Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến “nổ” tin, Bắc Kinh sẽ trừng phạt các quan chức cấp cao Mỹ tới thăm Đài Loan và các công ty Mỹ liên quan. Về vấn đề này, ngày 9/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã từ chối đưa ra phản hồi cụ thể.

Screen Shot 2020 09 10 at 14.04.54
Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến. (Ảnh chụp màn hình YouTube).

Gần 11 giờ tối ngày 8/9, ông Hồ Tích Tiến đã “leo tường” và “nổ” tin trên Twitter: “Theo hiểu biết của tôi, Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ trừng phạt các quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan và các công ty Mỹ liên quan. Họ sẽ không bao giờ được phép vào Trung Quốc Đại Lục, và các công ty Mỹ có liên kết với họ cũng sẽ mất thị trường ở Trung Quốc Đại Lục.” Có điều, ông Hồ lại không đề cập đến nguồn tin từ đâu ra.

Screen Shot 2020 09 10 at 13.37.11
(Ảnh chụp màn hình Twitter)

Ngày 9/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một phóng viên đã đặt câu hỏi về vấn đề này: “Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, ông Hồ Tích Tiến đã đăng trên mạng xã hội rằng, Trung Quốc sẽ trừng phạt các quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan và các công ty Mỹ có liên quan. Liệu Trung Quốc có thể xác nhận điều này không? ” Tuy nhiên, người phát ngôn Triệu Lập Kiên lại đưa ra một câu trả lời rất mơ hồ: “Chúng tôi thường không đưa ra phản hồi cụ thể đối với các báo cáo và bình luận của giới truyền thông”.

Ông Triệu Lập Kiên nói thêm: “Vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là nhất quán và rõ ràng. Bất kỳ ai cũng không nên đánh giá thấp quyết tâm và ý chí kiên định của chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.”

Tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) đưa tin, Đài Loan và Mỹ gần đây đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn, trong đó có chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar vào tháng Tám.

Cho đến thời điểm này, ông Azar là quan chức nội các cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ vào năm 1979. Ông cũng là quan chức chính phủ cấp cao đầu tiên đến thăm Đài Loan kể từ khi ông Trump ký Luật Du lịch Đài Loan vào năm 2018. Trong chuyến thăm Đài Loan vào tháng Tám, ông Azar đã gặp Tổng thống Thái Văn Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thì Trung để thảo luận về dịch viêm phổi Vũ Hán.

Bên cạnh đó, Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao về Tăng trưởng Kinh tế, Các vấn đề Năng lượng và Môi trường của Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach, cũng sẽ sớm thăm Đài Loan. Chuyến đi của ông Krach sẽ nằm trong khuôn khổ cuộc Đối thoại Kinh tế và Thương mại Mỹ – Đài Loan, thảo luận về chuỗi cung ứng, sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác. Hiện tại, hai bên đang lên kế hoạch về thời gian thăm Đài Loan dựa trên lịch trình của ông Krach, nếu việc thu xếp suôn sẻ, một cuộc gặp có thể được tổ chức trong tháng này.

Điều đáng nói là, chuyến thăm Đài Loan của ông Krach sẽ là hoạt động chính thức của quan chức cấp cao hơn của Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Azar.

Xét về chức năng của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm của ông Krach so với ông Azar có ý nghĩa đặc thù hơn, vì đây không chỉ là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ sau khi Đạo luật Du lịch Đài Loan được ban hành năm 2018, mà còn là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Chuyến đi này của ông Krach sẽ xác lập kỷ lục hiếm hoi về một nhà ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan.

Gần đây chính phủ Mỹ đã phân biệt Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người dân Trung Quốc với một ý nghĩa rõ ràng, tức là, ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, và ĐCSTQ không thể đại diện cho người dân Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng đã tuyên bố trong nhiều dịp công khai: “Người dân Trung Quốc không tương đương với ĐCSTQ. Lời nói dối lớn nhất của ĐCSTQ chính là tự xưng nói thay cho 1,4 tỷ người Trung Quốc. ĐCSTQ sợ những ý kiến ​​trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào.” Ông cũng chỉ ra rằng, “Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc chính là xung đột giữa Mỹ với ĐCSTQ.”

Giới quan sát nhận định, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Krach có thể không đến thăm Đài Loan quá nhanh, có thể thấy rằng chiến lược của Washington là dần dần phá vỡ “ranh giới một Trung Quốc”, đồng thời cải thiện quan hệ chính thức giữa Đài Loan và Mỹ. Thực chất, sau đó sẽ là mở rộng sang quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, quân sự, chính trị.

Lê Tiểu Quỳ

Xem thêm: