Hôm 11/9, truyền thông Hồng Kông tiết lộ, trong nửa năm kể từ khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực, Google đã có 3 lần giao dữ liệu người dùng cho chính phủ Hồng Kông, trái với cam kết ban đầu mà công ty này đưa ra.

p2916871a934406142
Trụ sở chính của công ty Google. (Nguồn: The Pancake of Heaven! / CC BY-SA 4.0)

Sau khi Luật An ninh Quốc gia khu vực Hồng Kông có hiệu lực, người Hương cảng lo lắng những ngôn luận trên mạng và tung tích có thể bị giám sát, thậm chí có thể bị buộc tội. Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Twitter khi đó đều công khai cam kết ngừng trực tiếp trả lời yêu cầu bàn giao dữ liệu cho chính quyền Hồng Kông, trừ phi thông qua Bộ Tư pháp Mỹ và Thỏa thuận tư pháp song phương. Tuy nhiên đến nay, Google đã 3 lần bàn giao dữ liệu cho chính quyền sau khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực được nửa năm.

Trang ‘Hong Kong Free Press’ (HKFP) đưa tin, trong thời gian nửa năm từ tháng 7/2020 – 12/2020, chính quyền Hồng Kông đã có 43 lần đưa ra yêu cầu cho Google để lấy dữ liệu người dùng, liên quan đến 47 tài khoản. Trong đó có 3 lần giao dữ liệu người dùng theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông. Thông tin trích dẫn tuyên bố của Google cho biết lý do của của 3 lần yêu cầu lấy dữ liệu này, có 2 lần là liên quan đến tội phạm buôn người, một lần liên quan đến “thông tin đe dọa đến tính mạng đáng tin cậy”, tuy nhiên các thông tin chi tiết không được tiết lộ thêm. Còn các yêu cầu khác đều bị Google từ chối. 

Khi hồi đáp về câu hỏi Google đã nói, dữ liệu mà Google cung cấp không bao gồm dữ liệu nội dung của người dùng. Tuy nhiên HKFP đã tra lại “điều khoản thông thường” của Google thì phát hiện điều khoản “hồi đáp lại yêu cầu của chính phủ” của Google. Trong đó nêu rõ có thể cung cấp “siêu dữ liệu” (metadata), tức danh tính, địa chỉ email liên quan, số điện thoại, thông tin hóa đơn, còn có tiêu đề email của người dùng. Bên trong có chứa danh tính, địa chỉ email của người nhận, thời gian gửi, v.v. Điều này có nghĩa là chính quyền có thể dựa vào đó để tra ra được người dùng có trao đổi qua lại với ai. Google đã không trả lời về việc họ đã thông báo cho các chủ tài khoản về yêu cầu cung cấp thông tin hay chưa.

Google từng công khai cam kết không giao dữ liệu

Google cũng thừa nhận, 3 yêu cầu lấy dữ liệu người dùng nói trên đều là được giao thông qua Bộ Tư pháp Mỹ và Thỏa thuận hỗ trợ tư pháp song phương (MLAT). Giải thích của Google là, các đăng ký tiết lộ khẩn cấp liên quan đến các mối đe dọa tính mạng không cần được MLAT xem xét. Google cũng tuyên bố rằng hiện tại, hầu hết các yêu cầu cung cấp thông tin của chính quyền Hồng Kông đều được xử lý thông qua các thủ tục ngoại giao, bao gồm bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến Luật An ninh Quốc gia.

HKFP đưa tin rằng sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực vào năm ngoái, Google đã thông báo vào tháng 8 rằng họ sẽ ngừng trả lời trực tiếp yêu cầu cung cấp dữ liệu của chính quyền Hồng Kông. Nếu chính quyền Hồng Kông muốn yêu cầu thông tin trong tương lai, Google sẽ chuyển yêu cầu đó đến Bộ Tư pháp Mỹ để xem xét xem liệu yêu cầu có tuân thủ các quy định liên quan của MLAT hay không, quá trình này mất vài tháng và thủ tục giống như hiện tại Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Google cung cấp thông tin. Tuy nhiên, lần này Google đã gửi thông tin tới chính quyền Hồng Kông, điều này phản ánh rằng công ty đã khôi phục lại chính sách cũ ở một mức độ nhất định.

Bản tin dẫn lời của ông Phạm Kiến Văn (Eric Fan Kin Man), Phó chủ tịch phụ trách quyền riêng tư và an ninh mạng của Phòng Thương mại Công nghệ Thông tin Hồng Kông, nói rằng ông rất ngạc nhiên trước hành động của Google vì nó không phù hợp với tuyên bố công khai của họ vào năm ngoái và cũng thiếu lời giải thích. Ông nói: “Sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực, nhiều người có yêu cầu cao hơn về quyền riêng tư cá nhân.”

Google phối hợp chặt chẽ với yêu cầu của Chính quyền Hồng Kông trong thời gian diễn ra phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ

Kiểm tra “Báo cáo minh bạch” (Transparency Report) của Google, trong thời gian từ khi xảy ra phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ (tháng 1/2019) đến trước khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực (tháng 6/2020), Google đã trả lời yêu cầu giao dữ liệu của Chính quyền Hồng Kông với tỷ lệ cao từ 72% đến 81%. Điều này có nghĩa là Google thường xuyên chuyển giao thông tin người dùng theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông trong thời gian này. Còn trước đó, từ nửa cuối năm 2010 đến nửa cuối năm 2018, tỷ lệ Google giao dữ liệu cho chính quyền Hồng Kông dao động từ 30% đến gần 60%.

Đối với các phương tiện truyền thông xã hội khác thường được người Hồng Kông sử dụng như Facebook, Twitter, Telegram, v.v., năm ngoái họ cũng đã thông báo tạm ngừng chuyển giao thông tin người dùng theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông. Thời báo Tự do tại Đài Loan đưa tin, “Báo cáo minh bạch” của Facebook được xuất bản vào tháng 6/2021 tuyên bố rằng họ đã từ chối tất cả 202 yêu cầu giao thông tin người dùng do chính quyền Hồng Kông trong nửa cuối năm ngoái, trong đó có một yêu cầu khẩn cấp. Đồng thời, Twitter cũng không phản hồi bất kỳ yêu cầu nào từ chính quyền Hồng Kông; còn Apple và Microsoft thì không công bố báo cáo minh bạch tại khu vực này.

Mặt khác, chính quyền Hồng Kông cũng đang có kế hoạch “ra tay” đối với các công ty công nghệ. Vào tháng 5 năm nay, chính quyền Hồng Kông đã đề xuất sửa đổi Luật Dữ liệu Cá nhân (Quyền riêng tư) để chống lại các hành vi tìm thông tin riêng tư trên mạng. Ngoài việc coi hành vi tìm lục dữ liệu cá nhân trên mạng là hành vi phạm tội hình sự, luật này còn cho phép chuyên viên dữ liệu riêng tư cá nhân Hồng Kông yêu cầu bất kỳ người nào cung cấp thông tin.

“Liên minh mạng châu Á” đại diện cho Facebook, Twitter và công ty mẹ của Google là Alphabet, đã viết thư cho Chính phủ Hồng Kông vào tháng 6 năm nay, cảnh báo rằng nếu các sửa đổi liên quan tiếp tục được thúc đẩy, các ‘gã khổng lồ’ công nghệ có thể ngừng cung cấp dịch vụ ở Hồng Kông, để tránh việc các nhân viên địa phương bị truy tố.

Lý Gia Hoành, Vision Times

Xem thêm: