“Họ thực sự đã nổ súng! Họ bắn vào đám đông chúng tôi, những người tay không tấc sắt! Xe tăng điên cuồng lăn qua đám đông, và các bạn cùng lớp xung quanh tôi đã bị bắn …”. “Các sinh viên ở Hồng Kông hãy lên xe cấp cứu! … Hãy nói với tất cả mọi người trên thế giới, rằng chính phủ của chúng ta đã đối xử với người dân như thế nào!”

p2946801a642067290
Lý Lan Cúc, một cư dân Hồng Kông sống sót sau vụ Thảm sát Thiên An Môn, đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình tại Đêm thắp nến tưởng niệm ngày 4/6 ở Công viên Victoria, Hồng Kông năm 2019. (Ảnh: Stake / Ảnh chụp màn hình video)

Lý Lan Cúc là một sinh viên Hồng Kông sống sót sau vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Cô đã run rẩy kể lại trải nghiệm của bản thân mình vào đêm hôm đó, trong buổi thắp nến tưởng niệm ngày 4/6 tại Công viên Victoria của Hồng Kông năm 2019. Cô không ngờ rằng cuộc tụ họp ngày 4/6/2019 tại Công viên Victoria lại trở thành lần cuối. Sau đó cuộc tụ họp đã bị chính quyền Hồng Kông cấm trong 2 năm liên tiếp vì lý do dịch bệnh.

Hai năm qua, Hồng Kông đã trải qua những thay đổi kinh thiên động địa. Ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), Chủ tịch Liên đoàn ủng hộ Phong trào Yêu nước và Dân chủ Hồng Kông, và các nhà dân chủ khác, đã bị xét xử và bỏ tù vì chính trị. Đêm trước ngày 4/6 năm nay, cô Lý Lan Cúc đã trả lời phỏng vấn kênh truyền thông mạng “Zhong News”. Cô kể về món nợ ân tình khi ông Lý Trác Nhân một mình đến bệnh viện thăm cô giữa lúc binh đao loạn lạc. Cô ấy nói rằng cô đã thúc giục ông Lý Trác Nhân rời khỏi Hồng Kông, nhưng ông Lý phớt lờ điều đó và chỉ để lại bốn chữ  “Giữ vững dân khí” (Giữ vững nhuệ khí của nhân dân).

Sinh viên Hồng Kông chứng kiến cảnh ​​chính quyền bắn người dân

Năm 1989, Lý Lan Cúc, một sinh viên khoa báo chí tại Đại học Shue Yan, kiêm đại diện của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông, đã đến Bắc Kinh 2 lần để ủng hộ Phong trào Sinh viên năm 1989. Tối ngày 3/6, cô đã tận mắt chứng kiến ​​cảnh biết bao cảnh thảm sát tàn bạo tại Quảng trường Thiên An Môn. “Ngày 4/6 không chỉ ghi lại sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thậm chí còn ghi lại những lời nói dối vô liêm sỉ của họ.” Cô nói trong một buổi tụ họp thắp nến tưởng niệm ngày 4/6 tại Công viên Victoria năm 2019.

Khoảng 9 giờ tối ngày 3/6/1989, các phóng viên Hồng Kông nhận được nguồn tin đáng tin cậy rằng “quân đội sẽ dọn sạch Quảng trường”. Tuy nhiên, 4 thành viên của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông vẫn quyết định lên đường đến Quảng trường Thiên An Môn, cùng tiến cùng thoái với các sinh viên Bắc Kinh.

Khoảng 10 giờ, một giọng nói nghẹn ngào phát ra từ đài phát thanh của sinh viên. Một nam sinh đã khóc và nói: “Các bạn của tôi! Họ đã nổ súng thật rồi! Họ đã bắn vào đám đông chúng ta, những người tay không tấc sắt! Xe tăng đang điên cuồng lăn qua đám đông. Người bạn học bên cạnh tôi đã bị bắn. Tôi mang chiếc áo khoác dính máu của anh ấy đến đây, để báo cáo với các bạn rằng quân đội vừa giết người vừa tiến vào Quảng trường Thiên An Môn từ bên ngoài thành phố. Chúng ta phải làm gì bây giờ?”. Một số người cho rằng họ đã không còn đường lui và kiên quyết bám trụ tại quảng trường.

Sau đó, cô nhìn thấy nhiều người chết và bị thương được đưa đến một trạm cấp cứu gần đó. Một số công nhân trẻ đang cầm gậy gỗ và đá để bảo vệ học sinh. Nhưng một số học sinh nói với họ: “Hãy bỏ vũ khí xuống, chúng ta thỉnh nguyện ôn hòa. Chúng ta sẽ kiên trì đến cùng, và thỉnh nguyện ôn hòa!”

Một người công nhân già nói với người công nhân trẻ trong nước mắt: “Hãy nghe lời của những học sinh này, bỏ vũ khí xuống, thỉnh nguyện ôn hòa và kiên trì đến cùng. Chúng ta không thể để người  khác viện cớ nói rằng chúng ta là những kẻ bạo loạn.” Thế là người công nhân già ấy đã dẫn những người công nhân trẻ tuổi, dùng chính thân thể mình, che chở cho các học sinh, sinh viên.

Đến đầu giờ sáng, tiếng súng báo hiệu vang dội trên bầu trời Quảng trường Thiên An Môn. Cô nghe thấy tiếng súng đang tiến đến từ phía xa. Một học sinh cấp hai đang cầm một hòn đá đang xông đến trước mặt quân đội và hét lên: “Anh ơi, anh ơi! Anh của em đã bị chúng giết rồi! Em sẽ chiến đấu với chúng!”. Sau khi bị chặn lại cậu khóc nức nở “Anh ơi, Anh ơi!”. Cậu đuổi theo sau chiếc xe cấp cứu và biến mất trên đại lộ Trường An. Sau đó người cậu ướt đầm máu tươi và được khiêng trở lại trạm cấp cứu.

Người dân Bắc Kinh hét lên: “Sinh viên Hồng Kông mau lên xe cứu thương!”

Đêm đó, xe cứu thương liên tục bấm còi, liên tục chạy giữa trạm cấp cứu và bệnh viện. Đám đông hét lên: “Sinh viên Hồng Kông mau lên xe cứu thương!” Một nữ bác sĩ nắm lấy tay Lý Lan Cúc nói: “Con ơi, nghe ta nói, con phải lên xe cấp cứu, con phải rời Quảng trường Thiên An Môn và trở về Hồng Kông an toàn. Hãy nói cho mọi người trên toàn thế giới biết chuyện gì đã xảy ra tối nay và cho mọi người trên toàn thế giới biết chính phủ của chúng ta đã đối xử với người dân như thế nào!”

Vì vậy, Lý Lan Cúc đã được đoàn xe cấp cứu đẩy lên xe và rời khỏi quảng trường Thiên An Môn. Cô vẫn nhớ từng khuôn mặt, từng giọng nói, những giọt mồ hôi, nước mắt và những cơ thể vẫn còn hơi ấm trước khi lìa đời. “Tôi không biết tên của họ. Cái tên duy nhất mà họ có trong 30 năm qua mà ĐCSTQ đặt cho họ, là ‘những kẻ bạo loạn’ nhân danh nhân dân và nhân danh Trung Quốc. Họ không phải là kẻ bạo loạn… Họ là những công dân dũng cảm, kiên trì và thể hiện vẻ đẹp nhân tính của thế giới. Những việc làm của họ đã làm rung chuyển thế giới khi đó, lật đổ Bức tường Berlin và làm tan rã chế độ Bức màn sắt ở Đông Âu.”

Vài ngày sau bài phát biểu của cô Lý Lan Cúc tại Công viên Victoria ngày 4/6/2019, phong trào chống Dự luật Dẫn độ đã nổ ra. Khẩu hiệu “Không có bạo loạn, chỉ có bạo quyền” đã vang lên khắp Kowloon và New Territories, Hồng Kông. Sau khi thực thi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, chính quyền đã bắt giữ và xét xử các nhà dân chủ trên quy mô lớn.

Hoàng Chi Phong, Lê Trí Anh và những người khác tham gia cuộc tụ họp ngày 4/6 năm ngoái đã bị kết án tù nặng nề. Cuộc tụ họp kỷ niệm ngày 4/6 năm nay lại bị cấm. Chính quyền đe dọa rằng ngay cả những công dân bình thường tham gia cũng sẽ bị bắt. Cuộc tụ họp ngày 4/6/2019 mà cô Lý Lan Cúc làm chứng ​​trên sân khấu có thể là cuộc tụ họp cuối cùng mà người Hồng Kông được tự do tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn.

Không quên ân tình của ông Lý Trác Nhân, giục ông rời đi nhưng không thành

Ông Lý Trác Nhân, Chủ tịch Liên đoàn ủng hộ Phong trào Yêu nước và Dân chủ Hồng Kông, thân đang trong chốn lao tù. Cô Lý Lan Cúc sẽ mãi mãi khắc ghi ân tình của ông, người đã giúp cô thoát chết vào ngày 4/6 năm xưa.

Cô nói với Zhong News rằng cô và Trần Thanh Hoa đã được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Liên hiệp Bắc Kinh vào rạng sáng ngày 4/6. Lúc đó, có tin đồn rằng quân đội ĐCSTQ sẽ vào bệnh viện bắt giữ học sinh, sinh viên. Cô gọi cho lãnh sự quán Anh để nhờ giúp đỡ, thỉnh cầu cho xe hoặc người đến đón họ. Nhưng đầu dây bên kia chỉ đáp lại một câu: Hãy ở yên vị trí của bạn, chúng tôi không thể hỗ trợ được gì.

Cô lại gọi điện cho ông Lý Trác Nhân. Ông Lý bình tĩnh hiểu tình hình của họ và đến đón họ vào rạng sáng. 6 giờ sáng cô bước ra khỏi bệnh viện, thì nhìn thấy ông Lý Trác Nhân đơn thương độc mã đi tới.

Hóa ra trong tình cảnh binh đao loạn lạc, không có xe, không có người tri viện, cũng không biết đường, chỉ dựa vào tấm bản đồ Bắc Kinh, ông đã đi bộ đến bệnh viện để đón họ. Sau đó, ông Lý Trác Nhân bị cảnh sát bắt giữ và không thể trở về Hồng Kồng trên cùng chuyến bay với họ. Cô Lý Lan Cúc nói rằng cô sẽ ghi nhớ ân tình này suốt cuộc đời.

Sau khi Luật An ninh Quốc gia được thực thi, cô Lý Lan Cúc đã từng thuyết phục ông Lý Trác Nhân và các thành viên trong Liên đoàn Yêu nước rời đi. Ông Lý Trác Nhân đôi khi không trả lời, nhưng dưới sự thúc giục liên tục của họ, ông chỉ để lại 4 chữ “Giữ vững dân khí” (Giữ vững nhuệ khí của nhân dân).

Tháng 4 năm nay, ông Lý Trác Nhân đã bị kết án tù vì tổ chức buổi tụ họp ngày 18/8. Trước khi ông ra tòa, cô Lý Lan Cúc đã gửi một tin nhắn, nhắc lại ân tình của ông vào rạng sáng ngày 4/6/1989: “Cháu vẫn nhớ bóng dáng của chú trong bệnh viện lúc đó. Cháu còn nhớ như in … Bây giờ cháu nhắn tin qua WhatsApp với chú. Lần sau chắc sẽ phải viết thư tay rồi. Cháu cầu nguyện cho chú, tôn trọng sự lựa chọn của chú, và hy vọng chú hãy bảo trọng.”

Nói với ông Pompeo: Vụ Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn 2.0 đang diễn ra ở Hồng Kông

Sau khi trải qua vụ Thảm sát ngày 4/6/1989, cô Lý Lan Cúc đã chứng kiến ​​cảnh sát trong Phong trào Ô dù Hồng Kông vận chuyển từng thùng vũ khí đến Văn phòng Trưởng đặc khu năm 2014. Vết thương lòng của cô đột nhiên sống lại. Năm 2019, phong trào chống Dự luật Dẫn độ bùng nổ. Sau khi trở về Canada, cô ngày đêm theo dõi và giải thích tình hình ở Hồng Kông cho các nước hải ngoại.

“Đây có thể là số phận. Tôi đã làm chứng cho vụ thảm sát tại ​​Quảng trường Thiên An Môn ở Hồng Kông. Nhưng tôi lại đang chứng kiến ​​cảnh tượng tương tự của Hồng Kông từ Toronto (Canada).” Năm ngoái, cô và Vương Đan, lãnh đạo phong trào sinh viên năm 1989, đã được Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Mike Pompeo tiếp kiến.

Họ là những nhân vật hiếm hoi, đại diện cho vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, được các quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ tiếp đón trong nhiều năm qua. Cô đã nói với ông Pompeo: “Vụ Thảm sát Thiên An Môn 2.0” đang xảy ra ở Hồng Kông. Những người trẻ ở Hồng Kông đang đau khổ không kém các sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn.

Cô Lý Lan Cúc cho biết cô rất kỳ vọng vào những người Hồng Kông đã nhập cư ở nước ngoài. Cô đặc biệt hy vọng rằng những người rời khỏi Hồng Kông vì theo đuổi dân chủ và tự do, cần mang tinh thần và niềm tin của công viên Victoria ra nước ngoài. “Hàng năm chúng tôi đều thắp nến tưởng niệm một nhóm sinh viên và người dân Bắc Kinh mà chúng tôi chưa từng gặp, không hề quen biết, hoặc chỉ biết chút ít về họ. Bạn hãy xem nhóm người đã ngã xuống ở Hồng Kông. Bạn có thể thực sự bỏ cuộc không nếu bạn ra nước ngoài? Bạn có thể không tiếp tục kiên trì sao?”

Còn những người ở lại thì sao? Cô Lý Lan Cúc nói rằng mình đang ở nước ngoài, nên cũng không có tư cách nói gì họ. “Tôi luôn có lý do để đấu tránh vì các bạn. Chỉ cần các bạn không từ bỏ, thì tôi cũng sẽ không bỏ cuộc.”

Lý Gia Hoành, Vision Times

Xem thêm: