Cứ mỗi cuối năm, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại tổ chức Hội nghị Sinh hoạt Dân chủ kéo dài hai ngày. Thông tin từ truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết, hội nghị để từng thành viên phát biểu đánh giá nhau và đánh giá bản thân. Tại hội nghị lần này, sau màn diễn “phê và tự phê” đã dần chuyển biến thành màn diễn ca tụng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Embed from Getty Images

Hội nghị Sinh hoạt Dân chủ của ĐCSTQ thường bị xem như màn kịch “phê và tự phê” để răn đe nội bộ (Ảnh minh họa: Feng Li/Getty Images)

Qua thông tin từ truyền thông Nhà nước Trung Quốc, sau màn “phê và tự phê” giữa các ủy viên Bộ Chính trị cũng như ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đưa ra đánh giá tổng kết như sau: “Hội nghị Sinh hoạt Dân chủ lần này tổ chức rất tốt… đạt được mục đích như mong đợi”.

Giới quan sát có chỉ ra, dưới chế độ độc tài một đảng, hai chữ “dân chủ” trong cái gọi là “Hội nghị Sinh hoạt Dân chủ” độc nhất vô nhị của ĐCSTQ bị đông đảo người dân Trung Quốc mỉa mai là trò hề mị dân. Thực tế, xưa nay cái hội nghị mang theo hai từ “dân chủ” này luôn là màn diễn quyền lực đấu tố nội bộ của ĐCSTQ. Trong một nhận định trên Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) chỉ ra, Hội nghị Sinh hoạt Dân chủ này có thể xem như là màn “đấu tố” nội bộ nhằm tạo hiệu quả răn đe trong Đảng.

Liên quan đến chủ đề mà hội nghị này đưa ra, giới quan sát có nhận định, Tập Cận Bình là người đứng đầu ĐCSTQ nên phải chịu trách nhiệm chính trong thế và lực của ĐCSTQ cũng như cuộc sống của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên sau hai năm chiến tranh thương mại Trung-Mỹ cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện ký kết được một thỏa thuận giai đoạn đầu, còn khuôn khổ đàm phán của giai đoạn thứ hai và thứ ba vẫn rất xa vời chưa thể thấy được diện mạo ra sao. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đã đi vào giai đoạn thắt cổ chai, còn năm 2019 nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một mùa đông lạnh giá, tình hình sẽ vẫn kéo dài sang năm tới.

Về đối ngoại, mối quan hệ Trung-Mỹ trong năm 2019 tồi tệ đến mức chưa bao giờ tồi tệ hơn kể từ khi hai nước khôi phục lại quan hệ ngoại giao, ĐCSTQ đã trở thành thù địch đối với phương Tây, tham vọng toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh dưới cai trị của chế độ độc tài Cộng sản đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Còn về đối nội, năm nay người Hồng Kông đã phản kháng chưa từng thấy trong 22 năm kể từ khi chủ quyền trở về Trung Quốc Đại Lục và nguy cơ này vẫn đang hiện hữu, trong khi vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc Đại Lục cũng khiến lòng dân càng thêm chán chường ĐCSTQ.

Giới quan sát cũng có chỉ ra, công tác “phê và tự phê” của các ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ (dưới giám sát của Tập Cận Bình) luôn phải giữ mình, cho nên ai nấ‎y cố gắng đảm bảo nhất quát với Tập Cận Bình, dưới bầu không khí như vậy ai nấy đều mang bộ mặt giả tạo, vì vậy tất cả những gì còn lại chỉ là những lời khen ngợi dành cho Tập Cận Bình.

So với Hội nghị Sinh hoạt Dân chủ của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào năm ngoái (ngày 25 và 26/12), lời khen ngợi đối với ông Tập Cận Bình năm nay là: Xứng đáng là hạt nhân của Trung ương Đảng và là hạt nhân của toàn Đảng. Năm nay ĐCSTQ lại có thêm một “lãnh tụ nhân dân”, đó là vị lãnh tụ nhân dân với tấm lòng son sắc vì nhân dân, là nhà chính trị Marxist có nghệ thuật lãnh đạo chính trị cao siêu.

Về vấn đề này, nhà bình luận Hồ Bình – Biên tập viên danh dự của tờ Mùa xuân Bắc Kinh đã giải thích lý do tại sao ĐCSTQ lúc nào cũng tung hô hai chữ “nhân dân”, đơn giản vì quyền lực của ĐCSTQ không do dân trao cho, vì quá trình bầu cử hoàn toàn loại bỏ khả năng quyết định từ gốc của người dân, cho nên nhân danh “nhân dân” là trò bịp bợm. 

Ông cho biết, ĐCSTQ luôn tự xưng là tổ chức quyền lực để bảo vệ nhân dân, nhưng đâu là nhân dân thì không do nhân dân quyết định mà do Trung ương ĐCSTQ quyết định, còn tiêu chuẩn đánh giá ‎ ý thức nhân dân là mức độ ủng hộ ĐCSTQ, như vậy để ĐCSTQ mãi được đóng vai trò là lực lượng bảo vệ “nhân dân”. Nếu ĐCSTQ phủ nhận đây là trò mị dân thì họ phải thừa nhận nhân dân có quyền tự do chọn lựa bày tỏ ý kiến, nếu điều này được thực hiện thì đồng nghĩa tính hợp pháp chính trị mà ĐCSTQ hay tự xưng cũng sẽ bị sụp đổ.

Lần đầu tiên quan trường ĐCSTQ chính thức gọi ông Tập Cận Bình là “lãnh tụ” là tại Hội nghị Bộ Chính trị đầu tiên sau Đại hội 19 ĐCSTQ. Tại hội nghị đó Tập Cận Bình đã được ca tụng là “lãnh tụ được toàn đảng ủng hộ, nhân dân yêu mến”. Đây là lần thứ ba lại có một nhân vật đứng đầu ĐCSTQ được đội cho vương miện “lãnh tụ” sau trường hợp Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phong.

Sau đó, Nhật báo Kiềm Tây Nam tại tỉnh Quý Châu liên tục trong các ngày 10 và 14/11/2017 đề cập cụm từ “Tổng bí thư Tập Cận Bình – vị lãnh tụ vĩ đại” làm cho nhiều người liên tưởng đến xu thế điên dại sùng bái Mao Trạch Đông của thời Cách mạng Văn hóa, cách thể hiện tinh thần sùng bái quá đà này đã bị đề nghị dừng lại sau nhiều tranh luận ồn ào trong xã hội. Tờ Minh Báo tại Hồng Kông đã dẫn‎ ‎ý kiến cho biết, đây là hành vi nịnh bợ do địa phương tự ý làm, có xu thế trong quan trường ĐCSTQ thấy phản cảm vì không thể hiện đúng tầm nên chỉ trích và yêu cầu chấm dứt.

Nhưng sau trò ca tụng “lãnh tụ vĩ đại” đối với Tập Cận Bình tại địa phương thì xuất hiện trò ca tụng “lãnh tụ nhân dân” tại truyền thông trung ương. Ngày 11/2/2018, một trang phụ tờ Nhật báo Nhân dân của ĐCSTQ đã công bố phim tài liệu “Lãnh tụ Nhân dân” phối hợp sản xuất cùng Đài Truyền hình Trung ương ĐCSTQ (CCTV), theo đó nhìn lại con đường chính trị của Tập Cận Bình, trong đó có cảnh ông Tập cầm cuốc làm ruộng và đích thân đi kiểm tra nhà vệ sinh trong vai trò nhà lãnh đạo quốc gia.

Sau hội nghị Bắc Đời Hà năm nay, khi ông Tập đến thăm Cam Túc trong vài ngày liên tiếp hồi cuối tháng Tám, nhiều cơ quan truyền nhà nước cũng ca tụng là “lãnh tụ nhân dân yêu nhân dân, lãnh tụ nhân dân được dân yêu”. Trong chuyến thăm Cam Túc của ông Tập khi đó, không chỉ xảy ra chuyện truyền thông ĐCSTQ ca tụng Tập Cận Bình là “lãnh tụ nhân dân” mà quan trường tỉnh Cảm Túc còn lên kế hoạch cho khẩu hiệu “Tập Cận Bình vạn tuế”.

Qua video ghi lại được truyền thông ĐCSTQ đăng tải cho thấy cảnh Tập Cận Bình với gần 10 vệ sĩ bảo vệ nghiêm ngặt đã được “quần chúng” vây quanh và hô to: Tổng Bí thư vạn tuế! Nhưng trong bản tin đăng tải bằng văn bản thì truyền thông ĐCSTQ đã đổi cụm từ “Tổng Bí thư vạn tuế” thành “ĐCSTQ vạn tuế”.

Trong sự kiện này, giới quan sát có chỉ ra, giọng người hô khẩu hiệu không giống giọng vùng thôn quê Cam Túc mà là giọng thuần Bắc Kinh, vì thế suy đoán rằng màn kịch do giới quan chức địa phương dàn dựng.

Tuyết Mai