Theo báo cáo của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), Hội nghị Interpol lần thứ 89 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đã bị hoãn lại từ ngày 23 đến 25/11. Một cuộc họp kín được tổ chức tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đài Loan đã khởi động lại việc tham gia hội nghị từ năm 2016 và đến nay Đài Loan vẫn chưa được mời, trong khi Trung Quốc lại thèm muốn chức chủ tịch Interpol.

Hơn 30 quốc gia ủng hộ Đài Loan tham gia Hội nghị Interpol

Ngày 23/11, cô Âu Giang An (Joanne Ou), người phát ngôn Bộ Ngoại giao, tuyên bố rằng các yêu cầu chính của Đài Loan trong việc thúc đẩy tham gia Hội nghị Interpol bao gồm việc tìm cách tham gia hội nghị thường niên với tư cách là quan sát viên. Đồng thời được phép sử dụng “Hệ thống liên lạc cảnh sát toàn cầu I-24/7”, cũng như tham gia các hội nghị, cơ chế và hoạt động do Interpol tổ chức.

Cô Âu Giang An chỉ ra rằng ông Rick Waters, Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ông Ben Knapen, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan, đều công khai ủng hộ Đài Loan. Hiện có hơn 30 quốc gia và 570 nghị sĩ quốc hội liên tiếp bày tỏ sự ủng hộ của mình thông qua các nghị quyết, tuyên bố, gửi thư cá nhân hoặc thư chung. Trong đó gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Ý và các quốc gia khác, cũng như các tổ chức xuyên quốc gia “Nghị viện Trung Mỹ”“Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc” (IPAC)…

Ngoài ra, Văn phòng Đại diện của Đài Loan tại Hà Lan tuyên bố rằng Hạ viện Hà Lan đã thông qua một kiến ​​nghị với số phiếu áp đảo vào ngày 23/11, kêu gọi Chính phủ Hà Lan và các quốc gia có cùng giá trị niềm tin, cùng nhau ủng hộ việc Đài Loan tham gia Hội nghị Interpol.

Thời báo Tự do đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết trong một cuộc hỏi đáp với Viện Lập pháp ngày 23/11, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục ủng hộ việc Đài Loan tham gia Hội nghị Interpol. Đặc biệt là các thành viên của IPAC cũng bày tỏ hy vọng các chính phủ sẽ hỗ trợ Đài Loan được tham dự.

Theo báo cáo, Interpol là tổ chức quốc tế lớn thứ hai trên thế giới ngoài Liên Hiệp Quốc. Sau khi bị buộc phải rút lui vào năm 1984, Đài Loan đã bắt đầu lại việc thúc đẩy tham gia vào Interpol năm 2016.

Cục trưởng Cục hình sự Đài Loan đã 4 lần gửi thư bày tỏ yêu cầu, nhưng Interpol đã từ chối với lý do “Vui lòng liên hệ với Cục Trung ương Bắc Kinh” và thẳng thừng nói rằng “Đài Loan sẽ không được mời.”

Bắc Kinh lại thèm muốn làm chủ tịch Interpol?

p3043151a341088549
Ông Hồ Bân Sâm, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc. (Ảnh: Trang web chính thức của Trường Đại học Cảnh sát)

Một chủ tịch và ủy ban điều hành mới của Interpol sẽ được bầu trong hội nghị lần này. Bắc Kinh cũng đề bạt bầu ông Hồ Bân Sâm, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an, kiêm thanh tra cấp một, cạnh tranh với các ứng cử viên Singapore và Ấn Độ cho 2 ghế trong ủy ban điều hành. Điều này làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

50 thành viên của “Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc” (IPAC) từ 20 quốc gia đã ký tên phản đối. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng Interpol không thể do Trung Quốc kiểm soát. Nghị sĩ các nước lo ngại rằng nếu Trung Quốc can thiệp vào, họ sẽ phát hành thông báo đỏ một cách bừa bãi. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống tội phạm trong cộng đồng quốc tế.

Nếu đắc cử thành công, ông Hồ Bân Sâm, một trong những ứng cử viên cho ủy ban điều hành khu vực châu Á, sẽ trở thành một trong 13 thành viên giám sát Interpol. Ủy ban điều hành có quyền xây dựng chính sách chung của Interpol và giám sát công việc của tổng thư ký. Kết quả của các cuộc bầu cử liên quan được công bố vào cuối cuộc họp thường niên của Hội nghị Interpol ngày 25/11.

Tuy nhiên, việc ông Hồ Bân Sâm tham gia tranh cử đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế như IPAC phản đối gay gắt.

Ngày 23/11, RFI đưa tin, khoảng 50 thành viên của IPAC từ 20 quốc gia tuyên bố trong một lá thư chung, rằng Bắc Kinh đã nhiều lần lạm dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol và khủng bố có hệ thống những người bất đồng chính kiến ​​lưu vong. Họ lo ngại rằng Interpol có thể trở thành đồng phạm của ĐCSTQ trong việc lạm dụng lệnh truy nã đỏ, nhằm thanh trừng những người bất đồng chính kiến.

Trung Quốc từng có hồ sơ thâm nhập và thao túng ủy ban điều hành của Interpol. Đài Á Châu Tự Do đã trích dẫn bình luận của ông Lâm Đình Huy, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Luật Quốc tế Đài Loan ngày 23/11. Ông nói rằng trong nhiệm kỳ tại Bộ Công an, ông Hồ Bân Sâm đã yêu cầu các nước cung cấp danh sách nhóm và những nhân sự có liên quan đến Tân Cương và Duy Ngô Nhĩ.

Một số người Duy Ngô Nhĩ phải sống lưu vong ở nước ngoài vì quan điểm chính trị của mình. Họ có thể không thực hiện bất kỳ hành vi bạo lực nào, nhưng cũng bị liệt vào danh sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Hồ Bân Sâm cũng hỗ trợ xây dựng hệ thống “Skynet” của đảng này. Hệ thống trên vi phạm quyền riêng tư cá nhân rất nghiêm trọng. Nếu trở thành thành viên ủy ban điều hành, trong tương lai ông ấy có thể xây dựng hệ thống Skynet toàn cầu bên trong Interpol. Nếu Interpol được sử dụng bởi các chính quyền độc tài, nó sẽ trở thành tay sai của ĐCSTQ. Đồng thời, các quốc gia có thể sẽ trở thành đồng phạm của công an Trung Quốc.

Ông Lâm Đình Huy đề cập rằng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế tích hợp cơ sở dữ liệu khổng lồ của các sở cảnh sát hình sự tại nhiều quốc gia. Trong đó bao gồm các đặc điểm sinh học, DNA của nghi phạm, đối chiếu dấu vân tay, hệ thống nhận dạng khuôn mặt và dữ liệu cá nhân của tội phạm bị truy nã. Nếu được sử dụng bởi các quốc gia độc tài như ĐCSTQ, Nga hoặc Belarus, điều này sẽ liên quan đến việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​và vi phạm nhân quyền.

Ngoài ra, việc bắt giữ và kết án ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cựu chủ tịch Interpol, cũng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tranh cử của ông Hồ Bân Sâm.

Ông Mạnh Hoành Vĩ, Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ khi đó, là người đầu tiên của ĐCSTQ trở thành Chủ tịch Interpol năm 2016. Khi còn là chủ tịch Interpol, ông đã đã thực hiện nghiêm lệnh truy nã đỏ. Chỉ trong năm 2016, Interpol đã ban hành hơn 600 trát đỏ (từ năm 1984 đến 2014, trung bình mỗi năm không quá 30 trát). Điều này dẫn đến việc đàn áp một lượng lớn các nhà bất đồng chính kiến.

Tuy nhiên, tháng 9/2018, ông này đột ngột biến mất sau khi trở về Bắc Kinh. Sau đó Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra. Năm 2020, ông này bị kết án 13,5 năm tù giam vì tội tham nhũng.

Ngày 18/11 năm nay, bà Cao Ca, vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin AP, bà đã mô tả chính quyền ĐCSTQ như một “con quái vật” ăn thịt chính con của mình.

Về việc ông Hồ Bân Sâm cạnh tranh vị trí thành viên Ủy ban Điều hành Interpol, bà nói: “Liệu một ngày nào đó, ông Hồ Bân Sâm có biến mất giống như ông Mạnh hay không?”

Ông Lý Chính Khoan, nhà bình luận các vấn đề thời sự, đã viết một bài báo nói, khi ông Mạnh Hoành Vĩ bị kết án năm ngoái, bà Cao Ca đã không xuất hiện trước công chúng. Tới nay, ngay sau Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của ĐCSTQ, khi vụ tấn công tình dục của ông Trương Cao Lệ với ngôi sao quần vợt Bành Soái được cộng đồng quốc tế chú ý và đúng lúc Interpol kỳ mới muốn bầu thành viên của ủy ban điều hành, bà Cao Ca lại công khai lộ diện.

Một số nhà phê bình cho rằng có một bàn tay thúc đẩy phía sau bà Cao Ca. Có lẽ việc này liên quan đến những đấu đá trong giới cấp cao của ĐCSTQ. Rất có thể thế lực Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng đứng sau ông Mạnh Hoành Vĩ, đã sử dụng vấn đề này để gây thêm trở ngại cho chính quyền của ông Tập.

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: