt động chẩn đoán và điều trị và thu nhập đã giảm đáng kể”, Kanyijie cho biết vào tháng 4. “Về cơ bản không có thu nhập từ y tế và áp lực kinh tế là rất lớn.”

Ngay cả sau khi phá sản, các quan chức chính quyền địa phương vẫn công khai lệnh cho nhân viên y tế tại bệnh viện mặc đồ bảo hộ và đi tới cái được gọi là “tiền tuyến” của cuộc chiến chống lại virus corona, nơi các bác sĩ và y tá đã vắt kiệt sức để có thể hoàn thành 400.000 cuộc xét nghiệm axit nucleic trong năm ngày.

Minsheng chỉ là một trong số hàng chục bệnh viện tư nhân đã tuyên bố phá sản ở Trung Quốc trong hai năm qua, là bằng chứng về hậu quả khôn lường của chính sách thiếu linh hoạt của đất nước.

Trung Quốc đã thực thi chương trình ‘Trung Quốc khỏe mạnh’ nhằm nâng tuổi thọ trung bình từ 76 lên 79 vào năm 2030, đồng thời tăng tỷ lệ sống sót vì ung thư và các bệnh mãn tính khác. Nhưng “Zero-COVID” có thể khiến những mục tiêu đó khó đạt được.

Hong Xiao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, người đang nghiên cứu tác động lâu dài của đại dịch đối với các bệnh viện của Trung Quốc cho biết: “Các cơ sở y tế ở tất cả các cấp và ở tất cả các tỉnh đều bị ảnh hưởng.” 

“Nguồn nhân lực và tài chính đã được chuyển hướng từ chăm sóc bệnh nhân ngoại trú và nội trú thông thường mắc các bệnh không phải COVID-19 sang việc xét nghiệm hàng loạt và/hoặc đáp ứng sự gia tăng các bệnh nhân COVID-19.”

Các nhà lãnh đạo của đất nước 1,4 tỷ dân đã kiên định bảo vệ phương pháp “Zero COVID” như một lựa chọn ít tốn kém nhất và cần thiết để ngăn việc các bệnh viện bị quá tải và để bảo vệ dân số già.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phát biểu trong chuyến thăm Vũ Hán tuần trước, thừa nhận các tổn thất kinh tế của “Zero COVID”, nhưng nói rằng hậu quả sẽ là “không thể tưởng tượng được” nếu Trung Quốc chấp nhận virus corona là bệnh đặc hữu, như hầu hết tất cả các nước lớn khác trên thế giới.

Các bệnh viện tư nhân là một phần quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, chiếm khoảng 15% tổng số lượt khám bệnh vào năm 2020, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ. Tính đến cuối năm 2020, cả nước Trung Quốc có 35.394 bệnh viện, cả công lập và tư nhân.

46 bệnh viện tư nhân lớn đã tuyên bố phá sản vào năm 2021, và 26 bệnh viện tư nhân đã chính thức phá sản chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, bao gồm cả Minsheng, theo cơ sở dữ liệu thông tin doanh nghiệp Tianyancha. 

Trên thực tế, các bệnh viện và dịch vụ y tế trên toàn thế giới đều đã chứng kiến tình trạng bị gián đoạn và sụt giảm doanh thu do COVID-19, và một số đã đóng cửa ở Trung Quốc là do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như chính phủ đặt giới hạn giá thuốc, một nguồn thu béo bở của nhiều bệnh viện.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tỷ lệ thăm khám tại các bệnh viện tư nhân tại Trung Quốc đã giảm mạnh, một phần là do các chính sách buộc họ phải gửi bệnh nhân có các triệu chứng giống COVID đến các cơ sở công cộng. Do tình trạng phong tỏa chặt, cũng như lo sợ bị cách ly hoặc nhập viện, nhiều người đã không thể hoặc không muốn đến bệnh viện để điều trị các bệnh khác, làm mất đi doanh thu của các bệnh viện.

Theo số liệu chính thức mới nhất, tổng số lượt khám bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, cả công và tư, đạt 7,74 tỷ lượt vào năm 2020, giảm gần 1 tỷ lượt so với năm trước. Đây là mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2003.

Xuân Lan (theo Reuters)