Đàm phán thương mại Mỹ – Trung lại tiếp tục có nhiều biến số. Hôm 16/3, truyền thông Hông Kông cho biết, hội đàm Trump – Tập có thể sẽ trì hoãn đến tháng 6 mới được tổ chức, nguyên nhân được cho là hai bên không thể nào đạt được thỏa thuận trước tháng 4. Truyền thông Mỹ đưa tin, phía Trung Quốc đề xuất 2 yêu cầu đối với Mỹ, hy vọng chuyến thăm Mỹ của ông Tập là chuyến thăm cấp quốc gia, và khi thăm Mỹ phải đạt được thỏa thuận thương mại.

Embed from Getty Images

Ảnh từ Getty Images 

Ngày 16/3, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin, một nguồn tin từ nhân sĩ tham gia vào sắp xếp lịch trình cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không có quá nhiều khả năng diễn ra vào tháng 4 tới. Còn một nguồn tin khác lại cho biết, hội nghị này có thể sẽ được diễn ra vào tháng 6.

Hiện tại, quan chức hai nước Mỹ – Trung đang tăng cường soạn thảo bàn bạc chi tiết các cam kết đưa ra trong đàm phán thương mại.

Bản tin SCMP dẫn nguồn tin tiết lộ, nội bộ chính quyền tổng thống Trump đang có nhiều chia rẽ về việc đàm phán với Trung Quốc.

Trong đó chia rẽ chủ yếu trong Nhà Trắng là tăng cường lực độ đối với cơ chế chấp pháp, đảm bảo phía Trung Quốc có thể thực hiện các cam kết của mình.

Ngày 12/3, truyền thông Trung Quốc đăng một bản tin ngắn cho biết, trong cùng ngày, đại diện đàm phán thương mại của hai nước Trung – Mỹ đã có cuộc điện đàm, bàn bạc cụ thể về vấn đề quan trọng trong văn bản thỏa thuận, đồng thời xác định bố trí công việc cho bước tiếp theo.

Về văn bản này, tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin, tại buổi điều trần hôm 12/3, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói, đàm phán thương mại Mỹ – Trung có thể bước vào những tuần cuối cùng, nếu đạt được thỏa thuận, nội dung có thể dài 110 đến 120 trang, rất chi tiết và cụ thể.

Ông còn nói, Mỹ cần phân chia giai đoạn chứ không nên lập tức giải trừ mức thu thuế quan hàng hóa Trung Quốc tổng trị giá 250 tỉ Đô la Mỹ cho đến khi phía Trung Quốc thực hiện cam kết. Nếu đàm phán không thành công, Mỹ có quyền lựa chọn biện pháp thuế quan.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng nói trước Quốc hội rằng, đại diện đàm phán thương mại hai nước Mỹ Trung đang đọc chi tiết các văn kiện liên quan, ông dự tính các yếu tố đàm phán có thể sẽ được đưa ra trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên, hội nghị Trump – Tập đã bị trì hoãn lại.

Trung Quốc đưa ra 2 yêu cầu đối với Mỹ

“Hội nghị Trump – Tập” vốn được cho là sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 tại Mar-a-Lago, biệt thự riêng của của ông Trump ở bang Florida. Tuy nhiên, hôm 14/3, khi đại diện đàm phán thương mại Mỹ – Trung tiến hành cuộc điện đàm lần thứ 3, đã xác định hội nghị Trump – Tập sẽ không diễn ra vào cuối tháng này.

Nguồn tin cho biết, phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ coi chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là chuyến thăm cấp quốc gia, chứ không phải để ông ấy xuất hiện im ắng tại Mỹ chỉ để ký kết một thỏa thuận thương mại.

Theo CNBC đưa tin, hai nước đã lên kế hoạch sắp xếp cho ông Tập Cận Bình đến thăm Mỹ sau ông kết thúc chuyến thăm châu Âu vào cuối tháng 3 để tránh dư luận cho rằng ông Tập Cận Bình đến Mỹ chỉ đơn thuần là để ký kết thỏa thuận thương mại. Bản tin nói, phía Trung Quốc hy vọng đại diện đàm phán hai nước sau khi đảm bảo rằng sẽ đạt được thỏa thuận mới bố trí để ông Trump và ông Tập gặp nhau.

Thời báo Tài chính (Financial Times ) cho hay, nguyên nhân khiến hội nghị Trump – Tập trì hoãn là do hai bên muốn làm chắc chắn các chi tiết trong thỏa thuận, để tránh không đạt được thỏa thuận nào rồi khiến cho đôi bên khó xử.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ – Trung Jacob Parker cho biết, hội nghị Trump – Kim hồi cuối tháng 2 tại Việt Nam không đạt được thỏa thuận, khiến cho Trung Quốc “kinh hãi”. Ông nói: “Họ muốn một lễ ký kết, chứ họ không muốn một cuộc đàm phán”.

Học giả Chính trị học Lưu Bình tại Hồng Kông cho rằng, nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc dùng chính sách thương mại không công bằng để giao thương với Mỹ, và họ cũng không có ý muốn thay đổi chính sách này. Do đó, rất ít khả năng hai nước Trung – Mỹ đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn.

Ông nói, chủ yếu là nguyên nhân ở hai phương diện:

Thứ nhất là, những năm gần đây, do chính quyền Trung Quốc thường kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc trong nước. Do đó, trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ, dù có thỏa hiệp về công nghệ đối với Mỹ, thì họ (Trung Quốc) cũng rất khó để giải thích với dư luận chủ nghĩa dân tộc, do đó, không gian để Trung Quốc thỏa hiệp là không lớn.

Thứ hai, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vẫn giữ thái độ qua lạc quan đối với hậu quả của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ: “Dù là truyền thông nhà nước, hay là là ‘túi khôn’ trong đảng, đến hiện nay cũng đều chỉ là ‘báo hỉ’ chứ không thấy có sự lo lắng, họ cho rằng Mỹ là con hổ giấy.”

Lưu Bình nói, trong tình huống này, chính quyền trung ương Bắc Kinh cũng không muốn trả giá quá cao trong đàm phán thương mại. Nói cách khác, ông Tập Cận Bình không có được hỗ trợ đầy đủ về ngoại giao.

Có phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang rơi vào hai khó khăn: Nếu ký kết thỏa thuận sẽ bị nội bộ đảng phê bình là “làm mất chủ quyền, khiến quốc gia chịu nhục”; nếu không ký thỏa thuận thì chiến tranh thương mại sẽ có thể tiếp tục leo thang, sẽ khiến cho kinh tế Trung Quốc khó chống đỡ nổi, ông Tập vẫn sẽ lại bị nội bộ đảng công kích. Trong khi thế lực phản đối trong nội bộ đảng, sẽ lợi dụng cục thế này để tiếp tục cản trở ông, với ý đồ khiến ông từng bước từng bước rơi vào tình thế nguy cấp.

Bên cạnh đó, hội nghị Trump – Kim lần hai tổ chức ở Việt Nam cũng là tiếng chuông cảnh báo Bắc Kinh; trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, ông Trump đã cảnh báo Bắc Kinh, nếu không thấy được sự “thành ý”, thì ông có thể sẽ rời khỏi hội đàm Trump – Tập bất cứ lúc nào. Tránh lặp lại tình cảnh tương tự như hội nghị Trump – Kim lần 2, và Bắc Kinh đã bị hãm vào 2 khó khăn, cũng là một trong những nguyên nhân khiến hội đàm Trump – Tập bị trì hoãn.

Trí Đạt

Xem thêm: