Ủy ban Olympic Trung Quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) cáo buộc “liên tục cản trở” hoạt động tìm hiểu đưa tin về công tác tổ chức trước Thế vận hội Mùa đông, từ chối hoặc phớt lờ yêu cầu xin phỏng vấn, đồng thời theo dõi và gây áp lực đối với các phóng viên.

shutterstock 1337783453
Biểu tượng Olympic Bắc Kinh 2022 đặt tại Sân vận động Tổ chim Bắc Kinh. (Ảnh: Mirko Kuzmanovic / Shutterstock).

Nguồn tin dẫn từ Guardian, trong một tuyên bố nghiêm khắc vào ngày 2/11 của FCCC – tổ chức đại diện cho truyền thông nước ngoài tại Trung Quốc – đã kêu gọi Ủy ban Olympic Trung Quốc bảo đảm tính minh bạch và rõ ràng.

FCCC cũng cáo buộc Ủy ban Olympic Trung Quốc đã không tuân thủ các quy chế của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), qua đó yêu cầu tổ chức này đảm bảo hỗ trợ hoạt động thông tin đầy đủ nhất cho công luận thế giới. Thế vận hội Mùa đông sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

FCCC cho biết: “Các thành viên của chúng tôi đã nhiều lần hỏi [Ủy ban Olympic Bắc Kinh] cách thức để các cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin về Thế vận hội, nhưng câu trả lời mà họ nhận được là mâu thuẫn hoặc hoàn toàn bị phớt lờ… Các thành viên của FCCC báo cáo rằng họ đã mất vài tuần để cố gắng lấy thông tin liên lạc của những người quảng bá truyền thông của Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh, nhưng thông tin có được không đáng kể hoặc không chính xác”.

FCCC tuyên bố rằng trong năm qua giới phóng viên nước ngoài về cơ bản không thể tham gia được các cuộc họp báo hoặc sự kiện được mở cửa cho truyền thông trong Trung Quốc.

Cũng theo tuyên bố của FCCC: “Các phóng viên nước ngoài cố gắng đăng ký tham gia sự kiện đã bị từ chối vì Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh chỉ hạn chế cho cơ quan truyền thông được họ lựa chọn tham dự, cho rằng sự kiện đã kín chỗ hoặc vì người họ mời tham gia chỉ có thời gian chuẩn bị quá ngắn nên không thể kịp gửi kết quả kiểm tra COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).”  

FCCC đã cung cấp một số lời khai, trong đó có một phóng viên Mỹ nói rằng họ đã cố gắng chụp ảnh một địa điểm bằng điện thoại di động trên đường công cộng, nhưng bị cảnh sát chặn lại và thẩm vấn. Một hãng truyền hình khác nói rằng họ đã bị phía sắp xếp dẫn đi thăm địa điểm tổ chức Olympic gọi điện và lớn tiếng lên án vì một bản tin đề cập đến vấn đề nhân quyền. Hãng truyền hình cho biết: “Kể từ đó, chúng tôi không được phép vào”.

Phóng viên của một tờ báo châu Âu khi cố gắng đến thăm địa điểm tổ chức Olympic đã bị chặn lại ở lối vào của các sân vận động tại Sùng Lễ và Diên Khánh. Phóng viên nói: “Loại tình huống không cho tiếp cận này có nghĩa là tuyên bố của truyền thông nhà nước Trung Quốc về tính bền vững về môi trường của địa điểm này không thể được xác minh”.

FCCC còn nhấn mạnh việc họ không rõ về các điều kiện cho phép đến thăm đối với các phóng viên nước ngoài, bao gồm việc họ có được phép đi lại trong và ngoài Bắc Kinh hay không, và các biện pháp kiểm dịch yêu cầu với họ như thế nào.

Hiện nay Trung Quốc vẫn nỗ lực thực hiện chính sách “không sống chung với COVID-19” và đã xây dựng một hệ thống quản lý “khép kín” cho Thế vận hội. Trong hệ thống này, tất cả những người tham gia và nhân viên chỉ có thể tập luyện, thi đấu và làm việc giữa các địa điểm liên quan đến Thế vận hội, di chuyển trong hệ thống giao thông chuyên dụng.

Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa ĐCSTQ và các cơ quan truyền thông quốc tế đã giảm sút nghiêm trọng. Nhiều vị trí truyền thông quốc tế ở Trung Quốc, bao gồm của các cơ quan truyền thông lớn như The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, cũng như tất cả các cơ quan truyền thông của Úc, vẫn bị bỏ trống sau vụ việc năm 2020 khi Bắc Kinh trục xuất hoặc buộc hàng chục phóng viên nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Kể từ đó, chính quyền ĐCSTQ chỉ xử lý đơn xin thị thực của một số rất ít phóng viên nước ngoài muốn nhập cảnh vào Trung Quốc, còn đơn xin thị thực của hàng chục phóng viên vẫn chưa giải quyết. Điều này đặt ra vấn đề về hoạt động đưa tin của truyền thông quốc tế về Thế vận hội Mùa đông tại Trung Quốc.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) kêu gọi Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh cần bảo đảm minh bạch và rõ ràng cho giới truyền thông quốc tế, cần giải quyết các thị thực không được chấp thuận, cải thiện quyền tiếp cận các sự kiện và địa điểm tin tức, đồng thời bổ nhiệm các quan chức truyền thông chuyên nghiệp để có thể cung cấp hỗ trợ tốt nhất.

FCCC cho biết: “Chỉ còn chưa đầy 3 tháng là đến ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2022 nhưng vẫn còn nhiều bất ổn trong vấn đề cách thức để phóng viên nước ngoài có thể đưa tin về Thế vận hội”.

Trung Quốc xếp hạng 4 ngược về Chỉ số Tự do Báo chí Toàn cầu

Trước đó vào ngày 20/4, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders), một tổ chức thúc đẩy quyền tự do báo chí, đã công bố một báo cáo về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021. Theo đó, Trung Quốc xếp thứ 177, tức là thứ 4 từ dưới lên. Đài Loan đứng thứ hai ở châu Á và đứng thứ 43 thế giới, trong khi Hồng Kông đứng thứ 80 thế giới.

Trong số 180 nước trong báo cáo này, Bắc Âu là vùng có mức độ tự do báo chí cao nhất, Na Uy đã đứng đầu năm thứ 5 liên tiếp, tiếp theo là Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch.

Ngoài Trung Quốc thì những nước có mức độ tự do báo chí thấp nhất có thể kể như Turkmenistan, Bắc Triều Tiên và Eritrea.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: