Ngày 31/3, nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đã lần nữa đưa ra tuyên bố phản hồi trên trang web chính thức của mình, nhưng không đề cập tới bông Tân Cương, do đó đã tiếp tục vấp phải chỉ trích từ truyền thông ĐCSTQ cáo buộc H&M đã không công khai xin lỗi. Phía H&M cho biết hiện có khoảng 20 cửa hàng của hãng tại Trung Quốc đã bị đóng cửa.

shutterstock 444910246
(Ảnh: Shutterstock)

Tuyên bố mới nhất (vào ngày 31/3) của H&M nêu rõ: “Chúng tôi đang cùng với các đồng nghiệp Trung Quốc làm mọi cách có thể để đối phó những thách thức hiện tại… Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi… Ở Trung Quốc và các nơi khác, chúng tôi muốn trở thành một người mua có trách nhiệm, hiện đang xây dựng các chiến lược hướng tới tương lai và tích cực làm việc trên các bước tiếp theo liên quan đến tìm nguồn cung ứng nguyên liệu. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng tìm kiếm giải pháp và cùng nhau xây dựng một ngành công nghiệp thời trang bền vững hơn.”

Tuyên bố cho biết: “Là một công ty toàn cầu, chúng tôi tuân thủ luật pháp địa phương và khuôn khổ quy định ở tất cả các thị trường nơi chúng tôi hoạt động. Các giá trị của công ty chúng tôi được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, chính trực và đối thoại. Chúng tôi muốn tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình và những gì chúng tôi làm tốt nhất – mang thời trang và thiết kế đến với khách hàng trên toàn thế giới.”

Tuyên bố kết luận: “Chúng tôi nỗ lực hết mình để lấy lại niềm tin và sự tin cậy của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh tại Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng thông qua nỗ lực chung với các bên liên quan và đối tác, chúng tôi có thể thực hiện các biện pháp để cùng nhau phát triển ngành thời trang cũng như phục vụ khách hàng và và cư xử một cách tôn trọng.”

ĐCSTQ tiếp tục lấy người tiêu dùng ra để uy hiếp

Sau khi tuyên bố trên của H&M được đưa ra, truyền thông nhà nước Trung Quốc một lần nữa lấy người tiêu dùng trong nước ra để gây áp lực cho H&M.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV nhận định rằng tuyên bố này của H&M là “xoắn xuýt, né tránh vấn đề chính, kiểu đánh trống lảng này về cơ bản là một bài luận quan hệ công chúng hạng hai đầy những lời trống rỗng và thiếu chân thành.” “Tại sao H&M không công khai xin lỗi người tiêu dùng?”

Mạng Trường An, trang web tin tức chính thức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, tuyên bố: “Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không nhìn vào những lời hoa mỹ, mà sẽ nhìn vào nhãn thành phần trên sản phẩm”.

Đây là tuyên bố thứ hai của H&M chống lại sự chỉ trích của ĐCSTQ. Trước đó, vào ngày 24/3, ĐCSTQ bất ngờ “khui” lại một tuyên bố của H&M cách đây một năm để khơi mào cho cuộc tấn công của dư luận. Cùng ngày, H&M đã đưa ra một tuyên bố đáp trả rằng: “Tập đoàn luôn tôn trọng các nguyên tắc cởi mở và minh bạch trong việc quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, để đảm bảo các nhà cung cấp toàn cầu tuân thủ các cam kết bền vững của họ, như Quy tắc Ứng xử Kinh doanh có trách nhiệm của OECD, và không đại diện cho bất kỳ lập trường chính trị nào.”

Sau đó, tiểu blog của báo đảng “Nhân dân nhật báo” lại đưa người tiêu dùng ra để thách thức H&M: “Cư dân mạng Trung Quốc sẽ không mua nó.”

Trước đó, Tân Hoa xã của ĐCSTQ tuyên bố: “Sau lời xúc phạm Trung Quốc trước đó, trên căn bản, các thương hiệu nước ngoài trước tiên sẽ chọn cách xin lỗi. Tuy nhiên, thương hiệu này chỉ âm thầm xóa đi mà không hề công khai xin lỗi … Người tiêu dùng Trung Quốc không chấp nhận bộ (thái độ) này!”

Giám đốc tài chính của H&M: Dự kiến sẽ không gây ra tác động thực sự nào

Sau khi H&M đưa ra tuyên bố thứ hai nêu trên, giám đốc tài chính của tập đoàn cho biết hiện có khoảng 20 cửa hàng H&M tại Trung Quốc đã đóng cửa. Dự kiến, sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng hiện tại sẽ khiến một số lô hàng không thuận lợi trong vài tuần tới, nhưng nó sẽ không có bất kỳ tác động thực sự nào.

Ngoài ra, ngày 28/3, hãng giày Asics của Nhật Bản đã làm rõ, tuyên bố về vấn đề bông Tân Cương vào ngày 25/3 trên blog chính thức của họ chưa được trao quyền đăng tải, không đại diện cho quan điểm chính thức của công ty, và nói thêm rằng “Đồng phục của đội Olympic Australia không chứa vải bông từ Tân Cương, cũng như không được sản xuất ở vùng này.”

Thương hiệu may mặc Đức Hugo Boss đã xóa bài đăng trước đó ủng hộ bông Tân Cương và đăng lại vào ngày 27/3 rằng: “Cho đến nay, Hugo Boss chưa tiếp tục trực tiếp mua bất kỳ sản phẩm nào từ Tân Cương. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại xem loạt sản phẩm mới của chúng tôi từ tháng 10/2021 có đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn toàn cầu của chúng tôi hay không.” 

Công ty miễn thuế Shinsegae của Hàn Quốc đã xóa bỏ tuyên bố của đại diện Vương Gia Nhĩ, sau khi ca sĩ thần tượng này bày tỏ ủng hộ đối với bông Tân Cương và chấm dứt hợp đồng với Adidas.

Theo dữ liệu được công bố hồi tháng Hai trên trang web chính thức của H&M Trung Quốc, năm 2020 đã có tổng cộng 5.018 cửa hàng H&M tại 74 thị trường trên toàn thế giới và có cửa hàng trực tuyến tại 52 thị trường trong số đó. Tính đến cuối năm tài chính 2020, H&M có tổng cộng 445 cửa hàng tại 146 thành phố ở Trung Quốc Đại Lục, và doanh số bán hàng (gồm thuế giá trị gia tăng) tại thị trường này là 9,75 tỷ Krona Thụy Điển (chiếm 5,2% tổng doanh thu toàn cầu), trở thành thị trường lớn thứ tư sau Đức, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Hôm thứ Tư, Giám đốc điều hành (CEO) của thương hiệu may mặc Thụy Điển H&M, bà Helena Helmersson, cho biết công ty của bà vẫn “cam kết lấy lại niềm tin và sự tin tưởng của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh Trung Quốc.”

Truyền thông Mỹ: Làn sóng tẩy chay có thể là một bẫy lớn của Bắc Kinh nhằm “giết gà dọa khỉ”

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng, cuộc tẩy chay này đã khiến H&M, một trong những nhà bán lẻ hàng may mặc lớn nhất thế giới, trở thành trường hợp thử nghiệm mới nhất về cách một thương hiệu lớn của phương Tây ứng đối với một Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng sẵn sàng khẳng định mình trước hành động của các công ty nước ngoài.  

Đối với nhiều công ty nước ngoài tập trung vào người tiêu dùng, Trung Quốc là thị trường phát triển nhanh nhất của họ. Nhưng sự can thiệp của Bắc Kinh vào các công ty phương Tây, hoặc đơn giản là đình chỉ các công ty nước ngoài mà họ cảm thấy không tuân theo đường lối của chính phủ, có trở thành một cạm bẫy lớn.

Tuần trước, làn sóng tẩy chay này trên mạng Internet Trung Quốc không những làm tổn thất cho H&M mà còn ảnh hưởng đến các thương hiệu nước ngoài khác như thương hiệu thể thao Nike và Adidas. Những thương hiệu này cũng đưa ra tuyên bố tương tự về vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương, tuy nhiên, chỉ có H&M bị loại bỏ trên Internet.

Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, ông Joerg Wuttke dự đoán rằng làn sóng phản đối H&M trên Internet nội địa của Trung Quốc sẽ tan biến. Ông nói rằng các công ty như Nike và Adidas đã đầu tư vào Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào năm tới, “Trung Quốc (ĐCSTQ) không có hứng thú làm trò hề cho người dân thế giới.”

Còn giám đốc kinh doanh chiến lược Alexander Shapiro của công ty quản lý thương hiệu xây dựng thương hiệu Bắc Kinh PBB Creative, cho biết H&M về cơ bản có hai lựa chọn: Họ có thể cúi đầu và hy vọng cuộc tẩy chay kết thúc trong lặng lẽ. Hoặc có thể kiên định vào lập trường nhân quyền và chịu rủi ro bán hàng vô thời hạn.

Ông Shapiro nói thêm rằng H&M cũng có thể rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, nếu không muốn phục tùng Bắc Kinh, điều đó có thể có lợi cho doanh thu của H&M tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Ông nói: “Sự chú ý (có được nhờ động thái này) có thể có giá trị hơn hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.”

H&M là một công ty do gia đình kiểm soát, mặc dù được niêm yết công khai nhưng ở một mức độ nhất định, công ty có thể miễn nhiễm với áp lực của nhà đầu tư hơn các công ty khác và có nhiều cơ hội hơn.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: