Có nhiều lo ngại rằng các quyền tự do còn lại của Hồng Kông sẽ bị thắt chặt hơn khi ông Lý Gia Siêu (John Lee), một võ quan xuất thân trong quân đội, dự kiến ​​sẽ trở thành Trưởng đặc khu tiếp theo. Kể từ phong trào chống dẫn độ năm 2019, hơn 10.000 người đã bị bắt ở Hồng Kông.

p2860331a729273421
Tòa án sơ thẩm Tây Cửu Long (Kowloon) ở Hồng Kông. (Ảnh: Lý Thiên Chính / Vision Times)

Trong 2 năm sau khi thực hiện “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, các vụ bắt giữ của cảnh sát vẫn chưa dừng lại. Gần đây, cảnh sát đã bắt giữ 6 người, trong đó có Đặng Kiến Hoa, cựu phó chủ tịch Công đoàn, vì tình nghi có “hành vi có ý kích động” khi ngồi nghe tại tòa.

Ngày 6/4, Sở An ninh Quốc gia của cảnh sát đã bắt giữ Đặng Kiến Hoa, Tô Dật Giai, Bành Mãn Viên, Tiêu Vân Long, Triệu Mỹ Anh và Lý Vịnh Cầm để điều tra và khám xét nhà của họ.

Cảnh sát cáo buộc rằng những người này bị nghi ngờ “cố ý thực hiện các hành vi quấy rối” khi tham dự phiên xét xử vụ án tại các tòa án khác nhau từ tháng 12/2021 – 1/2022, như  Tòa án cấp cao, Tòa án sơ thẩm Tây Cửu Long và Tòa án sơ thẩm Miền Đông, “ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của tòa án và sự trang nghiêm của tư pháp.”

p2923211a181164619
Đặng Kiến Hoa (bên trái) tổ chức một cuộc họp báo với Trâu Hạnh Đồng, phó chủ tịch “Liên minh Công dân Hồng Kông ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước” vào tháng 4 năm ngoái, chú ý đến việc chính quyền Hồng Kông sửa đổi luật nhập cư. (Ảnh: Lý Tình / Vision Times)

Kể từ phong trào chống dẫn độ năm 2019, tính đến tháng 1 năm nay, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 10.277 người. Trong số này, 1.858 người đã hoàn tất các thủ tục tố tụng tư pháp, tổng cộng 1.158 người bị kết án, với mức án nặng nhất là 12 năm tù, 952 người vẫn đang trong quá trình tố tụng tư pháp. Ngoài ra, còn có 85 vụ án liên quan đến “Luật An ninh quốc gia”, trong đó 64 vụ đã khép lại.

Hàng ngàn người biểu tình và nhà hoạt động đã bị bắt và đưa ra tòa. Điều này khiến những người ủng hộ có mặt tại phòng xử án trở thành “người nghe” cổ vũ cho những người bị bắt. Một luật sư lớn đại diện cho chính phủ, với tư cách là công tố viên, cho biết ông ấy đã bị một số “người nghe” trong và ngoài tòa án quấy rối.

Trước đây, nếu ai đó quấy rối tòa án, thường bị xử tội “khinh thường tòa án”, nhưng lần này nhà chức trách đã đẩy sự việc đến mức phạm phải “Luật An ninh Quốc gia” và bắt giữ Đặng Kiến Hoa cùng 6 người khác với tội danh “kích động”. Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, cảnh sát không cho biết hành động cụ thể nào của 6 người bị bắt được cho rằng bị tình nghi phạm tội “kích động”.

Tại Hồng Kông, hầu hết các phiên tòa đều được mở công khai, công dân được tự do ra vào ngồi nghe. “Người nghe” thỉnh thoảng sẽ hét lên vài câu để động viên bị cáo trước tòa, nếu không hài lòng thì thẩm phán sẽ cảnh cáo trước tòa, nhưng chưa từng có ai bị bắt. Do đó, một số người dân nghi ngờ về tội danh mà phía cảnh sát cố tình thêu dệt, nhằm hãm hại Đặng Kiến Hoa và những người khác.

Đặng Kiến Hoa là cựu Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Hồng Kông (gọi tắt là Công đoàn). Các tổ chức công đoàn đã bị giải tán vào tháng 10 năm ngoái. Trước đó, cảnh sát đã yêu cầu các tổ chức công đoàn cung cấp thông tin về cách thức vận hành và các hoạt động, nguồn thu và chi phí của họ trong quá khứ, nhưng các tổ chức công đoàn không hợp tác.

Ngày 31/3, cảnh sát đã khám xét nhiều địa điểm khác nhau của Công đoàn. Đặng Kiến Hoa và cựu chủ tịch Hoàng Tù Nguyên, và cựu thủ quỹ Chung Tùng Huy đã bị cảnh sát an ninh quốc gia đưa đi hỗ trợ điều tra. Ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), cựu tổng thư ký của Công đoàn, người đã bị bỏ tù, cũng là một ví dụ về việc đưa đi hỗ trợ điều tra.

Theo báo cáo, “Tội kích động” là một đạo luật từ thời Hồng Kông còn là thuộc địa của Anh. Khi đó, luật này chủ yếu nhắm vào các tổ chức cánh tả của Hồng Kông bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bí mật thao túng, nhưng chưa hề được sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Đến nay, chính quyền Hồng Kông lại sử dụng luật này để thanh trừng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, buộc tội các thành viên của tổ chức công đoàn dân chủ xuất bản sách ảnh cho trẻ em và những công dân chỉ trích chính phủ.

Sau “Luật An ninh Quốc gia”, quyền lực của cảnh sát Hồng Kông được mở rộng vô hạn. Những người bất đồng chính kiến ​​liên tục bị khám xét và bắt giữ. Nếu người dân hô to những khẩu hiệu như “phản đối chế độ độc đảng chuyên chế”, “không có côn đồ chỉ bạo chính”, “khôi phục Hồng Kông, cách mạng thời đại”, họ đều sẽ bị coi là đang “kích động” và sẽ bị kết tội.

Đến nay, hơn 50 đoàn thể và tổ chức dân sự đã buộc phải giải tán dưới áp lực của Luật An ninh Quốc gia; hơn 170 nhà dân chủ, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, … nổi tiếng đã bị bắt giam.

Các kênh truyền thông độc lập như “Apple Daily”, “Stand News” … bị buộc phải ngừng hoạt động do chính phủ đóng băng, và một số nhà hoạt động buộc phải sống lưu vong.