Hôm 27/1, Tướng Mike Minihan, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Lưu động Không quân Mỹ (AMC), đã cảnh báo năm 2025 có thể nổ ra cuộc chiến quân sự Mỹ – Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan. Về vấn đề này, ông cựu Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn cầu đã phản hồi qua mạng xã hội Weibo.

p3191701a999718837
Cựu Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc. (Weibo Hồ Tích Tiến)

Dư luận viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) này cho hay, nếu có chiến tranh eo biển Đài Loan, Bắc Kinh cần đáp ứng trước 3 điều kiện bất kể Mỹ có can thiệp hay không:

-Một là số lượng đầu đạn hạt nhân phải vượt 1000, không phải để tấn công Đài Loan bằng vũ khí hạt nhân mà là để ngăn Mỹ manh động.

-Thứ hai là tiếp tục nới rộng khoảng cách về sức mạnh quân sự, hy vọng rằng năng lực tên lửa, máy bay chiến đấu, sản xuất hậu cần và kiểm kê của quân đội ĐCSTQ sẽ vượt qua Mỹ và Nhật Bản.

-Thứ ba là sử dụng bom hoặc tên lửa, trong thời gian ngắn mỗi ngày thả hơn 10.000 quả bom xuống Đài Loan, nhắm vào cơ sở hạ tầng nội bộ của Đài Loan như giao thông, cung cấp điện, phát thanh truyền hình và Internet, làm suy yếu ý chí chiến đấu và ảnh hưởng đến nhu cầu hàng ngày .

Ngoài ra ông Hồ cũng nói rằng Tướng Minihan và các tướng lĩnh Mỹ khác không nên cố gắng hù dọa Trung Quốc bằng chiến tranh dư luận, nếu họ muốn có thêm chi tiêu quân sự bằng cách phóng đại “chiến tranh sắp xảy ra”, thì họ nên có cách nào đó thông minh hơn. Không ngừng suy diễn về cuộc chiến eo biển Đài Loan chỉ có thể là nước cờ đi vào ngõ cụt và chuốc lấy tủi nhục.

Về vấn đề này, giám đốc Yaita Akio chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản), đã phản hồi lại trên Facebook rằng lời nói của các quan chức ĐCSTQ về cơ bản có thể được chia thành 5 loại: dối trá, khuếch đại, nói suông, nói khách khí, và nói nhảm. Ông tin rằng những gì ông Hồ Tích Tiến nói lần này rõ ràng là nói nhảm, “nói như không nói”.

Chuyên gia truyền thông Yaita Akio cho hay, ĐCSTQ hiện có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, nếu muốn tăng số lượng lên hơn 1000 thì chi phí sản xuất và bảo trì là con số khổng lồ, cộng thêm chi phí thả bom mà ông Hồ nói là đủ để kéo nền kinh tế Trung Quốc lao xuống vực.

Ông phân tích, một khi ĐCSTQ bắt đầu sản xuất vũ khí quy mô lớn thì phe tự do dân chủ trên thế giới không thể ngồi yên nhìn, động thái đó chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong cộng đồng quốc tế, nếu ĐCSTQ muốn có ưu thế áp đảo về quân bị thì phải có nền kinh tế trong nước tiếp tục phát triển ở trình độ cao liên tục, viễn cảnh này có 200 năm nữa họ cũng không thể có được.

Ông Yaita Akio nói rằng “Mặc dù Hồ Tích Tiến thường tuyên bố hùng hổ, nhưng dù sao thì khi còn trẻ ông ấy cũng từng là phóng viên chiến trường ở Bosnia, châu Âu, cho nên hiểu về chiến tranh hơn nhiều so với những dư luận viên bình thường của ĐCSTQ. Những phát ngôn của ông Hồ có thể mang những hàm ý khác, có thể trong lòng phản chiến nhưng không tiện nói ra. Bằng cách này, ngoài mặt thì tưởng Hồ cổ vũ chiến tranh, nhưng thực chất là muốn Tập Cận Bình rút lui? Sau bao nhiêu năm qua, chẳng lẽ chúng ta còn không hiểu Tổng biên tập Hồ?”

Nhà truyền thông kỳ cựu Vương Thời Tế (Wang Shiqi) cũng thẳng thừng tuyên bố trên truyền thông rằng phát biểu của ông Hồ Tích Tiến phần nào thể hiện quan điểm chính thức của ĐCSTQ, hiện nay thái độ của nhà chức trách này trong vấn đề tấn công quân sự Đài Loan là “không dám và không thể”, hy vọng duy nhất là gây chia rẽ trong lực lượng nội bộ của Đài Loan. Ông nói thêm rằng, xu thế dự tính thời gian ĐCSTQ tấn công quân sự Đài Loan hiện nay trong quân đội cũng như nhiều tổ chức tư vấn Mỹ đang không ngừng rút ngắn lại, ví dụ những dự tính vào khoảng năm 2025 hay 2027, nhưng ĐCSTQ ý thức họ chưa thể có được năng lực quân sự tương xứng với Mỹ trong khoảng thời gian này.